Những năm gần đây, người nuôi heo ở Vĩnh Long có được thu nhập cao. Đặc biệt là không còn mắc phải tình trạng “giải cứu” khi heo xuất chuồng xuống giá. Chính vì vậy, kể từ giữa năm 2018, người dân tỉnh Vĩnh Long đã tích cực tái đàn.
Nuôi heo đúng cách manh lại thu nhập tốt cho nông dân.
Người nuôi heo ở Vĩnh Long coi đây là thời điểm tốt để cơ cấu lại ngành chăn nuôi heo theo hướng bền vững. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khi giá heo đã tăng trở lại thì cũng là lúc chủ động tái đàn, tuy rằng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn không mặn mà với việc này. Dù rằng nhiều người biết rằng quan niệm nuôi heo để cải thiện sinh kế cho hộ nghèo, lấy công làm lời đã lỗi thời và hình thức này rất khó để trụ vững.
Thực tế cho thấy, giá cả thị trường sẽ quyết định việc người dân tái đàn, mở rộng chăn nuôi. Bà con cũng biết rằng, đầu tư nuôi bài bản sẽ tồn tại và phát triển bền vững, còn chỉ nuôi theo phong trào hay sinh kế, nuôi không theo quy trình thì sẽ không mang lại lợi nhuận cao.
Chính vì thế, ở Vĩnh Long, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp đã có chủ trương để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững thì giải pháp đặt ra là tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị khép kín, tập trung từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Việc này giúp hạ giá thành, hạn chế nguy cơ dịch bệnh lại chủ động được khâu tiêu thụ sản phẩm. Và chốt lại, người chăn nuôi heo mới có thể thu nhập ổn định, không sợ bị rớt giá.
Một chủ trang trại chăn nuôi heo ở xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít cho hay, thời gian qua do nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn nên trang trại luôn có đầu ra ổn định. Một hộ chăn nuôi heo khác ở xã Nhơn Phú, cũng thuộc huyện Mang Thít cho biết, mặc dù trải qua biến động bất thường giá heo nhưng ông vẫn quyết tâm bám trụ với trang trại của mình vì tin tưởng rằng từ việc luôn đổi mới, áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm thì hoàn toàn có thể trụ vững trong khó khăn.
“Có thể nói, thời điểm hiện nay chính là thời cơ tốt để cơ cấu lại ngành chăn nuôi heo theo hướng bền vững. Hiện chỉ còn hình thức nuôi theo trang trại có đầu tư, áp dụng kỹ thuật mới phát triển tốt được. Thị trường hiện nay phải hơn nhau ở chất lượng và tính bền vững.
Tại Vĩnh Long, hiện nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã dần chuyển sang chăn nuôi tập trung quy mô gia trại, trang trại, tổ chức lại vùng nuôi, xây dựng và tổ chức chuỗi liên kết khép kín theo hướng an toàn thực phẩm trong chăn nuôi. Cái khó chính là việc liên kết với doanh nghiệp thu mua và hình thành chuỗi liên kết bền vững giữa sản xuất- tiêu thụ.
Được biết, tính tới thời điểm cuối năm 2018, toàn tỉnh Vĩnh Long có 164 trang trại chăn nuôi (với 102 trại heo), 900 gia trại chăn nuôi (với 193 trại heo). Đàn heo của tỉnh có trên 321.000 con. Sang năm 2019, các ngành chức năng sẽ tiếp tục thực hiện chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi heo, gia cầm. Đồng thời, thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống mới nhằm cải tạo chất lượng đàn vật nuôi, giảm giá thành chăn nuôi. Bên cạnh đó, tập trung các biện pháp giám sát, chủ động phòng chống dịch bệnh, an toàn trong chăn nuôi.
Nhìn chung, không chỉ ở Vĩnh Long, nhiều địa phương khác trong cả nước người dân vẫn tích cực nuôi heo, hoặc là nhỏ lẻ, hoặc là chăn nuôi với quy mô trang trại. Đáng chú ý, hiện nhiều hộ chăn nuôi heo đã chọn nuôi những giống heo bản địa chất lượng cao, giá thành tốt, cho dù năng suất không cao. Và, người chăn nuôi cũng đã hạn chế thức ăn tăng trọng, không chạy theo những loại thức ăn tăng trọng, siêu nạc như trước.