Làm du lịch kiểu manh mún

Nhã Khánh 02/11/2015 01:14

Ai cũng thấy Việt Nam có nhiều lễ hội văn hóa, lịch sử và càng ngày càng hồi sinh lễ hội một cách vội vã khiến dư luận hiểu mục đích chỉ nhắm vào du lịch mà quên mất giá trị thực quan trọng của nó là bảo tồn giá trị văn hóa.

Bước vào hai thị trường lớn TPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN, không phải chỉ duy nhất với tinh thần hội nhập, mà còn với vai trò thành viên cùng chia sẻ tương lai thịnh vượng với tính cạnh tranh khốc liệt, Việt Nam có nhiều lợi thế từ một số ngành. Một trong những lĩnh vực triển vọng hàng đầu phải kể ngành du lịch- ngành công nghiệp không khói.

Tuy nhiên, với ngành du lịch, tính manh mún, thủ công là dễ thấy nhất. Nhiều địa phương chưa đánh giá hết những yêu cầu của công nghiệp không khói nên quá nhiều những sản phẩm du lịch địa phương ra đời vội vã, thật sự mới chỉ là điểm tham quan thực tế ngoại khóa cho học sinh thay vì cho du khách.

Đến vùng sông nước một vài địa phương, dễ thấy mươi chiếc xuồng như xuồng chở lúa được xung vào đội du lịch chở khách đi len lỏi vài cụm dừa nước, ghé vào một khu lều tranh nghe đờn ca tài tử và ăn trái cây. Không có một thuyết minh nào thực sự thuyết phục vì không thật sự hiểu “thượng đế” du khách muốn gì.

Hình ảnh như vậy hoặc tương tự, tạo cảm tưởng ngành công nghiệp này chưa có một quy hoạch đúng nghĩa, chúng ta chưa có một bản đồ tiềm năng du lịch quốc gia thật chi tiết và hướng dẫn khai thác xuống đến từng địa phương để giúp những nơi này có cách làm phù hợp.

Sau manh mún là nhếch nhác. Không ít điểm tham quan đầy những rác thải trong tình hình khách tham quan không phải ai cũng có văn hóa du lịch. Tại một số lớn điểm du lịch, khách quốc tế trở thành “con mồi” bị săn đuổi đủ thứ hàng rong bán những thứ gọi là đồ lưu niệm còn quá thô so với bàn tay của người Việt Nam.

Du khách cũng không thể không là nạn nhân của một số quán ăn có cung cách kinh doanh “chặt chém” cơ hội. Đi du lịch mà nơm nớp lo sợ. Và quả thật, có số liệu cho biết 85% số khách được hỏi đã không hứa hẹn sẽ quay lại thăm quan chúng ta lần thứ hai. Nên chăng thành lập lực lượng có chức năng theo kiểu “cảnh sát du lịch” hoạt động tại những cơ sở du lịch để làm lành mạnh hoạt động này, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.

Ở góc nhìn khác, ai cũng thấy Việt Nam có nhiều lễ hội văn hóa, lịch sử và càng ngày càng hồi sinh lễ hội một cách vội vã khiến dư luận hiểu mục đích chỉ nhắm vào du lịch mà quên mất giá trị thực quan trọng của nó là bảo tồn giá trị văn hóa. Khá nhiều đền, đình, chùa việc cúng dường của khách thập phương là yếu tố quan trọng và không ít nơi gây tai tiếng về vấn đề này.

Đất nước ta giàu tiềm năng du lịch, nhưng vì sao công nghiệp du lịch của ta còn phải đứng sau nhiều nước trong khu vực? Thiết nghĩ, đó là câu hỏi mà ngành du lịch phải tìm ra câu trả lời thấu đáo, chúng ta không được quyền chậm trễ thêm nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm du lịch kiểu manh mún

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO