Bệnh đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là một trong những căn bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Bệnh sẽ để lại di chứng vô cùng nặng nề. Những ai dễ mắc bệnh này? Cách phòng ngừa bệnh như thế nào?
Đột quỵ não là hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột, gây thiếu máu não.
Theo thống kê của Hội Đột Quỵ Hoa Kỳ, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới sau bệnh tim mạch và bệnh ung thư. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế bởi những di chứng nặng nề. Các nghiên cứu về dịch tễ trên thế giới ghi nhận những người có một trong các yếu tố tiềm ẩn khả năng mắc bệnh đột quỵ như:
Nhóm 1 gồm: Tăng huyết áp (là một trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ). Đái tháo đường. Bệnh tim mạch (đặc biệt là rung nhĩ, bệnh mạch vành, bệnh van tim). Tiền căn đột quỵ hay có cơn thiếu máu não thoáng qua.
Nhóm 2 gồm: Hút thuốc lá (đây là yếu tố làm tăng cao nguy cơ đột quỵ cũng như các bệnh lý khác như xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp... ). Béo phì, tăng cholesterol, tăng mỡ máu. Ít vận động. Uống nhiều rượu.
Nhóm 3 gồm: Tuổi cao (khả năng bị đột quỵ gia tăng theo tuổi, đặc biệt ở người trên 60 tuổi. Nam giới (nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ hơn nữ giới).
Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ không chỉ xảy ra với người cao tuổi mà hiện nay nhiều người trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Tại nước ta, mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc mới đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Theo PGS.TS Vũ Anh Nhị, Chủ tịch Hội Thần kinh học TP.HCM, đột quỵ thường gặp ở những người tuổi từ 50 trở lên. Tuy nhiên hiện nay, bệnh ngày càng trẻ hóa.
Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Vậy nguyên nhân của bệnh đột quỵ là gì? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, nhưng phổ biến nhất là tình trạng mỡ trong máu cao kéo dài, từ đó hình thành các mảng xơ mỡ động mạch. Đây có thể là hậu quả của thói quen sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, ít vận động...
Các mảng xơ mỡ đóng ở thành mạch máu, ngày càng dày lên làm lòng mạch hẹp dần lại, máu ứ lại và đóng thành cục máu đông gây tắc mạch tại chỗ hoặc di chuyển làm tắc động mạch ở nơi khác. Bên cạnh đó, các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, căng thẳng trong công việc… cũng có thể gây đột quỵ.
Cũng theo các bác sĩ, bệnh đột quỵ nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì nguy cơ biến chứng sẽ được giảm nhẹ hơn rất nhiều. Bởi vậy phát hiện sớm bệnh là yếu tố rất quan trọng. Những người có nguy cơ mắc bệnh này cần phải lưu ý những biểu hiện sau đây:
- Đột nhiên bị đau đầu dữ dội, choáng váng, kèm theo cứng cổ, nôn. Gặp khó khăn trong nói hoặc hiểu người khác nói gì, yếu đột ngột ở một phần cơ thể. Nhìn khó khăn (mắt mờ hoặc mù một bên hoặc nhìn thấy hình đôi). Tiểu tiện không tự chủ hoặc bí tiểu.
Các dấu hiệu này có thể chỉ thoáng qua, kéo dài trong vài phút rồi người bệnh trở lại trạng thái bình thường. Hiện tượng này được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Thiếu máu não thoáng qua là những dấu hiệu báo trước đặc biệt quan trọng của đột quỵ và người bệnh cần được nhập viện ngay.
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ. Nó được coi là một kẻ giết người thầm lặng. Bởi vậy, kiểm soát huyết áp chính là một trong những nguyên nhân quan trọng phòng bệnh đột quỵ. Ngoài ra, bạn nên có một chế độ ăn uống cân bằng để bảo vệ mình khỏi một cơn đột quỵ. Hãy tránh xa các đồ ăn nhanh và tăng cường rau xanh, hạn chế thịt đỏ… |