Văn hóa

Làm gì để phim Nhà nước đặt hàng kéo khán giả tới rạp?

PHẠM HÀ 03/03/2024 07:53

“Đào, phở và piano” có lẽ là tên phim được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày vừa qua. Sự bùng nổ bất ngờ của phim tạo ra hiệu ứng đám đông, kéo khán giả ra rạp. Nhưng khi nhìn về tương lai cần đặt ra câu hỏi, liệu đây có phải là bước đà cho những bộ phim do Nhà nước đặt hàng? Hay sẽ cần bao nhiêu lâu nữa chúng ta mới thấy “kỷ lục” này được lặp lại?

anh1.jpg
Cảnh trong phim “Đào, phở và piano”.

Đừng như ngôi sao băng vụt qua rồi tắt

Từ sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015) gặt hái nhiều thành công, điện ảnh Việt chưa có được tác phẩm phim sản xuất từ nguồn ngân sách nhà nước được phát hành rộng rãi, đạt doanh thu cao từ các rạp chiếu.. cho đến khi “Đào, Phở và Piano” gây hiệu ứng trên các nền tảng mạng xã hội.

Tuần qua, “Đào, phở và piano” vẫn gây sốt phòng vé với các suất chiếu luôn chật kín khán giả. Theo thống kê của Box Office Vietnam, đến chiều ngày 2/3, doanh thu của bộ phim đã đạt gần 10 tỷ đồng. Đây là con số khiêm tốn so với phim thương mại do tư nhân sản xuất chiếu cùng thời điểm nhưng lại là “kỷ lục” đối với dòng phim do Nhà nước đặt hàng.

“Đào, phở và piano” tái hiện Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa, kể về câu chuyện tình yêu của anh tự vệ và cô tiểu thư Hà thành. Họ đã vượt qua gian khó, hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến (ngày 17/2/1947), khi quân ta rút ra chiến khu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. “Đào, phở và piano” là bộ phim tôn vinh cái đẹp và cốt cách tinh thần của người Hà Nội xưa. Trận chiến gần kề, nhưng từng người dân Thủ đô vẫn hiện lên với vẻ đẹp giản dị, yêu nước, cốt cách hào hoa, phong nhã. Họ yêu cuộc sống nhưng đầy quả cảm và sẵn sàng hy sinh để gìn giữ mảnh đất quê hương. Bộ phim có sự góp mặt của NSND Trung Hiếu, NSƯT Trần Lực, diễn viên Doãn Quốc Đam, Cao Thùy Linh, Anh Tuấn, ca sĩ Tuấn Hưng...

Vui mừng trước hiệu ứng do “Đào, phở và piano” tạo ra nhưng nhìn lại toàn cảnh những bộ phim do Nhà nước đặt hàng đã phát hành thì đó là một câu chuyện đáng buồn khi không thu hút được sự quan tâm của khán giả. Những năm qua, nhiều bộ phim Nhà nước đặt hàng đã bị khán giả “quay lưng”, phải chịu cảnh thua lỗ nặng nề. Các bộ phim được đầu tư hàng chục tỷ đồng như: “Tâm hồn mẹ”, “Mê”, “Cát nóng”, “Thạch Thảo”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”, “Hợp đồng bán mình”, “Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác”… vẫn phải chịu số phận hẩm hiu, ít đến được với người xem. Từ đó có thể thấy được những lỗ hổng trong việc phát hành phim được Nhà nước đầu tư.

Theo đạo diễn Đào Thanh Hưng, Giám đốc hãng phim tư nhân Miền đất điện ảnh, khi một bộ phim Nhà nước đầu tư bỗng nhiên trở thành hiện tượng và được khán giả quan tâm, dư luận thấy được phần nào sự bối rối của những nhà làm phim điện ảnh Nhà nước.

"Nhà nước đã không kịp xoay sở để đón nhận sự thắng lợi này. Tôi cho rằng, với bất cứ bộ phim nào của Việt Nam, dù là phim thương mại hay phim Nhà nước đặt hàng thì tất cả các dự án phim phải chuẩn bị cho mình kế hoạch phát hành cũng như các kế hoạch truyền thông và quảng bá một cách kịp thời mới có thể chạm được vào tất cả khán giả, ông Hưng nói, đồng thời cho rằng: Dù là phim tuyên truyền thì cũng cần khán giả, nên bộ phim cần phải đến được với đông đảo khán giả hơn nữa.

