Làm lại cuộc đời

Nguyễn Chiến 29/06/2018 11:43

Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La, nằm trên địa bàn xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn (Sơn La). Nếu không có tấm biển ghi hàng chữ “Cơ sở điều trị nghiện ma túy” có lẽ ai cũng nhầm tưởng đây là  khu du lịch sinh thái với những dãy nhà khang trang sạch đẹp xen kẽ những vườn hoa rộng rãi, khu vui chơi giải trí, sân bóng cùng hàng chục ha trang trại chăn nuôi, trồng trọt… Nhưng đây lại là ngôi nhà chung của hơn 1.000 học viên đang điều trị nghiện ma túy.

Làm lại cuộc đời

Người cai nghiện được học nghề tại trung tâm.

Ông Đoàn Văn Tứ, Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sơn La cho biết: Với lợi thế quỹ đất rộng, ngoài 5 khu nhà chính, cơ sở điều trị đa chức năng này được quy hoạch bài bản. Mỗi khu vực là những hạng mục khác nhau tạo thành một “nông trường” rộng lớn có đủ vườn, ao, chuồng, vừa kết hợp lao động trị liệu, vừa giúp tăng thêm khẩu phần ăn cho các học viên trong quá trình điều trị. Nhiều học viên sau quá trình điều trị tốt còn được hỗ trợ kinh phí về nhà.

Từ sáng sớm, tại các phân khu trong Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La, các học viên đã xếp hàng tập thể dục buổi sáng, ăn sáng và tiến hành các công việc lao động trị liệu, hướng nghiệp và dạy nghề... Em Cầm Văn Huân, quê ở Tường Phù, Phù Yên (Sơn La) là học viên đang điều trị cai nghiện tại cơ sở vừa khâu bóng vừa chia sẻ: “Được điều trị và sinh hoạt điều độ, sức khỏe của em tốt hơn rất nhiều so với lúc mới vào”. Huân cho biết, biết được nghề khâu bóng, sau này về nhà, em sẽ nhận việc để làm, kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Cũng tại cơ sở, sau giờ lao động các cán bộ cùng học viên đang hăng say tập văn nghệ. Tiếng nhạc rộn rã, điệu múa nhịp nhàng, ít ai nghĩ rằng, những con người này từng chìm đắm trong cơn nghiện ma túy.

Trong đội tập văn nghệ có một học viên tên Vì Mạnh Tiệp, quê ở xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu (Sơn La). Tiệp là con út trong một gia đình có 4 anh chị em. Bị bạn bè xấu lôi kéo, Tiệp dính vào con đường nghiện ngập lúc nào không hay. Vào cơ sở, Tiệp được chọn vào đội văn nghệ, rồi được sự quan tâm của các thầy, cô giáo, em tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên nên tâm lý rất thoải mái. Các học viên khi vào cơ sở đều được phân loại, sau đó được hỗ trợ điều trị cắt cơn, giải độc, lao động hướng nghiệp, dạy nghề và xóa mù chữ… Hằng năm, cơ sở tổ chức xóa mù chữ cho khoảng 30 – 40 học viên; hiện số học viên không biết chữ đang điều trị tại cơ sở chiếm gần 10%.

Vàng A Vạ, người dân tộc Mông ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, Sơn La trước khi vào điều trị ở cơ sở này em không biết chữ. Nay được theo học lớp xóa mù chữ, được cơ sở tạo điều kiện, các thầy cô giáo tận tình giảng dạy, Vạ đã biết đọc, biết viết. “Đọc được sách báo, biết tính toán những phép tính đơn giản, em thấy rất vui. Em đã có thể tự tay viết thư gửi về cho gia đình”, Vàng A Vạ chia sẻ.

Vàng A Vạ cho biết thêm: Trước kia vì suy nghĩ không đúng, bị bạn bè lôi kéo nên em đã nghiện ma túy lúc nào không hay. Hiện em rất yên tâm điều trị tại cơ sở. Em tự hứa với mình sau thời gian cai nghiện thành công trở về với gia đình và cộng đồng, em sẽ áp dụng những kiến thức và sự hiểu biết đã được học trong thời gian điều trị tại đây để giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế...

Cô Bùi Thị Hương, cán bộ Phòng Giáo dục dạy nghề, cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La cho biết, lớp xóa mù chữ có 31 học viên; trong đó phần đa là người dân tộc thiểu số, độ tuổi khác nhau, có người hơn 40 tuổi nên quá trình dạy và học gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và nỗ lực của cả thầy và trò, đến nay các học viên đã biết đọc, biết viết. “Tôi cảm thấy rất vui và phấn khởi khi mà những học viên trong lớp đều biết đọc, biết viết. Nhiều học viên chia sẻ, sau khi biết chữ và đọc sách báo, họ đã biết thêm rất nhiều thông tin. Họ cũng nhận thấy tác hại của việc sử dụng ma túy, làm ảnh hưởng tới sức khỏe, hạnh phúc gia đình cũng như kinh tế. Nhiều học viên hứa sau thời gian cai nghiện sẽ cố gắng không tái nghiện, quyết tâm làm lại cuộc đời”, cô Hương chia sẻ.

Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La có chức năng chữa trị, giáo dục, dạy nghề và tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy. Với 5 khu nhà chính nằm trên tổng diện tích 60 ha đáp ứng quy mô điều trị 1.900 học viên. Tính đến ngày 15-6, cơ sở tiếp nhận hồ sơ quản lý và điều trị cai nghiện cho 1.738 học viên; trong đó có 1725 học viên cai nghiện bắt buộc, 9 học viên cai nghiện tự nguyện và quản lý sau cai nghiện 4 học viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm lại cuộc đời