Nền kinh tế dự báo sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ từ cuối năm 2024 sang năm 2025, giúp nhu cầu tín dụng tăng nhanh, từ đây đặt ra nhiều sức ép với lãi suất cho vay. Trong bối cảnh đó, đường đi của lãi suất trong năm 2025 được giới chuyên gia cũng như doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Lãi suất cho vay đang “gánh” nhiều áp lực
Nói về lãi suất cho vay, lãnh đạo một ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết mức lãi suất cho vay doanh nghiệp (DN) cao hay thấp cũng phụ thuộc vào chính nhu cầu vay vốn, khả năng tài chính của DN và chính sách riêng của từng ngân hàng.
Chẳng hạn, khi nhu cầu vốn vay tăng cao, nguồn cung vốn của ngân hàng có thể bị hạn chế, dẫn đến việc điều chỉnh lãi suất tăng lên để đảm bảo cân bằng thị trường. Hay như hiện nay, các ngân hàng đang cung cấp nhiều gói vay cho từng lĩnh vực, từng đối tượng khách hàng với mức lãi suất khác nhau.
“Ví dụ ngân hàng A. cho DN xuất khẩu vay với lãi suất 7%/năm, nhưng cho vay tiêu dùng chỉ từ 6,5%/năm. Ngược lại, ngân hàng B. cho vay ở lĩnh vực xuất khẩu chỉ 6,5%/năm trong khi vay tiêu dùng có thể lên tới 7,5%/năm. DN cần tìm hiểu kỹ các gói vay, so sánh lãi suất, điều kiện vay và lựa chọn gói vay phù hợp nhất với nhu cầu và khả năng tài chính của mình" - vị này nói.
Nhìn vào diễn biến hiện tại, có thể thấy lãi suất cho vay trong năm 2025 đang “gánh” nhiều áp lực, mặc dù mục tiêu chung ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là duy trì ổn định.
Điểm đầu tiên dễ nhận thấy là lãi suất huy động những ngày cuối năm 2024 có xu hướng tăng cao. Các ngân hàng tăng lãi suất huy động trong bối cảnh nhu cầu tín dụng cuối năm tăng nhiều. Chưa kể các ngân hàng cũng muốn giữ dòng tiền chảy về ngân hàng ổn định khi mà các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán đang có sóng. Đồng thời, áp lực trích lập dự phòng nợ xấu ngày càng lớn khiến ngân hàng cần bổ sung nguồn vốn để duy trì thanh khoản và đảm bảo an toàn tài chính. Lãi suất huy động có xu hướng tăng cao chắc chắn tác động đến lãi suất cho vay. Cách hoá giải áp lực này là ngân hàng, tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn lực, tối ưu hóa chi phí.
Theo phân tích của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng ngày càng mỏng do các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để hút nguồn vốn phục vụ nhu cầu kinh doanh cuối năm, cũng như đảm bảo cạnh tranh với các kênh đầu tư khác. Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp, nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, thì NIM của nhiều ngân hàng sẽ dưới mức 3%.
Ngoài áp lực đến từ lãi suất huy động, áp lực tăng lãi suất cho vay cũng luôn hiện hữu, nhất là khi hệ thống ngân hàng phải đối mặt với bài toán thanh khoản do các dự báo đưa ra tăng trưởng GDP năm 2025 sẽ cao hơn năm 2024, DN cần nhiều vốn hơn để bứt tốc.
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), thời gian qua, DN của ông không quá khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Đặc biệt là những lĩnh vực ưu tiên, các DN có cơ hội tốt để vay vốn với mức lãi suất phù hợp.
"Lãi suất cho vay hiện nay ở mức 5,8-6,5%/năm là khá thấp so với nhiều năm qua, điều này tạo thuận lợi để các DN có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn rẻ, đáp ứng mùa cao điểm kinh doanh cuối năm. Nguồn vốn trung dài hạn để DN đầu tư tài sản cố định cũng không gặp quá nhiều khó khăn" - ông Hiến chia sẻ.
Nhìn lại năm 2024, ngành ngân hàng đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định tỉ giá, thị trường ngoại hối và thị trường vàng. Những kết quả này càng đáng ghi nhận trong bối cảnh đồng USD biến động mạnh, các đồng tiền lớn khác mất giá, giá vàng toàn cầu diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và xung đột vũ trang tại một số khu vực vẫn căng thẳng.
Dữ liệu thống kê của NHNN cho hay, trong điều hành lãi suất năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao.
Theo báo cáo lãi suất của các NHTM, đến giữa tháng 12 mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.
Mặc dù mặt bằng lãi suất được đánh giá đang ở mức phù hợp, nhưng thị trường vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục giảm để hỗ trợ nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu NHNN kiểm soát chặt lãi suất huy động của các ngân hàng và thực hiện các giải pháp giảm mặt bằng lãi cho vay để hỗ trợ người dân, DN.
Tiếp tục đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM nhấn mạnh, ở góc độ ngành ngân hàng và dựa trên các kịch bản tăng trưởng kinh tế mà các chuyên gia đề xuất, cùng với định hướng từ Chính phủ và Quốc hội, năm 2025 ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đáp ứng tốt nhất các nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng nhằm hỗ trợ DN và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiệm vụ cốt lõi của ngành ngân hàng là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 8%, dù đây là một thách thức lớn, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục góp phần quan trọng vào việc đạt được mục tiêu này. Ngành sẽ triển khai các chính sách lãi suất hợp lý, kiểm soát ổn định tỉ giá, đồng thời duy trì các chính sách hỗ trợ DN và nền kinh tế” – ông Lệnh nói.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 hồi giữa tháng 12, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng chia sẻ, việc điều hành lãi suất hiện nay gặp không ít khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế và tình hình trong nước. “Nếu lãi suất cho vay giảm mạnh, tỷ giá có nguy cơ tăng cao, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô và tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài” - bà Hồng nói.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ cần giữ được ổn định cả lãi suất và tỷ giá, triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là DN vừa và nhỏ trên tinh thần “cả hai cùng thắng”.
Dự đoán về lãi vay trong năm 2025, nhiều chuyên gia cho rằng lãi vay sẽ tăng tiếp nhưng ở mức thấp chứ không quá mạnh theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về việc giảm mặt bằng lãi vay, hỗ trợ DN.
Các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, việc lãi suất huy động tăng nhẹ sẽ tạo áp lực nhất định lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên, room tín dụng dồi dào trong thời gian qua làm tăng cạnh tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng và giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.
Trong ngắn hạn, lãi suất cho vay sẽ có sự phân hóa. Lãi suất cho vay đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu… theo các chương trình ưu đãi về lãi suất, dẫn đến lãi suất có thể tiếp tục giảm nhẹ. Trong khi đó, lãi suất ở nhóm ngành có mức độ hồi phục nhanh hơn và rủi ro hơn như bất động sản và xây dựng sẽ điều chỉnh tăng theo đà tăng của lãi suất huy động.
Theo Công điện số 135/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi và điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ của các nền kinh tế lớn để đánh giá, phân tích, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Công điện yêu cầu tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại…
Thời gian qua, các gói tín dụng hỗ trợ, như gói cho ngành nông thủy sản, đã được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng (sau đó nâng lên thành 140.000 tỷ đồng) dành cho thị trường bất động sản, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội, tiếp tục mang lại hiệu quả tích cực.
Nhiệm vụ cốt lõi của ngành ngân hàng là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với mục tiêu tăng trưởng đầy thách thức của năm 2025 là đạt khoảng 8%, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu với việc triển khai các chính sách lãi suất hợp lý, kiểm soát ổn định tỉ giá, đồng thời duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.