Có đi cùng bà Trần Thị Hải Hằng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bảo Ninh, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về công việc của người làm công tác Mặt trận ở cơ sở phải gần dân, hiểu dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của dân thì khi đó công tác tuyên truyền, vận động mới đạt hiệu quả cao.
Bà Trần Thị Hải Hằng, (đứng ngoài cùng bên trái) vận động người dân giải phóng mặt bằng (tháng 8/2019).
Ngay sau cơn bão số 4 vừa qua, chiều muộn trên đường đi làm về, bà Trần Thị Hải Hằng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) vẫn tạt vào thăm hỏi các hộ nghèo.
Bảo Ninh là xã có đội tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ hùng hậu. Song song với việc duy trì, phát triển nghề biển, gần đây, Bảo Ninh kết hợp với phát triển du lịch nên cơ sở vật chật, đời sống của người dân nâng lên từng ngày.
Tuy vậy, bên cạnh những gia đình khá giả thì ở xã Bảo Ninh vẫn còn một số hộ nghèo... Đảm nhận cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bảo Ninh từ tháng 1 - 2011, bà Hằng cứ loay hoay với bao bộn bề công việc mà chưa tạo được nét đột phá, trọng tâm. “Làm sao để giúp đỡ họ vươn lên, có một điểm tựa vững chắc”, “chẳng lẽ mình cứ phó mặc trách nhiệm” là những câu hỏi luôn thôi thúc thâm tâm bà Trần Thị Hải Hằng.
Thế rồi, nhân dịp xã Bảo Ninh thực hiện Tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2018, lúc này, bà Hằng như được tiếp thêm lửa từ những kinh nghiệm của bạn bè về công tác vận động, tuyên truyền. Cộng với bản thân bà tự “bén lửa” khi nhận thấy nhiều thế mạnh ở địa phương mà trước đây chưa huy động được. Đó là nguồn lực ủng hộ từ con em quê hương đi xuất khẩu lao động, từ hội đồng hương ở các tỉnh thành phố lớn, từ các doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng cơ sở du lịch… nếu biết cách và khéo vận động thì Mặt trận xã Bảo Ninh sẽ huy động được nguồn Quỹ Vì người nghèo khá dồi dào.
Thực hiện tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2018, Mặt trận xã Bảo Ninh và bản thân bà Trần Thị Hải Hằng đã triển khai nhiều hình thức như gửi thư ngỏ, đến gặp trực tiếp… để nói rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động và gửi thư cảm ơn, ghi danh các tổ chức, đoàn thể, cá nhân hảo tâm. Vì vậy, số tiền mà Quỹ vì người nghèo xã Bảo Ninh nhận được trong đợt phát động của năm 2018 hơn 1 tỷ đồng.
Khi có nguồn quỹ, bà Trần Thị Hải Hằng đã trình bày ý kiến với Đảng ủy xã Bảo Ninh về việc xây dựng mô hình “Giảm nghèo có địa chỉ” để giúp đỡ các hộ nghèo trên địa bàn xã.
Theo đó, với cam kết sử dụng nguồn tiền hỗ trợ đúng mục đích để phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe khi ốm đau, 13 hộ nghèo ở trên địa bàn xã đã được hỗ trợ mỗi hộ 1 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng, mỗi hộ cận nghèo được hỗ trợ 10 triệu đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của Mặt trận xã Bảo Ninh đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo vươn lên, yên tâm trong cuộc sống.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hường ở thôn Đồng Dương, người bị khuyết tật đã sử dụng số tiền hỗ trợ để mở quầy hàng tạp hóa; với gia đình chị Vũ Thị Giang thì giành ra một ít tiền để cho con đi học nghề, hay gia đình chị Nguyễn Thị Kim Hoa thì sửa lại mái nhà đã dột nát trước mùa bão lũ…
Nhận thấy việc kinh doanh, buôn bán của một số hộ dân ở bờ biển Bảo Ninh còn manh mún, mạnh ai nấy làm, tháng 4/2019, bà Hằng cùng với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã Bảo Ninh đã đứng ra thành lập “Tổ hợp tác dịch vụ du lịch biển” ở thôn Đồng Dương. 11 hộ gia đình đã bắt tay đoàn kết, cùng hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đúng giá, không chèo kéo khách. Đặc biệt là cùng bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các thành viên trong tổ hợp tác thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về dịch vụ du lịch.
Bảo Ninh là địa phương về đích nông thôn mới từ năm 2014, và để giữ vững được kết quả này, Mặt trận xã Bảo Ninh vẫn tiếp tục thực hiện nhiều mô hình hiệu quả. Mô hình “Đường cờ” tại 4 thôn Mỹ Cảnh, Đồng Dương, Hà Thôn và Cừa Phú đã tạo thêm điểm nhấn trên các tuyến đường sạch đẹp. Mặt trận Bảo Ninh cũng đã tiên phong trong việc xây dựng đường hoa kiểu mẫu. So với những nơi khác, đường hoa ở Bảo Ninh được thiết kế hiện đại, trồng các loại hoa phù hợp với khí hậu vùng biển và có cả đường điện ngầm chiếu sáng…
Chia sẻ mục đích để làm được những điều này, bà Hằng cho rằng, người làm công tác Mặt trận ở cơ sở phải nhiệt tình, tâm huyết để kịp thời nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và dư luận xã hội… “Đặc biệt, người làm Mặt trận phải nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để không chỉ giỏi trong công tác tuyên truyền mà còn kịp thời báo cáo với Đảng ủy, đề xuất với chính quyền những phương án giải quyết đúng đắn, phù hợp với pháp luật, quyền lợi của người dân”- bà Hằng nhấn mạnh.
Theo ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đồng Hới, bà Trần Thị Hải Hằng là người tận tâm với công việc, có nhiều sáng tạo trong tổ chức thực hiện các cuộc vận động do Mặt trận phát động. Từ những việc làm của bà đã góp phần tích cực phát triển địa phương và xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết trên địa bàn xã Bảo Ninh.