Sức khỏe

Lạm dụng đồ ăn chế biến sẵn cũng là nguyên nhân gây suy thận

An Thái 13/03/2024 08:10

Theo các thống kê của ngành y tế, ở nước ta mỗi năm có thêm 8.000 người bị bệnh thận. Hiện cả nước có hàng triệu người suy thận các mức độ và khoảng 26.000 người phải chạy thận nhân tạo, bệnh nhân trẻ tăng 5-10% so với trước. Nhiều người không có biểu hiện bệnh, đi khám thì đã ở giai đoạn cuối.

bai-chinh.jpg
Điều trị cho bệnh nhân suy thận, lọc máu tại Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh: BVCC.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu (Bệnh viện đa khoa Đức Giang), ngoài các nguyên nhân truyền thống như: Bệnh lý về di truyền, nhiễm trùng, đái tháo đường, lối sống ít vận động, không khoa học cũng trở thành yếu tố nguy cơ đặc trưng của thời đại 4.0. Cùng với đó, lối sống đô thị hóa, chế độ ăn giàu năng lượng, lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn với nhiều chất bảo quản, lạm dụng rượu bia và lười vận động là các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy thận.

Cũng theo BS Tuyên, nhiều người trẻ vì thấy mình khỏe mạnh nên rất chủ quan, không đi khám sức khỏe. Sự chủ quan này dẫn đến việc không thể phát hiện sớm tình trạng suy thận khi chỉ ở giai đoạn đầu, bỏ lỡ cơ hội vàng điều trị bệnh.

BS Trịnh Thị Thanh Hằng - Phó trưởng khoa Thận tiết niệu - lọc máu (Bệnh viện Hữu Nghị) phân tích, suy thận là hậu quả của rất nhiều bệnh. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh suy thận ngày càng gia tăng là các bệnh lý chuyển hóa ngày càng nhiều trong đó có đái tháo đường, tăng huyết áp, gout… Bên cạnh đó, còn do thói quen sử dụng thuốc không hợp lý như thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh. Đặc biệt là các trường hợp bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, thực phẩm chức năng hầu hết là do bệnh nhân tự ý sử dụng. Ngoài ra, còn có bệnh lý đường tiết niệu dẫn tới suy thận như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi tiết niệu… Một số bệnh lý di truyền như thận đa nang, bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, bệnh lý cầu thận… Lối sống không lành mạnh như ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, ít vận động… cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng trẻ hóa bệnh lý suy thận.

Hiện nay, nhiều ca bệnh khi phát hiện đã suy thận mạn, phải chạy thận lọc máu. Các bác sĩ lý giải là do ở các giai đoạn trước, bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Đến khi phát hiện ra thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối. Do đó, khi xét nghiệm nước tiểu, người dân cần quan tâm đến 2 thông số là đạm niệu và hồng cầu niệu, nếu hai thông số này thể hiện dương thì cần gặp bác sĩ ngay. Nếu phát hiện bệnh thận, người bệnh cần chú ý không nên ăn thức ăn chứa nhiều muối, thực phẩm nhiều chất đạm và kali (có nhiều ở trái cây và rau quả như chuối, mãng cầu, nước dừa), không uống nhiều nước... Với những bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo, còn cần phải tuân thủ đúng số lần đến bệnh viện chạy thận, không bỏ bất kỳ lượt nào.

BS Hằng khuyến cáo, khi chức năng thận suy giảm người bệnh có thể có một số dấu hiệu sau: Mệt mỏi đôi khi chỉ thoáng qua, suy nhược cơ thể, chán ăn. Khó ngủ, khó tập trung làm việc, hay buồn nôn; Thiếu máu do thận bình thường sản xuất erythropoietin kích thích tủy xương sản xuất hồng cầu sẽ có các biểu hiện: Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, suy nhược; Da khô, ngứa, chuột rút.

Các ghi nhận cho thấy người bị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm cầu thận, bệnh thận đa nang, bệnh bẩm sinh đường tiết niệu, bệnh phì đại và ung thư tuyến tiền liệt... thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ phát triển bệnh thận mạn tính. Vì vậy, các bác sĩ lưu ý, nhóm đối tượng dễ mắc bệnh thận mạn tính nêu trên cần cảnh giác, khi thấy các biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị.

BS Trịnh Thị Thanh Hằng - Phó trưởng khoa Thận tiết niệu - lọc máu (Bệnh viện Hữu Nghị) cho biết, hiện nay bệnh suy thận không thể điều trị khỏi hoàn toàn được. Tuy nhiên, có thể lựa chọn các phương pháp điều trị nhằm làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, hạn chế bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối phải điều trị thay thế. Đặc biệt bệnh nhân suy thận không nên quá bi quan bởi hiện tại với các tiến bộ trong y tế, bệnh nhân có thể được dùng các phương pháp thay thế như lọc máu, lọc màng bụng, ghép thận… để kéo dài sự sống. Việc bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối sống được bao lâu tùy thuộc vào nhiều yếu tố: thể trạng, bệnh lý nền đi kèm, việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lạm dụng đồ ăn chế biến sẵn cũng là nguyên nhân gây suy thận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO