Hiện, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm được các ngân hàng cam kết không quá 9,5%/ năm. Ghi nhận thực tế cho thấy, các ngân hàng thực hiện niêm yết bảng lãi suất đúng quy định, song để tăng hút tiền gửi nhàn rỗi vào dịp Tết Nguyên đán, các ngân hàng đã đưa ra một số chương trình khuyến mãi.
Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất huy động cao nhất đang là 9,9%/năm tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) với khoản gửi kỳ hạn từ 15 tháng. Đáng chú ý, NCB cộng thêm 0,2% lãi suất so với biểu lãi suất online khi gửi trên NCB iziMobile. Ưu đãi này dành cho khách hàng gửi tiết kiệm lần đầu tiên tại NCB. Còn tại Saigonbank, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng được niêm yết từ 9,2 - 9,5%/năm, trong đó kỳ hạn 6 tháng có mức lãi suất là 9,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 9,4%/năm; lãi suất huy động cao nhất là 9,5% được dành cho kỳ hạn 13 tháng; các kỳ hạn từ 18 - 36 tháng có mức lãi suất huy động là 9,3%/năm. Tương tự, tại PVCombank, lãi suất tiết kiệm cao nhất đang đứng ở mức 9,5%/năm với các khoản tiền gửi tiết kiệm bậc thang bằng hình thức gửi online. Tại quầy, lãi suất tiết kiệm cao nhất chỉ 9,3%/năm.
Có thể thấy, biểu lãi suất tiết kiệm của nhiều ngân hàng thương mại đã hạ nhiệt sau khi các tổ chức tín dụng đồng thuận không đẩy lãi suất huy động quá 9,5%/năm. Tuy nhiên, trong những ngày đầu năm mới 2023, các ngân hàng cũng áp dụng các chương trình hấp dẫn "lì xì" người gửi tiền. Đón Xuân mới Quý Mão 2023, Agribank "lì xì" khách hàng bằng combo chương trình ưu đãi khi khách hàng đăng ký mở tài khoản Agribank và kích hoạt Agribank E-Mobile Banking. Tương tự, ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng vừa triển khai chương trình “Tiết kiệm đầu năm - Xuân sang lộc phát” để tri ân khách hàng gửi tiết kiệm dịp đầu năm mới.
Theo các chuyên gia, giai đoạn Tết Nguyên đán và đầu Xuân, ngân hàng thường chú trọng phát triển các sản phẩm tiền gửi, cùng các chương trình ưu đãi hấp dẫn, để hút tiền gửi từ cư dân.
Tuy nhiên vấn đề quan tâm là thời điểm trước Tết lãi suất huy động tăng rất nhanh, sau đó hạ nhiệt do ngân hàng thực hiện cam kết. Đặt trong bối cảnh tăng trưởng tiền huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng (tín dụng trong năm 2022 đã tăng trưởng gấp đôi huy động) nghĩa là vấn đề thanh khoản dự báo vẫn căng thẳng. Vậy cuộc đua lãi suất có khả năng tái diễn hay không?
Theo TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Thị trường Tài chính - Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, các ngân hàng nhỏ không có lợi thế về hệ thống, tập khách hàng nên luôn phải đưa ra lãi suất cao hơn mặt bằng chung. Việc các ngân hàng đồng thuận không đẩy lãi suất huy động vượt 9,5%/năm chỉ có thể triển khai đồng bộ trong thực tế với điều kiện NHNN có biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ, không chỉ trong ngắn hạn mà về lâu dài.
Chưa kể, áp lực thanh khoản của các ngân hàng còn đến từ việc thực hiện quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ngày càng tăng. Tỷ lệ này đã bị giảm từ 37% xuống 34% vào tháng 10/2022, theo lộ trình thì tháng 10/2023 sẽ tiếp tục giảm xuống 30%.
Theo Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, năm 2023 tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Quỹ tiền tệ quốc tế vừa mới nhận định 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái và cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với một năm 2023 khó khăn hơn.
Trong nước, lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng cao trong khi vẫn cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, những khó khăn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết căn bản.
Bởi vậy, lãnh đạo NHNN cho hay, năm 2023, NHNN sẽ tập trung vào một số mục tiêu lớn như tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống...
Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) vừa công bố kết quả điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) tháng 12/2022. Kết quả cho thấy, các TCTD dự báo nhu cầu tín dụng tổng thể tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2023 và cả năm 2023 đối với tất cả các lĩnh vực, đối tượng, loại tiền và kỳ hạn; trong đó dự báo nhu cầu tín dụng ngắn hạn tăng cao hơn trung và dài hạn; nhu cầu vay vốn VNĐ tăng cao hơn ngoại tệ. Trong các lĩnh vực cho vay cụ thể, năm 2023, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là lĩnh vực có số lượng TCTD dự báo nhu cầu tín dụng tăng nhiều nhất, xếp thứ 2 là lĩnh vực xây dựng, kế sau đó là đầu tư vận tải kho bãi và kinh doanh xuất nhập khẩu.