Làm cho cuộc sống của người yếu thế tốt đẹp hơn

Dạ Yến - Quốc Định Ảnh: Thành Trung 24/02/2017 14:45

Ngày 24/2, tại Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề do UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức vào ngày 24/2, ông Vijaya Ratnam- Raman, Quyền Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em, UNICEF đã khẳng định, hội nghị chính là sự cam kết mạnh mẽ để làm cho cuộc sống của những người yếu thế và trẻ em tốt đẹp hơn.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và ông Vijaya Ratnam- Raman - Quyền Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em.

Ông Vijaya Ratnam- Raman bày tỏ niềm vui khi được thay mặt cho UNICEF Việt Nam phát biểu tại Hội nghị toàn quốc biểu dương phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội.

Theo Quyền trưởng chương trình bảo vệ trẻ em của UNICEF, Hội nghị này là một cơ hội để MTTQ Việt Nam, Chính quyền (Bộ LĐ-TB&XH và Sở LĐ-TB&XH) và đại diện các tổ chức tôn giáo và các mô hình bảo trợ xã hội, dạy nghề của tôn giáo cùng nhìn lại và biểu dương các tổ chức tôn giáo và các mô hình đã có đóng góp to lớn đối với việc cải thiện đời sống của người dân yếu thế, đặc biệt là trẻ em, bất kể niềm tin về tôn giáo, tín ngưỡng của họ.

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc cải thiện an sinh xã hội nói chung và trợ giúp xã hội nói riêng, góp phần tăng mức độ bao phủ và hỗ trợ nhiều người dân yếu thế hơn trong đó có trẻ em. Những thành tựu này ngoài vai trò của Chính phủ còn phải kể đến những nỗ lực to lớn của các tổ chức xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo. Hơn một phần tư các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo đang chăm sóc nuôi dưỡng khoảng 12.000 người.

Nhờ vào quan hệ đối tác với các tổ chức xã hội dân sự mà Chính phủ có thể đảm bảo tiếp cận và hỗ trợ được tất cả mọi người và trẻ em có nhu cầu (bao gồm cả những người dân ở vùng sâu vùng xa) một cách hiệu quả về chi phí và công bằng.

Bởi vậy, theo ông Vijaya Ratnam- Raman bên cạnh việc biểu dương những thành tựu quan trọng của các Trung tâm Bảo trợ Xã hội trong đó có các mô hình của tổ chức tôn giáo trong việc chăm sóc và hỗ trợ những người dân yếu thế, trong đó có trẻ em, chúng ta cũng nhận thấy nhiều thách thức vẫn tồn tại trong việc đảm bảo chất lượng các dịch vụ do các Trung tâm Bảo trợ Xã hội cung cấp, cụ thể như: Thiếu một đội ngũ nhân viên chăm sóc được đào tạo chuẩn bao gồm các cán bộ xã hội chuyên nghiệp - những người không chỉ cần có khả năng chăm nuôi về thức ăn và chỗ ở cho trẻ mà còn cần biết cách đảm bảo những nhu cầu về an toàn, sức khỏe, dinh dưỡng, phát triển và những nhu cầu khác của trẻ, gồm cả những trẻ em có nhu cầu đặc biệt.

Ông Vijaya Ratnam- Raman phát biểu.

Cơ sở vật chất và điều kiện của một số Trung tâm Bảo trợ Xã hội còn khiêm tốn, hạn chế, có thể không đáp ứng được những yêu cầu về sức khỏe và an toàn.

Bởi vậy, một vài Trung tâm Bảo trợ Xã hội cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thêm các biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại, bắt cóc, mua bán, và các hình thức bạo lực và bóc lột khác.

Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm, hướng dẫn, tạo điều kiện cho việc đảm bảo đăng ký và cấp phép các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng tập trung.

“Đặc biệt các cơ quan chức năng, Mặt trận và các tổ chức tôn giáo cần phối hợp và quan tâm hơn việc hướng dẫn, giám sát đối với các dịch vụ do Trung tâm Bảo trợ xã hội cung cấp”, ông Vijaya Ratnam- Raman đề nghị.

Cũng theo ông Vijaya Ratnam- Raman, những thách thức này không chỉ có Việt Nam mới gặp phải.

Thực tế việc chăm sóc nuôi dưỡng tập trung trẻ em trên thế giới là một vấn đề phức tạp, đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong việc đảm bảo quyền của trẻ em được thực hiện. Chính vì vậy, năm 2009, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua nghị quyết về Hướng dẫn của Liên hiệp quốc về chăm sóc thay thế cho trẻ em.

Ông Vijaya Ratnam- Raman cho rằng, những hướng dẫn quốc tế này nhằm mục đích đảm bảo, một mặt, trẻ em không bị chăm sóc tập trung một cách không cần thiết và, mặt khác, chăm sóc trong cơ sở tập trung (trong trường hợp là lựa chọn duy nhất) được cung cấp dưới hình thức và với chất lượng tương ứng với quyền và nhu cầu cụ thể của cá nhân trẻ em có liên quan.

Những hướng dẫn này không chỉ đề cập đến Chính phủ, mà còn các cơ quan tổ chức quốc tế, xã hội dân sự, các chuyên gia, tổ chức tình nguyện, tổ chức tôn giáo và khu vực tư nhân.

