Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, Điều 26 Thông tư quy định toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm, nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được ghi âm và lưu tại tổ chức tín dụng trong thời hạn ít nhất 5 năm.
Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp (DN) bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin và tư vấn của nhân viên tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước khi quyết định phát hành hợp đồng. Trong đó, phải có nội dung giúp cho việc kiểm tra khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm phải trên cơ sở tự nguyện.
DN bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng tư vấn bảo hiểm của các nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kịp thời phối hợp với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc tư vấn của nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và xử lý vi phạm (nếu có).
Định kỳ hàng tháng, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và DN bảo hiểm có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu về hợp đồng bảo hiểm khai thác mới, doanh thu phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện.
Đáng chú ý, DN bảo hiểm không được ký thêm hợp đồng đại lý cá nhân đối với các cá nhân là nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang là đại lý bảo hiểm của chính DN bảo hiểm đó.
Về việc Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định TCTD làm đại lý bảo hiểm phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một số góp ý. Đáng chú ý, Điểm a Khoản 1 Điều 75 của Dự thảo quy định TCTD làm đại lý bảo hiểm phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Tuy nhiên, VCCI không đồng tình và đề nghị ban soạn thảo bỏ quy định này.
Lập luận của VCCI là: “TCTD có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hoạt động kinh doanh được thường xuyên giám sát, quản lý rủi ro theo quy định của pháp luật về TCTD. Việc yêu cầu phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, theo DN, hiệp hội, là không cần thiết đối với TCTD. Các TCTD sẽ chủ động lựa chọn cơ cấu, bộ phận phù hợp để thực hiện hoạt động kinh doanh này”.
Thời gian qua, nhiều DN, người dân phản ánh các nhân viên ngân hàng dưới danh nghĩa tư vẫn nhưng thực chất là ép phải mua bảo hiểm nhân thọ nếu muốn được vay vốn, giải ngân. Mặc dù đã có sự can thiệp từ phía cơ quan nhà nước, nhưng tình trạng này vẫn không chấm dứt.
Vậy, ngân hàng có được ép khách vay mua bảo hiểm không? Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010) nghiêm cấm ngân hàng bán bảo hiểm có các hành vi sau đây:
-Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
-Thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động, điều kiện bảo hiểm, làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm.
Việc giao kết hợp đồng bảo hiểm dựa trên sự tự nguyện của các bên, do đó hành vi “ép” giao kết hợp đồng bảo hiểm là hành vi vi phạm pháp luật.
Ngân hàng ép khách vay mua bảo hiểm bị xử lý thế nào?
Theo Khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013 được sửa đổi bởi Nghị định 48/2018 của Chính phủ: Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
- Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
- Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định;
- Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính;
- Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định;
- Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.