Lại 'nóng' tội phạm lừa tiền

LÊ ANH 19/10/2023 06:46

Sử dụng App trí tuệ nhân tạo (AI) để giả dạng người khác hoặc giả mạo giấy tờ, hồ sơ cá nhân, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo hàng tỷ đồng. Đây là một trong những loại hình tội phạm công nghệ cao được cơ quan chức năng TPHCM đặc biệt cảnh báo trong thời gian gần đây.

Công an cảnh báo hoạt động tội phạm video call giả danh để lừa đảo xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố.

Vụ đánh sập một đường dây làm giả Căn cước công dân (CCCD) gắn Chip, lừa đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng đứng tên pháp nhân khác để lừa đảo vừa được Công an quận Phú Nhuận (TPHCM) thực hiện thông qua tố giác của nhiều nạn nhân. Quá trình điều tra, triệt phá đường dây này, công an còn phát hiện, điều tra mở rộng về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức” của nhóm đối tượng.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 15h30, ngày 3/10, 1 nam thanh niên có tên Lê Văn Điểm đến chi nhánh Ngân hàng Viettinbank tại số 222 Phan Đình Phùng (phường 1, quận Phú Nhuận) để thực hiện giao dịch mở tài khoản ngân hàng. Khi đối chiếu nhân dạng thì nhân viên ngân hàng phát hiện đây là 1 đối tượng giả dạng, còn thông tin người này khai báo với phía ngân hàng lại là một cá nhân khác. Nghi ngờ Điểm lập tài khoản với mục đích hoạt động tội phạm, nhân viên ngân hàng đã báo tin cho lực lượng công an địa phương hỗ trợ xác minh.

Tại cơ quan Công an phường 1, quận Phú Nhuận, đối tượng Điểm khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Điều tra mở rộng, Công an quận Phú Nhuận đã phát hiện 1 đường dây hoạt động giả mạo, giả dạng để lừa đảo do Phó Lâm Việt Tân (21 tuổi, trú phường 4, quận Gò Vấp) cầm đầu.

Thủ đoạn của đường dây này là dẫn dụ, cắt cử những người có khuôn mặt giống với thông tin cá nhân của một người khác, sau đó dùng CCCD giả đến ngân hàng để mở tài khoản. Trong đó, trường hợp Lê Văn Điểm được nhóm đối tượng thuê sử dụng thẻ CCCD giả để đi đăng ký tài khoản ngân hàng. Xong việc, người này sẽ được trả thù lao từ 700.000 đến 1.000.000 đồng/tài khoản ngân hàng.

Ngoài hoạt động làm giả hồ sơ, giấy tờ tùy thân, pháp nhân của cá nhân, tổ chức, Công an TPHCM cũng tổ chức triệt phá, bắt giữ tội phạm giả danh, giả dạng người khác để hoạt động lừa đảo.

Điển hình, vào giữa tháng 4 vừa qua, Công an đã tạm giữ hình sự nghi phạm Đinh Thành Hiếu (40 tuổi, trú quận 8, TPHCM) để điều tra về hành vi “giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác”. Đối tượng này có hành vi lên mạng đặt mua quân phục cấp bậc trung tá công an (với giá 2,2 triệu đồng), sau đó chụp ảnh đang mặc quân phục rồi sử dụng tài khoản Zalo tìm kiếm những phụ nữ có điều kiện gửi lời mời kết bạn.

Tính đến thời điểm bị phát hiện, bắt giữ, Hiếu đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 9 nạn nhân là phụ nữ ở nhiều địa phương khác nhau, với số tiền lừa đảo khoảng 125 triệu đồng. Cùng thời gian này, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM đã vào cuộc điều tra vụ việc một cụ ông mất gần 15 tỷ đồng sau các cuộc gọi của người tự xưng là “Cục trưởng” thuộc Bộ Công an. Nạn nhân cho biết, một người tự xưng là cán bộ công an, thông báo rằng nạn nhân sẽ bị bắt vì dính vào đường dây tội phạm, sau đó đối tượng yêu cầu gọi video call để xem lệnh bắt giam. Bị thao túng tâm lý, cụ ông đã chuyển số tiền hàng tỷ đồng theo nhiều lượt vào một số tài khoản được đối tượng tội phạm cung cấp.

Theo Công an TPHCM, đây chỉ là một vụ việc điển hình, trong số hàng chục vụ mà nạn nhân tố giác với công an thành phố khi bị đối tượng tội phạm giả dạng, giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo.

Thượng tá Lê Minh Hải - Phó Trưởng phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TPHCM) cho biết, thủ đoạn của loại tội phạm này thường hoạt động qua mạng xã hội và thường mạo danh cán bộ công an, cán bộ công tác ở Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân, sau đó gọi điện yêu cầu về việc vi phạm pháp luật, giả mạo các tin nhắn của ngân hàng, nhân viên bệnh viện,…nhằm mục đích để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng tạo các ví điện tử trùng tên với nạn nhân, tạo lập các đường link giả mạo doanh nghiệp có thương hiệu, ngân hàng trong nước để gây nhầm lẫn, dễ lôi kéo đầu tư tài chính, chứng khoán, tuyển dụng làm trực tuyến... Khi nạn nhân nhẹ dạ cả tin thực hiện theo hướng dẫn của chúng, sẽ bị dẫn dụ lừa tiền và tài sản.

Để hạn chế rủi ro, Công an TPHCM khuyến cáo người dân khi có người yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mã OTP… phải hết sức cảnh giác. Đồng thời, liên hệ với cơ quan công an, cơ quan chức năng gần nhất trình báo để được giúp đỡ.

UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo gửi các sở, ngành, địa phương về tăng cường giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tội phạm, nhất là lừa đảo qua mạng, lừa đảo công nghệ cao. Trong đó, yêu cầu Công an thành phố tăng cường ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư để rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản “ảo” để hoạt động lừa đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lại 'nóng' tội phạm lừa tiền