Nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng cao xuất phát từ bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng từ quý III với các yếu tố tăng lương, chênh lệch tỷ giá USD/VND.
Bắt đầu có sự phân hoá
Làn sóng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng đang lan rộng. Chỉ trong vòng hơn 10 ngày đầu tháng 7/2024, thị trường đã chứng kiến thêm gần chục ngân hàng tăng lãi suất huy động.
Có thể kể đến những cái tên như: MB, Eximbank, NCB, SeABank, VIB… Trong đó, ABBank niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,0%/năm. HDBank dẫn đầu biểu lãi suất kỳ hạn 18 tháng với mốc lãi 6,1%/năm. Hay NCB niêm yết mức lãi 6,1%/năm cho kỳ hạn 18-36 tháng.
Ngoài ra, với số tiền gửi trên 1 tỷ đồng, NCB hiện áp dụng mức lãi suất ưu đãi như sau: Lãi suất 6,05 -6,2%/năm tại kỳ hạn 12 tháng; 6,15 - 6,35%/năm tại kỳ hạn 13 tháng; lãi suất 6,55 - 6,7% tại kỳ hạn 18 tháng.
Trước đó trong tháng 6, thị trường đã ghi nhận 24/36 ngân hàng thương mại trong nước tăng lãi suất huy động, trong khi chỉ có 2 ngân hàng giảm lãi suất ở một số kỳ hạn. Làn sóng tăng lãi suất huy động chủ yếu đến từ các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, trong khi khối Nhà nước vẫn đang đứng ngoài cuộc. Điều này khiến mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang dần phân hóa lớn.
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng của nhóm ngân hàng quốc doanh (Big 4) đang dao động quanh 1,6 - 2%/năm, trong khi nhóm ngân hàng TMCP tư nhân lên tới 3 - 3,4%/năm.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng của nhóm Big 4 là 1,9 - 2,3%/năm, còn của khối cổ phần tư nhân là 3,5-4%/năm. Tương tự, với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm big 4 ở mức 3 - 3,3%/năm, trong khi lãi suất của ngân hàng TMCP tư nhân có nơi lên tới 5,6%.
Đối với kỳ hạn dài 12 – 18 tháng, trong khi các ngân hàng có vốn Nhà nước vẫn duy trì ở mức thấp 4,7%/năm thì nhóm tư nhân có tới 11 ngân hàng niêm yết lãi suất lên tới trên 6%. Nhiều ngân hàng thậm chí còn áp dụng lãi suất rất cao, đi kèm điều kiện về số tiền gửi.
Nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng cao được cho là, xuất phát từ bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng từ quý III với các yếu tố tăng lương, chênh lệch tỷ giá USD/VND.
Các chuyên gia cũng nhận định, tỷ giá trong ngắn hạn vẫn là áp lực chính khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng. Trong kịch bản cơ sở, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, thậm chí còn căng thẳng cục bộ ở một vài thời điểm khiến Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục can thiệp bán ngoại tệ, cùng với đó là định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế hoạt động đầu cơ tỷ giá.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, lãi suất huy động tăng trên diện rộng thời gian qua chủ yếu do tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng chậm. Hai lực này dự báo sẽ vẫn tiếp tục duy trì, đẩy mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp tục đi lên nửa cuối năm.
Ngoài ra nhu cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục cũng kéo theo nhu cầu huy động vốn của các nhà băng, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động sẽ tiếp diễn vào cuối năm.
Giữ chân khách hàng
Giới chuyên gia dự báo, trong nửa cuối năm, lãi suất điều hành nếu tăng cũng chỉ tăng ở lãi suất thị trường mở, còn trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ vẫn được giữ ổn định.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo mặt bằng lãi suất huy động trong quý III sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,3-0,5 điểm %. Đồng thời, áp lực tăng có thể gia tăng trong quý IV và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên 0,5-1 điểm %.
Đây cũng là mức tăng lãi suất mà nhiều công ty chứng khoán và ngân hàng đưa ra trong năm nay. Chẳng hạn, KBSV cho rằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm 0,7 – 1,0 điểm % từ nay cho tới cuối năm. Ngân hàng UOB dự báo lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5-1 điểm % trên các kỳ hạn khác nhau. Còn các chuyên gia tại VDSC thì ước tính mức tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,5-1 điểm % trong nửa cuối năm nay.
Ông Đinh Đức Quang - Giám đốc điều hành kinh doanh tiền tệ Ngân hàng UOB cho rằng, các ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm đưa kênh tiết kiệm cạnh tranh với các kênh đầu tư khác trên thị trường. Theo ông Quang, trong nửa cuối năm 2024, lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5 - 1%/năm, tùy kỳ hạn.
Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất tiết kiệm trên thị trường tăng nhẹ như thời gian qua là hợp lý, giúp cân bằng lợi ích các bên, giữ chân người gửi tiền. Với hệ thống ngân hàng, điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là giữ được lãi suất điều hành ổn định và mặt bằng lãi vay ở mức thấp để nền kinh tế phục hồi.