Yếu tố truyền thông là một chất xúc tác mạnh mẽ để đưa bất cứ bộ phim nào đến với khán giả. Nhưng cái chính hiện nay vẫn là việc khán giả Việt đang “khát” những bộ phim về đề tài lịch sử của dân tộc mình. “Đào, phở và piano” có thể gọi là may mắn khi bất ngờ được khán giả “giúp” truyền thông rộng rãi trên mạng xã hội, nhưng phần lớn làm nên thành công của phim chính là nội dung câu chuyện được kể. Đó chính là cái cốt lõi để một đồn mươi, mười đồn trăm, thu hút hàng trăm ngàn khán giả ra rạp.

Tự tin trên bầu trời điện ảnh

Nhìn nhận hiện tượng phim Nhà nước đặt hàng bỗng lập kỷ lục phòng vé không thể không so sánh với phim điện ảnh do tư nhân sản xuất. Nổi lên trước “Đào, phở và piano” trong dịp Tết vừa qua, phim “Mai” của Trấn Thành oanh tạc phòng vé, cán mốc 500 tỷ đồng sau 20 ngày ra rạp.

Trước đó, hai bộ phim “Bố già” (2021) và “Nhà bà Nữ” (2023) của Trấn Thành cũng gây hiệu ứng tốt với khán giả. Điều Trấn Thành làm khá tốt đó là nắm bắt thị hiếu khán giả Việt. Cả ba tác phẩm anh thực hiện đều được “đo ni đóng giày” để ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán - thời điểm nhu cầu giải trí tăng cao. Trấn Thành cũng chủ động khai thác những đề tài gần gũi với cuộc sống, dễ tạo được sự đồng cảm với người xem. Kịch bản đan xen những tình huống hài hước và cảm động, tạo nên cảm giác vui vẻ phù hợp với không khí ngày Tết để cả gia đình cùng thưởng thức.

Khán giả đã đến rạp để xem “Mai” có thể nhận thấy, Trấn Thành đã thay đổi khá nhiều ở bộ phim này. Nhiều ý kiến đánh giá anh có học hỏi phong cách, kỹ thuật từ các dự án quốc tế… Phim bớt ồn ào, bớt bi kịch và ngôn ngữ điện ảnh cũng đặc sắc hơn trước. Từ những thay đổi để cống hiến cho điện ảnh, có thể thấy Trấn Thành đã gây được thiện cảm với số đông khán giả, khiến họ mong chờ những bộ phim của anh ra rạp. Đây chính là tệp khán giả “quen thuộc” sẽ giúp cho những bộ phim sau này của anh sẽ tiếp tục được đón nhận.

Trở lại với hiện tượng “Đào, phở và piano”, có thể thấy rằng chúng ta chưa có một chiến lược để phim Nhà nước đặt hàng được tiếp cận với đại đa số công chúng chứ chưa nói đến việc khiến cho công chúng mong chờ khi phim ra rạp. Từ việc lúng túng của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đến việc phát hành tại các cụm rạp tư nhân dễ nhận thấy nhiều điểm yếu trong cơ chế. Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ: “Hiện nay Nhà nước chỉ đầu tư sản xuất được 3 phim truyện/năm. Trong số 40 phim truyện sản xuất năm 2023, chỉ có 3 phim Nhà nước đặt hàng, còn lại 37 phim do các đơn vị tư nhân sản xuất.

Tuy nhiên, phim Nhà nước đặt hàng đang được xếp là dịch vụ công thiết yếu, sử dụng 100% kinh phí Nhà nước. Quy định này gây khó cho việc sản xuất các dự án phim truyện kết hợp công - tư”. Cũng theo ông Thành, bất cập này khiến một số kịch bản phim, dù được Cục Điện ảnh đánh giá cao và mong muốn đầu tư sản xuất, nhưng không áp dụng được phương pháp kết hợp, do vậy không thể triển khai.

