UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh”. Để thực hiện đề án này, tỉnh đặt ra 7 giải pháp triển khai thực hiện, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường phối hợp và đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Với Đề án này, Lâm Đồng đặt ra mục tiêu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu của quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật để đáp ứng các mục tiêu đã đề ra.
Cụ thể đến năm 2021, trên 80% dân số ở vùng nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, 85% dân số khu vực thành thị được phổ cập kiến thức pháp luật cơ bản, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; 90% cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh cập nhật được các văn bản pháp luật của nhà nước mới ban hành; phấn đấu 100% báo cáo viên, tuyên truyền viên phổ biến, giáo dục pháp luật trong tỉnh được cung cấp tài liệu và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật; 100% các nhà trường triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa…
Lâm Đồng là tỉnh thuộc Nam Tây Nguyên, có 42 dân tộc thiểu số đang sinh sống. Địa bàn tỉnh có nhiều nơi đi lại khó khăn, có huyện cách xa trung tâm thành phố Đà Lạt tới 240 km, nên ảnh hưởng đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Do đó, tỉnh xác định phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, hình thức tuyên truyền giáo dục, nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết pháp luật và tạo điều kiện cho nhân dân sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội.