Xã hội

Làm đủ một tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Lan Hương 04/12/2024 09:41

Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa có kiến nghị gửi đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội liên quan đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Giảm thời gian đóng hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Theo Bộ LĐTBXH, Bộ này vừa nhận được kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam về việc nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng làm từ đủ 1 - 24 tháng được hưởng 2 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ đóng thêm đủ 12 tháng thì được thêm 1 tháng, tối đa không quá 12 tháng. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, kiến nghị này về cơ bản không gây bất lợi cho người lao động nhưng hạn chế người lao động nhảy việc.

Trước kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ LĐTBXH cho rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ở Việt Nam nói chung, các chế độ cũng như điều kiện hưởng, mức hưởng, thời gian hưởng các chế độ BHTN nói riêng, được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế của các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam đã thực hiện thành công chính sách này, cũng như khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Thực tế, chính sách BHTN phù hợp với thực tiễn nên đã sớm đi vào cuộc sống. Chính sách đã kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Về thời gian hưởng BHTN, theo Bộ LĐTBXH, khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.

“Quy định về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu nêu trên được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định về trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật Lao động” - Bộ LĐTBXH khẳng định.

Đối với trợ cấp thất nghiệp, thời gian hưởng trợ cấp tối thiểu là 3 tháng, với số tiền là 60% tiền lương bình quân đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tương đương 180% tiền lương.

Đối với mức hưởng trợ cấp mất việc làm tối thiểu là 2 tháng tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi nghỉ việc, tương đương 200% tiền lương.

“Người lao động phải đóng BHTN ít nhất 12 tháng mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu chỉ đóng 1 tháng mà đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì không bảo đảm cân đối thu, chi Quỹ BHTN. Bên cạnh đó, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu 3 tháng nhằm bảo đảm cho người lao động ổn định cuộc sống tạm thời, và có đủ thời gian tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp, tốt hơn” - Bộ LĐTBXH nêu rõ.

Tiếp thu kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ LĐTBXH cho biết sẽ nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện Luật Việc làm (sửa đổi).

Những ngành nào có lao động hưởng thất nghiệp nhiều nhất?

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐTBXH, trong quý III/2024, cả nước có 1,05 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 22,2 nghìn người so với quý 2, và giảm 24,3 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi duy trì ở ngưỡng 2,24%, song tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn ở mức cao, với 7,75%.

Quý III, cả nước ghi nhận hơn 243.700 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm trước, lần lượt giảm 91,7 nghìn người và 47,8 nghìn người. Xét theo trình độ chuyên môn, lao động không có bằng cấp, chứng chỉ vẫn thuộc nhóm có số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 62,4%. Theo sau là nhóm có trình độ đại học trở lên, với 17,1%; nhóm có trình độ cao đẳng chiếm 7,1%. Trong khi đó, nhóm trình độ trung cấp và có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp, tỷ lệ nộp hồ sơ đề nghị hưởng gần tương đương nhau, lần lượt là 6,6% và 6,8%.

Theo nhóm ngành, số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 46% trong tổng số đăng ký; theo sau là hoạt động dịch vụ khác, chiếm 29,8%. Trong nhóm 5 ngành có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất trong quý III còn có nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác.

Thợ may, thêu và các thợ có liên quan dẫn đầu trong 5 nhóm nghề có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 22,6%. Ngoài ra còn có nhóm nghề thợ lắp ráp; nhân viên bán hàng; kế toán; người đưa tin, người giao hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm đủ một tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp?