Làm Báo Cứu Quốc của Việt Minh

Hồng Hà 27/12/2021 06:20

Cứu Quốc, tờ báo hàng ngày đầu tiên của Đảng ta và Mặt trận Việt Minh có truyền thống oanh liệt, hết sức vẻ vang. Báo Cứu Quốc là ngọn cờ tư tưởng và báo chí thời kỳ Việt Minh chói lọi, xứng đáng có một vị trí nổi bật trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Bác Hồ đọc Báo Cứu Quốc. Ảnh: Tư liệu.

Cơ quan Báo Cứu Quốc từ làng Thu Quế, huyện Đan Phượng, sát thị trấn Phùng, chuyển về Hà Nội trong những ngày tháng 8/1945 sục sôi khí thế cách mạng. Chính quyền cách mạng trưng thu tòa báo “Ắc-xi-ông” (Hành động) của Pháp ở 114 Hàng Trống để làm trụ sở Báo Cứu Quốc. Số Báo Cứu Quốc đầu tiên xuất bản công khai giữa Hà Nội vào ngày 24/8/1945, đề “Năm thứ tư, số 31”. Từ số 39 ra ngày 10/9/1945, báo ra hàng ngày.

Ngôi nhà bốn tầng của báo nhìn thẳng ra hồ Hoàn Kiếm. Nhóm phóng viên trẻ chúng tôi làm việc ở phòng giữa tầng hai. Phòng bên cạnh là của anh Xuân Thủy, chủ nhiệm kiêm chủ bút báo. Năm 1944, sau khi ra tù, anh được Tổng Bí thư Trường Chinh giao nhiệm vụ phụ trách Báo Cứu Quốc. Chúng tôi, với lòng mến phục, say sưa nghe anh kể chuyện làm báo thời kỳ hoạt động bí mật đầy gian khổ. Nhiều cơ sở cách mạng ở các vùng Bắc Ninh, Phúc Yên, Sơn Tây, Hà Đông, ngoại thành Hà Nội… không nề hà nguy hiểm, tận tình giúp Việt Minh xuất bản Báo Cứu Quốc.

Một lần ở Hà Nội, Tổng Bí thư Trường Chinh triệu tập hội nghị cán bộ. Anh phân tích tình hình trong nước, thế giới, rồi nói:

- Trước mắt, chúng ta phải mở rộng chính quyền nhân dân các cấp. Các đồng chí ta rút bớt ra khỏi Chính phủ lâm thời và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, nhường chỗ cho các nhân sĩ, trí thức để các vị cùng chúng ta lo việc nước. Các đồng chí ta ra khỏi chính quyền sẽ trở về củng cố Đảng, củng cố Việt Minh, đoàn kết nhân dân.

Thành phần Chính phủ do Đại hội quốc dân tại Tân Trào ngày 16/8/1945 thông qua, được điều chỉnh. Anh Nguyễn Khang, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ phụ trách Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, rời cơ quan ở Bắc Bộ phủ dọn về gác hai, nhà số 51 Hàng Bồ, chuyên làm công tác Đảng. Chỉ còn anh Nguyễn Văn Trân làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ; kỹ sư Nguyễn Xiển làm Chủ tịch Ủy ban. Anh Xuân Thủy được phân công về làm ở Mặt trận Việt Minh, phụ trách Báo Cứu Quốc. Rất tiện cho anh là Văn phòng thường trực của Tổng bộ Việt Minh do anh và anh Trần Huy Liệu phụ trách đặt ở ngay tầng 3 tòa Báo Cứu Quốc. Đây cũng chính là trụ sở công khai của Mặt trận Việt Minh tại Thủ đô Hà Nội.

Anh Xuân Thủy thường xuyên được đến gặp Bác Hồ để nghe ý kiến Bác chỉ đạo công việc làm báo. Hàng ngày, Bác đọc kỹ Báo Cứu Quốc, đánh dấu những bài, những tin hay, những chỗ sai sót, nhắc nhở rút kinh nghiệm. Bác còn viết bài cho Báo Cứu Quốc, ký tên Đ.X. Mỗi tuần một lần, Tổng Bí thư Trường Chinh đến tòa soạn Báo Cứu Quốc họp với các anh lãnh đạo Báo Cứu Quốc cùng Tổng Biên tập các báo đoàn thể của Việt Minh. Anh phổ biến chủ trương của Thường vụ Trung ương Đảng và chỉ thị những việc các báo cần làm.

Báo Cứu Quốc ra hàng ngày trong bối cảnh cực kỳ phức tạp của Hà Nội lúc bấy giờ, đất nước đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Quân Anh xâm lược miền Nam nước ta. 200.000 quân Tưởng Giới Thạch, 15.000 quân Pháp chiếm đóng nhiều vị trí ở Hà Nội và một số địa phương miền Bắc. Chúng cùng bọn tay sai âm mưu lật đổ Hồ Chủ tịch và Chính phủ ta. Bọn Việt gian phản động ra báo, đặt loa phóng thanh ngoài phố công kích Việt Minh. Một số báo tư nhân xuất hiện. Báo Cứu Quốc thông tin nhanh các sự kiện, phân tích, bình luận, giải đáp thắc mắc của nhân dân, hướng dẫn dư luận, đấu tranh chính trị, vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch. Báo động viên nhân dân bảo vệ cách mạng, bảo vệ chế độ.

Gần cuối năm 1946, quân Pháp ở Hà Nội và một số địa phương gây ra nhiều cuộc xung đột vũ trang và hoạt động khiêu khích. Báo Cứu Quốc phản ánh kịp thời các vấn đề thời sự nóng bỏng, tuyên truyền các chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Mặt trận Việt Minh; cử phóng viên đến các tuyến lửa, cổ vũ nhân dân sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Anh Xuân Thủy viết nhiều bài xã luận sâu sắc. Anh đưa các phóng viên chúng tôi đi vào cuộc sống và đấu tranh của nhân dân, rèn mình và luyện bút. Anh khuyến khích sự chủ động, tính sáng tạo của người làm báo. Báo Cứu Quốc được bạn đọc mến mộ và là tờ báo bán chạy nhất Hà Nội. Quầy nhận đăng quảng cáo ở tầng một, ngay lối cửa vào tòa báo luôn đông khách. Báo đã có đủ tiền tậu một nhà in mới.

Tháng chạp năm 1946, cả tòa báo nhộn nhịp dỡ máy in, đóng gói tài liệu để chuyển ra khỏi Hà Nội, chuẩn bị đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Báo hoạt động ở nội thành Hà Nội đến tận giờ đại bác ta tại pháo đài Láng nổ rung đất nã đạn vào doanh trại quân Pháp. Điều kỳ diệu là suốt 8 năm kháng chiến, luôn di chuyển qua những rừng rậm, suối sâu Việt Bắc, Cứu Quốc là tờ báo hàng ngày duy nhất vẫn xuất bản và được phát hành đều đặn. Ngoài tờ báo ở Trung ương, Báo Cứu Quốc còn tổ chức được một hệ thống tòa soạn và nhà in Báo Cứu Quốc ở các khu và liên khu hành chính từ Bắc chí Nam. Nội dung tin, bài được truyền tới các chi nhánh Báo Cứu Quốc bằng máy vô tuyến điện và được đọc chậm trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam để thu lại. Báo Cứu Quốc thật sự là tiếng nói của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, của khối đại đoàn kết toàn dân kháng chiến, kiến quốc.

Năm 1951, sau Đại hội II của Đảng, bằng một hành động cao cả, Mặt trận Việt Minh tự nguyện thống nhất với Mặt trận Liên Việt. Báo Cứu Quốc trở thành cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc thống nhất duy nhất là Liên Việt. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, anh Xuân Thủy đi họp ở cấp trên về, thông báo cho toàn thể cơ quan: Bác Hồ và Trung ương Đảng quyết định Báo Cứu Quốc ít ngày nữa sẽ nghỉ để chuẩn bị chuyển thành báo hàng tuần; Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam, từ 5 ngày ra một số sẽ chuyển thành báo hàng ngày; điều động đồng chí Nguyễn Thành Lê, Hồng Hà từ Báo Cứu Quốc sang Báo Nhân Dân.

Báo Cứu Quốc trở về Hà Nội, đã góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tháng 3/1977, Báo Cứu Quốc hợp nhất với Báo Giải Phóng thành Báo Đại Đoàn Kết.

(Bài đăng trên Kỷ yếu 60 năm Báo Đại Đoàn Kết)

Nhà báo Hồng Hà tên thật là Hà Văn Trường sinh năm 1928, quê ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Ông mất ngày 14/1/2011. Ông làm báo từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1946, cho đến năm 1987.

Trong những năm kháng chiến trường kỳ, để phản ánh được không khí và hơi thở của cuộc kháng chiến anh hùng của nhân dân ta, ông phải luồn sâu vào vùng sau lưng địch để viết được các bài phản ánh trung thực, khí thế hào hùng của quân dân đồng bằng Bắc Bộ như “Trên mặt trận đồng bằng” đăng Báo Cứu Quốc số 1, 2, 3 - 11/1950; “Ở vùng sau lưng địch” - Báo Cứu Quốc 13/2/1953…

Từ phóng viên Báo Cứu Quốc, đi qua hai cuộc chiến tranh, ông trở thành Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Từ năm 1987, ông lần lượt giữ các trọng trách: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban đối ngoại Trung ương. Ông là đại biểu chính thức dự các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, V, VI, VII, VIII và là khách mời dự các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X, XI. Ông là em trai của nhà báo Thép Mới (tức Hà Văn Lộc) nguyên Tổng Biên tập Báo Giải Phóng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm Báo Cứu Quốc của Việt Minh