Lãi suất tiết kiệm của nhiều ngân hàng đã có sự thay đổi cả ở kỳ hạn ngắn và dài. Một số ngân hàng đã bắt đầu tăng dần lãi suất huy động.
Ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động
Mới đây, Sacombank bất ngờ tăng lãi suất huy động sau 2 lần giảm. Theo đó, ngân hàng này nâng 0,2 - 0,4 điểm % cho khoản tiền gửi phát sinh mới ở kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng. Lãi suất gửi dưới 6 tháng tại ngân hàng này tăng lên mức 3,7%/năm; khách gửi kỳ hạn 12 tháng được hưởng lãi suất 4,8%/năm và lãi suất cao nhất là 6%/năm nếu khách gửi kỳ hạn dài 36 tháng tại quầy. Nếu gửi online, lãi suất cao nhất tăng lên 6,2%/năm.
Hay như Techcombank cũng tăng 0,2%/năm lãi suất huy động đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Lãi suất tiền gửi “Phát lộc tại quầy” kỳ hạn 1 và 2 tháng của ngân hàng này dao động từ 2,55 - 2,7%/năm; kỳ hạn từ 3 - 5 tháng dao động từ 2,95 - 3,3%/năm đối với từng đối tượng khách hàng và số tiền gửi.
Còn với khách hàng gửi tiền online, Techcombank áp dụng lãi suất cao hơn từ 0,1 - 0,2%/năm so với hình thức gửi tiền tại quầy. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng dao động từ 2,75 - 2,9%/năm; kỳ hạn từ 3 - 5 tháng dao động từ 3,15 - 3,5%/năm. Với tài khoản thanh toán Techcombank cũng áp dụng lãi suất lên tới 3,3%/năm thay vì mức lãi suất không kỳ hạn 0,1%/năm như thông thường.
Còn tại ACB, biểu lãi suất huy động trực tuyến tại nhà băng này, lãi suất tiền gửi từ 1-3 tháng tăng 0,3%; kỳ hạn 12 và 18 tháng tăng 0,1%.
Thời gian gần đây, các ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh lãi suất huy động theo chiều hướng tăng. Động thái tăng lãi suất tiền gửi tại một vài ngân hàng gây chú ý trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại khác vẫn hạ lãi suất huy động diễn ra vào thời điểm cuối năm 2023, đầu tháng 1 năm 2024. Đặc biệt là khi tín dụng trong tháng 1 vừa qua tăng rất chậm. Lãnh đạo một ngân hàng lý giải việc tăng lãi suất chỉ ở một vài kỳ hạn, do các kỳ hạn này mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung nên điều chỉnh tăng. Mặt bằng chung lãi suất huy động vẫn ở mức thấp và xu hướng là ổn định.
Các chuyên gia nhận định lãi suất huy động khó tăng mạnh trở lại, nhưng cũng khó xảy ra việc giảm thêm trong năm nay bởi lãi suất đã xuống “đáy” trong bối cảnh lạm phát vẫn là yếu tố khó lường.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024, với khoảng 4,85 - 5,35%. Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân- Trường Đại học Kinh tế TPHCM dự báo, khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ duy trì mức như hiện nay đến hết quý II/2024 và bắt đầu tăng trở lại trong nửa cuối năm nếu nền kinh tế hồi phục, tín dụng cải thiện trở lại so với mức tăng trưởng âm 0,6% trong tháng 1 đầu năm.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất, ít nhất là trong quý I/2024 cho đến khi hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại vào khoảng nửa sau của năm 2024.
Kỳ vọng tín dụng sớm tăng
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Văn Hương - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Bán lẻ, OCB nhận định, năm 2024 sẽ có nhiều điểm sáng kích cầu tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cấp hết room 15% ngay đầu năm, từ đó tạo lực đẩy tăng trưởng tín dụng nói chung. Tuy nhiên, phải đến quý III/2024, thị trường mới phục hồi rõ nét, sức mua sẽ tăng dần kéo theo nhu cầu vay vốn tăng trở lại, trong đó có cả tín dụng nhà ở.
Theo ông Phạm Quang Thắng - Phó Tổng giám đốc Techcombank, thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay đã bớt đóng băng so với năm 2023, người dân bắt đầu có động thái đầu tư trở lại. Tín dụng mua nhà tại Techcombank đã tăng nhẹ 0,5% trong tháng 1/2024, trong khi tín dụng kinh doanh bất động sản duy trì ổn định so với cuối năm ngoái.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh, năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối năm 2023 khoảng 13,5 triệu tỷ đồng, mức tín dụng tăng thêm ước khoảng 2 triệu tỷ đồng.
Theo ông Tú, NHNN sẽ điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời, triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phối hợp với các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện…
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, muốn nền kinh tế hấp thu được vốn tốt, cần cả hai phía, nền kinh tế sôi động thì tín dụng mới tăng nhanh. Song muốn nền kinh tế sôi động, trước hết, phải kích cầu đầu tư công, tiêu dùng... ngân hàng có cơ chế mở, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục trong cho vay vốn, nhưng kiểm soát được rủi ro.
Thời gian gần đây, các ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh lãi suất huy động theo chiều hướng tăng. Động thái tăng lãi suất tiền gửi tại một vài ngân hàng gây chú ý trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại khác vẫn hạ lãi suất huy động diễn ra vào thời điểm cuối năm 2023, đầu tháng 1 năm 2024. Đặc biệt là khi tín dụng trong tháng 1 vừa qua tăng rất chậm.