Nhiều năm qua, mô hình phát triển kinh tế vườn kết hợp làm du lịch sinh thái đã mang lại lại hiểu quả cho những nhà vườn miền Tây. Mô hình này phát triển ở hầu hết các tỉnh miền tây, với hình thức mới lạ.
Đến thăm vườn chôm chôm Chín Hùng tại ấp Đông An 2, xã Tân Thành, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đây là một nhà vườn thành công với mô hình vừa phát triển kinh tế vườn vừa làm du lịch sinh thái của xã Tân Thành.
Ông Chín Hùng, phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: Gia đình có 32 công đất do ông bà để lại lúc trước trồng chôm chôm cũng đủ ăn đủ xài trong nhà thôi. Năm 2013, thấy xu hướng làm du lịch vườn phát triển ở các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ,... tôi mạnh dạng đầu tư 100 triệu đồng để cải tạo vườn nhà, xây thêm cảnh quan, ngoài chôm chôm tôi trồng thêm măng cụt và một số loại trái cây khác, dưới ao tôi nuôi nhiều loại cá tạo để sự đa dạng và có thêm nguồn thu. Mỗi năm tôi mở bán vé được khoảng 2 tháng, ngoài tham quan và tự tay hái trái cây ăn tại vườn tôi còn nảy ra ý tưởng phục vụ những món ăn, thức uống đậm chất miệt vườn như: cá lóc nướng, gà vườn luộc, gỏi chôm chôm, rượu dừa,...nhiều người rất thích. Thu nhập mỗi năm từ việc bán trái cây và làm du lịch trên dưới 350 triệu. Song mỗi mùa khách đến tham quan rất đông con cháu trong nhà làm không xuể, thấy nhiều người ở gần nhà không có ruộng đất, không có việc làm ổn định tôi thuê họ làm phục vụ và nấu nướng mỗi ngày tôi trả họ 300 ngàn đồng tiền công, nhờ vậy mà cuộc sống họ cũng đỡ khó khăn hơn.
Thực tế cho thấy việc vừa bán trái vừa khai thác du lịch mang lại gấp đôi lợi nhuận cho người nông dân. Tuy nhiên khai thác du lịch đơn lẻ vẫn chưa khai phá được hết lợi thế của địa phương. Nhận thấy những hạn chế đó, vừa qua Mặt trận xã Tân Thành đã vận động các nhà vườn cùng thành lập mô hình “Nhân dân đầu tư phát triển kinh tế vườn kết hợp phát triển du lịch sinh thái”.
Việc thành lập mô hình sẽ phát huy được tính liên kết để tận dụng triệt để những lợi thế về nguồn nguyên liệu ẩm thực đa dạng, loại hình vui chơi giải trí phong phú và sức chứa lớn để tiếp đón số lượng lớn du khách từ trong và ngoài tỉnh. Mô hình thành lập cũng là điều kiện để kêu gọi sự đầu tư về giao thông và các hạ tầng lưu trú hướng đến một cộng đồng du lịch xanh - thân thiện với môi trường trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Văn Lịnh Chủ tịch Mặt trận xã Tân Thành, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Xã Tân Thành là khu vực có lợi thế cây trái quanh năm trễ vụ, nhiều năm nay nông sản của bà con trồng ra đôi khi bấp bênh về giá, thu nhập khá ổn định tuy nhiên chưa tương xứng với giá trị sản phẩm mà người nông dân làm ra. Vài năm trở lại đây khi cơ sở hạ tầng ở nông thôn phát triển, xã đã vận động người dân phát triển du lịch vườn sinh thái, phát huy thế mạnh thu hút khách đến tham quan vườn cây ăn trái và quản bá mặt hàng nông sản của địa phương. Giai đoạn đầu, Mặt trận xã đã kết hợp với hội nông dân và tổ kĩ thuật nông nghiệp của xã để hướng dẫn bà con về các kĩ thuật chăm sóc, xử lý ra hoa, thời gian bón phân để đạt hiệu quả tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ cho khách đến tham quan. Trong thời gian tới, khi có những chương trình về quản bá du lịch sẽ mời các nhà vườn đi dự để tham quan học hỏi về áp dụng vào vườn nhà đồng thời giới thiệu với các đơn vị về cây trái vùng mình…”
Nói về tiềm năng du lịch của vùng Tân Thành, ông Lê Văn Sáu, Chủ tịch MTTQ TP Ngã Bảy cho biết: “Sắp tới TP Ngã Bảy sẽ phục hồi lại Chợ nổi Ngã Bảy và việc phục hồi này sẽ gắn liền những tua du lịch nếu vậy cần phải có những điểm tham quan. Hiện tại TP Ngã Bảy đang tập trung vận động các nguồn lực để phát triển miệt vườn sinh thái. Việc thành lập những mô hình này sẽ giúp Tân Thành là điểm nhấn trong phát triển du lịch của Ngã Bảy”