Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh là thói quen phổ biến của nhiều người. Dù đã được cảnh báo rất nhiều song việc lạm dụng kháng sinh của cả người dân và nhân viên y tế vẫn đang tiếp diễn và khó kiểm soát.
Vi khuẩn kháng lan rộng
Tại nước ta, theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam chính là quốc gia được xếp vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Cụ thể, chỉ trong giai đoạn từ năm 2009 cho đến 2017, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. Nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh, có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ lên đến 91%.
Một thực tế đang diễn ra trong thời gian gần đây, một số cơ sở y tế đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh gây ra gánh nặng trong điều trị, đời sống kinh tế - xã hội… Tỷ lệ bệnh nhân kháng kháng sinh ngày càng tăng sau đại dịch Covid-19.
TS Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 thể nặng phải thở máy, ECMO… dẫn đến tăng tình trạng bội nhiễm, phải dùng nhiều kháng sinh phối hợp, tăng số ca kháng thuốc.
Đặc biệt ở trẻ nhỏ, tình trạng kháng kháng sinh diễn ra vô cùng nghiêm trọng. Từ kết quả khám sàng lọc bệnh nhi đến khám và điều trị tại viện, PGS. TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, có khoảng 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc. Một trong những nguyên nhân làm trẻ có vi khuẩn kháng thuốc là do nhiều trẻ được cha mẹ tự mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý.
Từ thực tế thăm khám cho các bệnh nhi, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, đã gặp rất nhiều trường hợp cha mẹ tự làm bác sĩ, tự ý mua thuốc điều trị cho con làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ. Bởi việc cha mẹ tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh, dùng với liều lượng không thích hợp sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Điều này sẽ làm cho quá trình điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn, tốn nhiều thời gian hơn và làm trẻ mệt mỏi hơn.
Lao kháng thuốc đang là gánh nặng
Một thực trạng khác mà PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia cho biết, lao kháng thuốc là một vấn đề lớn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.
“Trong tổng số 170.000 ca mắc lao mới hàng năm có khoảng 7.000 ca bị lao kháng thuốc, tuy nhiên chúng ta mới phát hiện được 5.000 ca. Chữa bệnh lao đa kháng thuốc phức tạp hơn, thuốc điều trị tốn kém gấp hàng chục lần so với bệnh lao thông thường, nhưng hiện nay thuốc điều trị lao hay lao kháng thuốc đều được cung cấp miễn phí qua bảo hiểm y tế. Ngoài việc khó khăn, tốn kém, mất nhiều thời gian hơn nhiều trong điều trị, chủng lao đa kháng thuốc còn là mối đe dọa nguy hiểm khi lây lan ra cộng đồng. Có những bệnh nhân lao kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng như chỉ kháng một loại thuốc, nhưng có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng gọi là lao đa kháng thuốc, nặng hơn là siêu kháng thuốc” - ông Nhung thông tin.
Theo khuyến cáo của WHO, để ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của tình trạng kháng thuốc kháng sinh, người dân nên sử dụng thuốc kháng sinh khi có sự chỉ định của chuyên gia y tế. Luôn tuân theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh. Đừng bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu nhân viên y tế nói rằng không cần chúng. Không dùng chung kháng sinh với người khác. Người khác có thể có những nhiễm khuẩn khác nhau và không thể dùng cùng loại kháng sinh như mình, điều này có thể dẫn đến kháng thuốc. Kháng sinh không dùng để điều trị các bệnh do virus gây ra như cảm, cúm: Kháng sinh không có hiệu quả đối với tất cả các lây nhiễm. Kháng sinh chỉ có hiệu quả đối với vi khuẩn chứ không phải đối với các loại lây nhiễm như virus, nguyên nhân của cảm, cúm. Không dùng kháng sinh còn lại cho lần sử dụng sau. Dùng kháng sinh đúng thời điểm: Nếu được kê dùng kháng sinh, điều quan trọng là phải tuân thủ lời khuyên của bác sỹ là dùng kháng sinh như thế nào, thời điểm nào, dùng trong bao lâu. Chủ động phòng ngừa nhiễm trùng bằng cách thường xuyên rửa tay, chế biến thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần với người bệnh, quan hệ an toàn hơn và tiêm chủng đầy đủ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, hiện nay có tình trạng người dân tự đi mua thuốc kháng sinh, thậm chí người bán thuốc có thể “kê đơn” cho người bệnh, điều này cực kỳ nguy hiểm, làm gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.