Tới nay, với bà con nông dân ở những vùng trồng lúa, kể cả lúa nương- một vấn đề rất thời sự là chọn được giống lúa chất lượng cao. Chính từ việc thay đổi cơ cấu giống lúa đã đem đến sự thay đổi rõ rệt cho những cánh đồng, những nương lúa. Và từ đó cùng giúp bà con thoát nghèo, vươn tới no ấm.
Những thửa ruộng thí nghiệm giống lúa mới ở Đồng Tháp Mười.
Mới đây, Trung tâm Giống Nông nghiệp Vĩnh Long đã tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa vụ Thu Đông năm 2018, nhằm tuyển chọn các giống lúa triển vọng bổ sung vào cơ cấu giống đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Các bộ giống khảo nghiệm và trình diễn gồm: bộ khảo nghiệm sinh thái của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long có 21 giống, bộ giống khảo nghiệm sản xuất 5 giống, bộ giống khảo nghiệm sinh thái của Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long 10 giống và bộ giống tuyển chọn trình diễn của Trại lúa giống.
Đánh giá của Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, các giống nổi bật dạng hình đẹp, cứng cây, phản ứng kháng khá với sâu bệnh, có tiềm năng năng suất cao.
Lâu nay, việc lựa chọn bộ giống lúa phù hợp với biến đổi khí hậu, cho năng suất và chất lượng cao luôn được các địa phương chú ý. Tuy nhiên, không phải là việc dễ dàng. Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2015 trở lại đây thiên tai đã gây nhiều thiệt hại cho người trồng lúa, cũng như các loại cây trồng khác.
Vì vậy, cần phải tìm ra giống lúa phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh luôn tiến hành tìm kiếm, thực nghiệm những bộ giống lúa mới.
Việc lựa chọn những giống lúa mới phù hợp với biến đổi khí hậu phải đáp ứng được 5 tiêu chí: Giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo ngon, độ thuần đồng đều, tính phổ rộng (phù hợp nhiều vùng sinh thái) và khả năng chống chịu rét, hạn và sâu, bệnh hại.
Với đồng bằng sông Cửu Long, giống lúa mới không chỉ bảo đảm an ninh lương thực, mà còn phải đáp ứng được cho xuất khẩu. Có nghĩa là chất lượng phải cao. Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm nay, nước ta đã xuất khẩu được 4,89 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,46 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 5,9%, nhưng kim ngạch lại tăng tới 20,5%. So 9 tháng đầu năm 2017, trong 9 tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu tăng 13,7% và đạt mức bình quân 502,8 USD/tấn.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Bửu- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, thì nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu, tập trung ruộng đất dưới hình thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa thật sự có chất lượng, hướng đến phát triển bền vững theo hướng “nông dân nhỏ, cánh đồng lớn”.
Còn ông Trần Quốc Khánh- Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, cơ cấu gạo xuất khẩu đã có sự thay đổi rõ rệt, với việc giảm mạnh tỷ trọng gạo thường và tăng mạnh tỷ trọng của gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao, nếp…
Nói điều này để thấy, các địa phương trồng lúa, kể cả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần nhanh nhạy và chủ động tìm kiếm những bộ giống lúa mới thích hợp, để cùng bà con nông dân thay đổi cơ cấu giống lúa, từ đó cùng nhau đón vận hội mới: làm giàu từ những giống lúa chất lượng cao.