Làm gì khi trẻ chậm nói?

Đức Trân 15/09/2022 07:15

Với mỗi người làm cha mẹ khoảnh khắc nghe được tiếng con mình cất tiếng gọi đầu tiên rất đặc biệt, đó là niềm vui, hạnh phúc của cả gia đình. Tuy vậy, không phải trẻ nào cũng cất tiếng nói theo đúng các mốc phát triển. Đây là mối quan tâm của rất nhiều phụ huynh có con chậm nói hay thậm chí không nói.

Can thiệp, điều trị trẻ chậm nó.

Bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Bé N.T.H., năm nay đã 2 tuổi nhưng chỉ nói được vài từ quen thuộc. Mẹ của bé cảm thấy lo lắng về vấn đề chậm nói của cô con gái thứ 2 của mình, bởi chị đã có kinh nghiệm quan sát sự phát triển ngôn ngữ của bé đầu tiên. Lo lắng con có thể bị tự kỷ, chị đưa con đến các phòng khám chuyên khoa tâm lý để đánh giá. Các bác sĩ nhận định trẻ không bị tự kỉ và chị cho con đi học mầm non sau nửa năm vẫn không thấy con nói nhiều thêm. Trong một lần đưa con đi khám tại Trung tâm thính học và Trị liệu ngôn ngữ, Bệnh viện Nhi trung ương, cả gia đình gần như không thể tin được khi các bác sĩ thông báo con mình bị nghe kém - đây chính là lý do dẫn đến việc chậm nói của bé.

Một trường hợp khác, bé N.H.N. (3 tuổi, Thanh Hóa) được gia đình đưa đến khám với lý do cháu chưa biết nói, mặc dù cháu đã 3 tuổi. Mẹ cháu tâm sự, ban đầu gia đình chỉ nghĩ con chậm nói hơn so với các bạn cùng trang lứa, chờ một thời gian nữa con sẽ nói thôi. Cả nhà lại hy vọng chờ thêm một thời gian nữa. Gia đình cũng mua rất nhiều tranh, ảnh và đồ chơi để dạy con nhưng con vẫn không có tiến bộ. Lo lắng với tình trạng của cháu, gia đình đưa con ra Bệnh viện Nhi trung ương khám và được các bác sĩ kết luận nguyên nhân là do con bị suy giảm nghe ở mức độ nặng.

Hai gia đình trên chỉ là hai trường hợp điển hình trong số rất nhiều gia đình với tư tưởng chờ đợi “rồi con sẽ biết nói hết”. Hậu quả dẫn đến là chính cha mẹ đã đánh mất “thời gian vàng” của trẻ để phát triển ngôn ngữ, gây khó khăn cho trẻ khi giao tiếp và hòa nhập với cuộc sống khi trẻ lớn lên.

Bác sĩ Lại Thu Hà - Trung tâm Thính học và Trị liệu ngôn ngữ, Bệnh viện Nhi trung ương thông tin, chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau. Chậm nói có thể là biểu hiện của trẻ mắc tự kỷ hoặc là biểu hiện của sự trì trệ của vùng ngôn ngữ trên não bộ dù trí tuệ và tâm lý của trẻ bình thường. Có những bé bị bệnh bại não, chậm phát triển trí tuệ cũng dẫn đến chậm nói. Và đặc biệt có những bé bị nghe kém thì chắc chắn chậm nói hoặc thậm chí không có ngôn ngữ tùy vào mức độ nghe kém.

Ngoài ra, theo chuyên gia y tế, ngoài các khiếm khuyết liên quan đến bệnh lý như: Trẻ mắc chứng tự kỷ, hội chứng Down, vấn đề về thính giác, chậm phát triển trí tuệ... thì hầu hết trẻ chậm nói có thể do một số nguyên nhân như trẻ không đủ thời gian giao tiếp với bố mẹ, người thân trong gia đình hàng ngày; Trẻ nhút nhát, rụt rè, sống nội tâm; Trẻ bị chia cắt với bố mẹ quá sớm trong thời gian dài hoặc một biến cố nào đó gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ thường kém trong kiểm soát cảm xúc và khả năng diễn đạt. Ở mỗi trẻ sẽ có những đặc điểm riêng, nhưng hầu hết trẻ sẽ có một số biểu hiện như: Không nhận ra giọng của mẹ hay có phản ứng với âm thanh lớn khi trẻ 2 tháng tuổi; Không nhìn trực tiếp vào mắt người bắt chuyện; Không quan tâm đến mọi người và đồ vật xung quanh khi trẻ 4-6 tháng; Trẻ không bập bẹ khi 9 tháng tuổi; Không biết chơi trò chơi bắt chước, không đòi đồ vật hay nhờ sự giúp đỡ của người lớn bằng cử chỉ và lời nói khi trẻ 16-18 tháng tuổi; Không nói được hoặc nói được 1-2 từ đơn khi trẻ 2 tuổi; Không nói được câu đơn giản như “mẹ đâu rồi” khi trẻ 3 tuổi.

Quan tâm sớm để can thiệp kịp thời

Bác sĩ Dương Thùy Dung - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhấn mạnh, sự quan tâm và để ý của cha mẹ vô cùng quan trọng với các bé. Bởi không ai khác, chính bố mẹ mới là người cảm nhận được những bất thường của con mình đầu tiên. Do đó, nếu có bất kì dấu hiệu nào bất thường như trên, việc đầu tiên bố mẹ cần làm là đưa con đi thăm khám kịp thời bởi việc điều trị, can thiệp cho trẻ chậm phát triển ngôn ngữ liên quan đến nguyên nhân gây ra. Vì vậy trẻ cần được các bác sĩ kiểm tra, thăm khám; chuyên viên ngôn ngữ lượng giá mức phát triển ngôn ngữ để đưa ra mục tiêu và phác đồ điều trị cụ thể.

Bên cạnh đó, một số hoạt động giúp trẻ tăng khả năng giao tiếp như: Âu yếm và vỗ về trẻ sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn và được quan tâm; Nói chuyện, đọc sách và hát giúp trẻ tiếp xúc với nhiều từ, tăng vốn từ và hiểu được ngôn ngữ; Dành thời gian cho trẻ vận động, tương tác với mọi người và đồ vật xung quanh mỗi ngày; Tìm cách hiểu được tâm trạng của trẻ để lựa chọn thời điểm giao tiếp phù hợp. Tạo không gian an toàn cho trẻ khám phá; Trò chuyện khi đối diện và ở ngang tầm mắt của trẻ, hãy nhìn vào mắt trẻ.

“Trẻ có thể nghe và hiểu từ rất sớm, trước khi trẻ có thể tự nói. Hướng dẫn, khuyến khích trẻ giao tiếp và dành nhiều thời gian lắng nghe, trò chuyện với trẻ là lời khuyên hữu ích nhất cho các bậc phụ huynh. Phụ huynh nên cân bằng công việc, các mối quan hệ, gác lại những mệt mỏi của cuộc sống có thể ở bên con nhiều hơn nữa” - bác sĩ Dung khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì khi trẻ chậm nói?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO