Những ngày cuối tháng 10, hàng loạt ngân hàng chính thức tăng lãi suất huy động tiền gửi. Doanh nghiệp (DN) đang lo ngại, chi phí tài chính tăng cao, lợi nhuận kinh doanh sụt giảm vì lãi suất huy động của một số ngân hàng đã tăng nhẹ.
Lãi suất ngân hàng của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2015 trên địa bàn TP HCM đạt từ 13 đến 15%. Trong 2 tháng cuối năm, tín dụng có thể tăng trưởng 3,5 đến 5,5%, tương ứng với số tiền là 30.000 đến 50.000 tỷ đồng. Để bổ sung vào thanh khoản nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng lãi suất huy động nhằm hấp dẫn tiền nhàn rỗi trên thị trường.
Đơn cử, Techcombank lãi suất huy động kỳ hạn trên 3 tháng được điều chỉnh tăng mạnh từ 0,2 đến 0,3%. Riêng kỳ hạn 10 tháng được điều chỉnh với mức cao ngất 0,4%. Hiện mức lãi suất với kỳ hạn trên của Techcombank đang ở ngưỡng 5,58%/năm, Ngân hàng LienVietPostbank cũng tăng lãi suất huy động với kỳ hạn 13 tháng ở mức 7,3 đến 7,5%/năm. Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) mới được cho hoạt động trở lại cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm VND đối với nhiều kỳ hạn, cao nhất lên đến 7,2%/năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, đến cuối tháng 10 - 2015, tổng vốn huy động tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 1.502.000 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng đạt 1.169.300 tỷ đồng, 14% so với cùng kỳ.
Lý giải về nguyên nhân lãi suất huy động của một số ngân hàng có biến động nhẹ theo chiều hướng tăng, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết thêm, nguồn vốn vay trung và dài hạn thời gian qua cũng tăng mạnh chứng tỏ tín dụng thật sự đi vào hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tín dụng trung và dài hạn tăng cũng gây ra những rủi ro giữa huy động và cho vay khi vốn huy động ngắn hạn chiếm 80%. Để cân bằng cơ cấu vốn giữa huy động và cho vay, gần đây các tổ chức tín dụng đã tăng nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 0,2 đến 0,4%.
Theo nhận định của các chuyên gia, thường trong dịp cuối năm nhu cầu sử dụng tiền mặt thanh toán và tiêu dùng gia tăng chắc chắn không tránh khỏi tình trạng ngân hàng thi nhau tăng lãi suất huy động để bổ sung thanh khoản. Thậm chí, nhiều ngân hàng sẵn sàng thực hiện chi thêm lãi suất “ngoài luồng” bằng các hình thức khác nhau.
Trước tình trạng lãi suất huy động của ngân hàng thay đổi theo chiều hướng tăng, DN sản xuất kinh doanh lại phập phồng lo ngại. Ông Đinh Công Khương - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TM DV Thép Khương Mai cho rằng, lãi suất huy động tăng cao chắc chắn lãi suất vốn vay cũng di chuyển theo.
“Đơn hàng đã được ký từ đầu năm, nguyên liệu sản xuất đã chuẩn bị đầy đủ giờ lãi suất tăng xem như lợi nhuận của doanh nghiệp bị sụt giảm. Nếu lãi suất còn tăng trong thời gian tới, dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh không mấy suôn sẻ”, ông Khương nhấn mạnh.
Bàn về lãi suất hiện nay mà các ngân hàng đang áp dụng hầu hết DN cho rằng, lãi suất ngân hàng của Việt Nam đang cao hơn hẳn các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... DN muốn sản xuất phát triển, hội nhập tốt nhưng lãi suất ngân hàng cứ thi nhau tăng thì chẳng khác nào “đeo gông” vào cổ DN.
Trước tình trạng lãi suất cho vay có nguy cơ tăng Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng, DN phải cân nhắc, sử dụng tài chính một cách hợp lý nhất do chi phí tài chính đang ở mức cao.