Theo Hướng dẫn của LHQ về Chăm sóc thay thế cho trẻ em, các quốc gia thành viên cần đảm bảo một số nội dung, trong đó bao gồm, có cơ chế để đảm bảo quyết định đưa trẻ em vào chăm sóc tập trung được thực hiện vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Có đủ nhân viên chăm sóc so với số trẻ em trong cơ sở chăm sóc tập trung và có cơ chế theo dõi, xem xét đầy đủ các nguyên tắc liên quan đến các trung tâm chăm sóc tập trung của quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Cùng với đó cần đảm bảo việc theo dõi rà soát kỹ lưỡng quá trình chăm sóc trẻ em tại các cơ sở nuôi dưỡng tập trung, và thường xuyên cân nhắc các giải pháp chăm sóc thay thế khác tại gia đình hoặc cộng đồng.

“Những hướng dẫn này công nhận những ghi nhận của nhiều nghiên cứu khoa học trên khắp thế giới rằng chăm sóc tập trung thường là giải pháp cuối cùng nhằm đảm bảo quyền được sống, chăm sóc và bảo vệ cũng như phát triển của trẻ. Ngoài ra cũng một phần nhằm giải quyết nhiều vụ việc trên thế giới trong đó trẻ em trong các cơ sở chăm sóc tập trung, nhiều cơ sở trong số đó thuộc tôn giáo, đã bị xâm hại một cách dã man, sao nhãng, bạo lực và bóc lột. Thực tế điều này xảy ra ở rất nhiều cơ sở chăm sóc tập trung của tôn giáo trên thế giới bất kể sứ mệnh cao cả của các tôn giáo đó”, ông Vijaya Ratnam- Raman khẳng định.

Thay mặt UNICEF, ông Vijaya Ratnam- Raman khuyến nghị Chính phủ, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH cùng với MTTQ Việt Nam và các tổ chức tôn giáo trên khắp đất nước Việt Nam, hãy rút kinh nghiệm từ những trẻ em bị xâm hại này, rút kinh nghiệm từ sai lầm của các quốc gia khác, và hãy làm mọi điều có thể trong quyền lực của mình để đảm bảo rằng những câu chuyện đáng buồn này sẽ không lặp lại ở Việt Nam.

Và cách tốt nhất để làm việc này là tăng cường đẩy mạnh hệ thống bảo vệ trẻ em, thực hiện các biện pháp cụ thể để đảm bảo trẻ em được bảo vệ trong các cơ sở chăm sóc tập trung, bao gồm cả những cơ sở của tôn giáo.

Cụ thể: Thông tư 04/2011 của Bộ LĐ-TB&XH quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội cần phải đến được với tất cả các Trung tâm Bảo trợ Xã hội và các cơ quan, cán bộ có liên quan.

Cần xem xét và rà soát thêm những tiêu chuẩn chăm sóc để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn quốc tế về chăm sóc thay thế được áp dụng, trong đó chăm sóc tập trung là biện pháp cuối cùng đối với trẻ em không được cha mẹ chăm sóc.

“Vì còn rất nhiều cơ sở chăm sóc tập trung của tôn giáo chưa được đăng ký, cần phải hỗ trợ các cơ sở này để họ nắm được tất cả những yêu cầu đối với việc thành lập các cơ sở chăm sóc tập trung, trong đó có quy định về các biện pháp bảo vệ trẻ em. Cần cùng phối hợp với họ để đưa họ lên đúng tầm tiêu chuẩn”, ông Vijaya Ratnam- Raman nhấn mạnh.

Cùng với đó, Quyền trưởng ban chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF cho rằng, cần hỗ trợ các cơ sở tập trung nâng cao chất lượng của nhân viên chăm sóc, việc các cơ sở tập trung có được các cán bộ xã hội tôn giáo đạt yêu cầu trong mỗi cơ sở chăm sóc là hết sức quan trọng trong việc đảm bảo các nhu cầu của trẻ em được xác định và đáp ứng kịp thời.

Đồng thời cần có một cơ chế theo dõi, giám sát, thanh kiểm tra cần phải được tăng cường để đảm bảo rằng các trung tâm bảo trợ xã hội tuân thủ tiêu chuẩn chăm sóc và phát hiện, giải quyết kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ em.

“Tôi tin tưởng rằng với kinh nghiệm phong phú của đại diện các trung tâm, các cơ sở tham gia hội nghị hôm nay, những người đã tận tụy chăm sóc cho những người kém may mắn trong đó có trẻ em, chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều để chăm sóc và bảo vệ trẻ em tốt hơn, nhằm thực hiện hóa Hướng dẫn của LHQ về Chăm sóc thay thế ở Việt Nam”, ông Vijaya Ratnam- Raman khẳng định.

Ông Vijaya Ratnam- Raman cũng bảy tỏ, sự phối hợp giữa Mặt trận và Bộ LĐ-TB&XH chính là sự cam kết mạnh mẽ để làm cho cuộc sống của những người yếu thế và trẻ em tốt đẹp hơn.

Quyền trưởng chương trình bảo vệ trẻ em của UNCEF cũng tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của hai bên và sự cam kết của tất cả đại biểu hội nghị, chúng ta sẽ có thể tìm ra các giải pháp vừa để phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề, vừa để chất lượng dịch vụ, chăm sóc, giáo dục, đào tạo của các cơ sở này có được chất lượng tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm cho cuộc sống của người yếu thế tốt đẹp hơn