Mức lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng trong nhóm Big4 cao nhất hiện chỉ mức 5,3%/năm, thấp hơn so với mức đáy thời điểm dịch Covid-19 năm ngoái.
Lãi suất Big4 thấp kỷ lục
Kể từ đầu tháng 10, đã có 16 ngân hàng giảm lãi suất huy động, trong đó, một số ngân hàng có nhiều lần giảm lãi suất trong tháng.
Lãi suất tiết kiệm trong nhóm Big4 cũng ghi nhận giảm mạnh. Theo biểu lãi suất huy động mới nhất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), ngân hàng này điều chỉnh giảm lãi suất tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.
Cụ thể, ngày 11/10, Agribank điều chỉnh giảm 0,2% tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên: kỳ hạn từ 3 tháng đến 5 tháng giảm từ 3,5% xuống 3,3%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng giảm từ 4,5% xuống 4,3%/năm.
Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đang được Agribank áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất là 5,3%/năm, giảm 0,2% so với trước đó.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã công bố giảm lãi suất đối với nhiều kỳ hạn.
Lãi suất huy động của BIDV giảm 0,2% với các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, xuống mức thấp nhất kể từ hồi đại dịch. Riêng mức tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng, BIDV vẫn giữ nguyên mức lãi suất 3,2%/năm.
Tại VietinBank, lãi suất tiền gửi mức kỳ hạn này cũng được giữ nguyên mức lãi suất 3,4%/năm. Trong khi đó, kỳ hạn 3 - 5 tháng vừa được giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 3,75%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 9 tháng giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm xuống còn 4,6%/năm. Mức giảm mạnh nhất diễn ra đối với kỳ hạn tiền gửi từ 12 - 36 tháng, giảm 0,2 điểm phần trăm xuống mức 5,3%/năm.
Trước đó, Vietcombank giảm 0,2% ở loạt kỳ hạn từ 3 tháng trở lên vào ngày 3/10. Mức lãi suất cao nhất tại Vietcombank hiện chỉ còn 5,3%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 12 tháng trở lên.
Cùng ngày 11/10, HDBank giảm từ 0,2 - 0,3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 1 - 13 tháng. Theo đó, lãi suất ngân hàng kỳ hạn gửi tiền 1 - 5 tháng đồng loạt giảm xuống 4,25%/năm. Lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 6 tháng cũng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 5,9%/năm, kỳ hạn 7 - 11 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 5,8%/năm.
Trong khi đó, HDBank điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm đối với lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng xuống còn lần lượt 6,1%/năm và 6,3%/năm. Trong khi đó, kỳ hạn 15 tháng vẫn giữ nguyên là 6,4%, 6,5%/năm đối với kỳ hạn 18 tháng và 6,3%/năm đối với kỳ hạn 24 - 36 tháng.
Một số nhà băng như Techcombank, SeABank cũng đang áp dụng biểu lãi suất từ 5,35%/năm đến 5,45%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, gần tương đương với nhóm Big4.
Ngân hàng vừa và nhỏ ra chính sách đặc biệt để "hút" tiền
Mặc dù lãi suất huy động ở mức thấp kỷ lục nhưng một số ngân hàng thương mại quy mô vừa và nhỏ vẫn có chính sách đặc biệt để "hút" tiền, thậm chí có nơi lên tới 11%/năm.
Hiện, lãi suất huy động tiền gửi tại quầy, kỳ hạn 12 và 13 tháng tại PVCombank đang dẫn đầu trong ngành khi lên tới 11%/năm.
Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất cực cao này, khách hàng cần đáp ứng điều kiện gửi tối thiểu là 2.000 tỷ đồng tại quầy và chỉ áp dụng cho sản phẩm lĩnh lãi cuối kỳ.
Tại Dong A Bank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 - 36 tháng từ 5,7 - 6,3%/năm. Ngân hàng áp dụng chính sách cộng thêm lãi suất với biên độ cộng từ 0,1 - 0,3%/năm tùy theo các mức tiền gửi như dưới 500 triệu đồng, từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng, từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng và từ 10 tỷ đồng trở lên.
Với tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên lãi cuối kỳ từ 200 tỷ đồng trở lên, khách hàng sẽ được áp dụng lãi suất 8%/năm (lãi suất đang niêm yết là 6,3%/năm kỳ hạn 13 tháng, 6,05%/năm kỳ hạn 18 - 36 tháng).
MSB cũng có chính sách “lãi suất đặc biệt” với biên độ cộng thêm 0,5%/năm các kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 15 tháng và 24 tháng. Sau khi áp dụng “lãi suất đặc biệt”, lãi suất kỳ hạn 6 tháng tại ngân hàng này là 5,5%/năm và 6%/năm đối với các kỳ hạn còn lại.
Điều kiện để được hưởng chính sách này là số tiền gửi tối đa không quá 5 tỷ đồng và chỉ áp dụng cho khách hàng mới. Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 sổ mở theo sản phẩm “lãi suất đặc biệt”.