Trước những khó khăn đó, trong tương lai cần có những biện pháp để khơi thông thì điện ảnh Việt Nam mới có thêm nhiều cơ hội để phát triển và hướng đến khán giả nhiều hơn nữa để xây dựng công nghiệp điện ảnh xứng tầm và có thể cạnh tranh với điện ảnh thế giới. Bên cạnh đó, các dự án phim do Nhà nước đặt hàng cần lưu tâm đến chiến lược truyền thông, cũng như cần sự thay đổi cách thức truyền thông để tiếp cận được thế hệ khán giả mới.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội: Phim do Nhà nước đặt hàng cũng phải chú ý đến yếu tố thị trường
Trường hợp “Đào, phở và piano” cho thấy không phải các bộ phim do Nhà nước đặt hàng là không có thị trường, không nhận được sự quan tâm của khán giả, kể cả khán giả trẻ. Những gì mà chúng ta thiếu là một định hướng phát triển công nghiệp điện ảnh đúng nghĩa, thực chất. Ở đó, bất kỳ một dòng phim nào, kể cả phim do Nhà nước đặt hàng, cũng phải chú ý đầy đủ đến yếu tố thị trường, quan tâm đồng bộ đến các khâu, từ kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, kỹ thuật, phát hành, phê bình, quảng bá trên các phương tiện khác nhau, kể cả mạng xã hội, phát triển thương hiệu, phát triển khán giả...
Khi chưa có quy định cụ thể cho việc phát hành phim do Nhà nước đặt hàng, chưa quy định phân chia tỉ lệ giữa nhà phát hành, rạp chiếu và Nhà nước, hay vướng mắc trong quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, cũng như không khuyến khích nhà sản xuất, hãng phim trong việc phát hành... thì các bộ phim do Nhà nước đặt hàng sẽ gặp rất nhiều thua thiệt, ngay cả trước khi bộ phim ra rạp, chưa kể đến các lý do khác.
Theo tôi, Nhà nước cần thay đổi chính sách, quy định về điện ảnh, cả trực tiếp liên quan và gián tiếp (như về thuế, phí, quản lý, sử dụng tài sản công) để tạo ra sự linh hoạt nhiều hơn, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong quá trình sản xuất và phát hành phim.
Cần lưu ý nhiều hơn đến việc sản xuất những bộ phim chất lượng bằng cách hợp tác với các đạo diễn, biên kịch, và diễn viên tài năng, có thương hiệu.
Sử dụng tốt hơn các nền tảng truyền thông xã hội để tạo ra sự chú ý và tạo dựng thương hiệu cho các dự án phim, kết nối với đối tượng khán giả mục tiêu.
Cần có một kế hoạch tiếp thị và quảng bá hiệu quả để đảm bảo rằng các dự án phim Nhà nước được biết đến rộng rãi, thu hút khán giả.
Cuối cùng là tạo ra nội dung phim mang tính cảm hứng và phản ánh gần gũi, chân thực về đời sống xã hội, từ đó tạo ra sự quan tâm và kích thích phản hồi từ khán giả.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Cần tính đến phương thức hợp tác ngắn hạn với các nhà phát hành tư nhân
Tôi nghĩ, câu chuyện phát hành các bộ phim được làm từ ngân sách nhà nước ra với công chúng luôn là một bài toán khó. Dòng phim này chưa bao giờ có kinh phí dành cho truyền thông. Ngay cả khi có các nhà sản xuất và phát hành tư nhân góp sức vào, thì chính sách chia sẻ quyền lợi cũng rất mù mờ (chuyện này đã xảy ra với phim “Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” làm từ cách đây hơn chục năm).
Trước mắt, với “Đào, phở và piano”, có lẽ các cơ quan quản lý của điện ảnh phải tính đến một phương thức hợp tác ngắn hạn với các nhà phát hành tư nhân trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Làm một lần, để có cơ sở tính đến một chính sách dài hơi và dần đưa các nguyên tắc cộng tác vào Luật Điện ảnh. Việc các bộ phim được quy ước phải làm sao để đến được với khán giả cũng sẽ khiến các nhà làm phim phải định hướng, điều chỉnh lại tư duy của mình, học hỏi nhiều hơn, cầu thị nhiều hơn để có những bộ phim thực sự vì khán giả mà tồn tại.
Mặc dù vậy, cũng phải nói thêm rằng trên thế giới, không có nền điện ảnh nào dám khẳng định phim của họ làm ra là thắng. Điện ảnh vốn có nhiều dòng phim, trong đó có dòng phim nghệ thuật kén khách và phim thương mại, ở nước nào cũng vậy. Có quá nhiều yếu tố nghề nghiệp cần phân tích để có cái nhìn công bằng với các tác phẩm nghệ thuật.
Tôi nghĩ rằng các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến phim cần phải làm việc với những hệ thống chiếu rạp. Cần phải có những quy ước, đồng thuận với nhau để giúp những bộ phim làm từ ngân sách đến gần hơn với khán giả.
Ngoài ra, chúng ta có thể đem bộ phim đi giới thiệu tại các trường học, cơ quan và cùng họ thực hiện những buổi chiếu miễn phí. Điều này nên được áp dụng ở các tỉnh thành phố lớn. Để phổ biến phim tới khán giả thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống chiếu phim lưu động này.
Mục tiêu của ngân sách nhà nước là làm sao để phim tiếp cận nhiều khán giả chứ không phải doanh số thu về. Ngân sách nhà nước là thuế của dân nên tôi cho rằng những người dân ở bất kỳ đâu cũng có quyền hưởng thụ một sản phẩm văn hóa được làm từ ngân sách. Đó là lý do chúng ta cần có một cái nhìn công bằng và thiện tâm hơn đối với khán giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để phim Nhà nước đặt hàng kéo khán giả tới rạp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO