Ngày càng có thêm những cuốn sách do các đơn vị xuất bản trong nước thực hiện, không chỉ hay về nội dung mà đẹp về hình thức. Những cuốn sách “đẹp như sách Tây” đã mang tới cho độc giả sự thích thú, nhiều người đã hình thành thú sưu tập sách. Trong những cuốn sách “vừa hay vừa đẹp” trong thời gian gần đây, có sự liên tài thú vị giữa nhà văn/ tác giả và một số họa sĩ đương đại nổi tiếng.
Thực sự mà nói, việc vẽ minh họa cho các tác phẩm văn học không phải là điều mới mẻ trong lĩnh vực xuất bản. Từ trước tới nay, sự cộng hưởng giữa họa sĩ với nhà văn đã thành lệ, tạo thành những câu chuyện văn nghệ thú vị.
Tuy nhiên, trước đây, việc vẽ minh họa sách thường có xu hướng “tả chân”. Bằng chứng là minh họa chỉ được vẽ theo lối tả thực, truyện viết gì thì người họa sĩ vẽ theo để mô tả lại một đoạn trong sách. Và thường, những minh họa cũng chỉ dừng lại ở sắc độ đen trắng. Các họa sĩ vẽ minh họa cũng thường là họa sĩ quen với lối minh họa sách chứ không phải là những họa sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực hội họa giá vẽ.
Vậy nhưng, mới đây, việc thị trường xuất bản liên tục xuất hiện những cuốn sách có sự liên tài với các họa sĩ đương đại nổi bật, cho thấy một sự khởi sắc đáng trân trọng.
Một dấu ấn đẹp đó là cuộc “kỳ ngộ” của 15 họa sĩ đương đại gồm: Thành Chương, Hồng Việt Dũng, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân… cùng tụ lại, vẽ minh họa cho ấn bản “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du. Đó là năm 2017.
Khi đó, họa sĩ Thành Chương đứng ra “liên tài”, mời các họa sĩ giá vẽ đặt bút minh họa cho đại danh tác của văn học Việt Nam. Tự hào nhưng cũng đầy thách thức, bởi trước đó, các bậc danh họa khi xưa như Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị cùng nhiều tên tuổi khác của mỹ thuật Việt đã vẽ minh họa “Truyện Kiều”. Đến nay, những minh họa này vẫn được đánh giá cao.
Vì thế, ở thời điểm đầu thế kỷ 21, việc các họa sĩ đương đại vẽ minh họa Kiều, là một thách thức. Tuy nhiên, họa sĩ Thành Chương quả quyết, những họa sĩ đương đại được lựa chọn lần này đều là những người có tài năng, rất tự tin, chứ không phải đứng trước những "đỉnh núi" kia mà không dám động cựa gì cả.
Đánh thức những danh tác xưa bằng minh họa nay còn có thể kể đến cuốn “Lục Vân Tiên” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiều, do họa sĩ Nguyễn Công Hoan minh họa. Tiếp đó là “Lĩnh Nam chích quái” của Trần Thế Pháp do họa sĩ Tạ Huy Long minh họa.
Tuy nhiên, tạo dấu ấn cho việc hội họa song hành cùng văn chương không thể kể tới việc ra mắt tủ sách Văn chương và Mỹ thuật của Công ty sách Đông A. Tủ sách được thực hiện với mong muốn đưa đến bạn đọc các ấn phẩm trang nhã, đẹp mắt, không những đáp ứng niềm vui đọc sách mà còn thỏa mãn nhu cầu thưởng thức hội họa. Các ấn phẩm trong tủ sách sẽ là sự kết hợp giữa tác phẩm văn học và minh họa mới của các họa sĩ Việt Nam đương đại.
Đơn vị xuất bản này cũng tiết lộ, tác phẩm văn học Đông A lựa chọn đưa vào tủ sách là các danh tác đã khẳng định được giá trị qua thời gian, và trước hết sẽ là những tác phẩm của tác giả Việt Nam. Về phần văn bản, Đông A cố gắng tìm tòi và giới thiệu các văn bản sớm nhất của tác phẩm trong trường hợp tác phẩm xuất bản đã lâu. Việc này khá cầu kỳ, công phu, chỉ với một mục đích duy nhất là giúp bạn đọc có cơ hội tiếp cận tác giả ở một góc nhìn gần hơn, nhất là khi nhiều ấn phẩm có thể đã thất lạc do chiến tranh, hoặc qua nhiều chỉnh sửa của thế hệ sau.
Mỗi cuốn sách trong tủ sách Văn chương và Mỹ thuật được minh họa xuyên suốt bởi một họa sĩ Việt Nam đương đại. Bằng việc mời các họa sĩ hợp tác, Đông A muốn mỗi ấn phẩm đến tay bạn đọc luôn trọn vẹn cả về hình thức và nội dung, chạm đến và nâng lên những cảm xúc đẹp đẽ trong lòng bạn đọc đối với nghệ thuật nói chung, văn chương và mỹ thuật Việt Nam nói riêng.
Khởi đầu với hai cuốn “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng và “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng, tủ sách Văn chương và Mỹ thuật khiến độc giả thích thú khi cầm sách trên tay.
Văn chương Nguyên Hồng, Vũ Bằng đã được khẳng định. Lần này, “Thương nhớ mười hai” có thêm minh họa của họa sĩ trẻ Duy Hưng; còn “Bỉ vỏ” được họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ - con trai thi sĩ Hoàng Trung Thông - minh họa. Nếu họa sĩ Duy Hưng dựa trên cảm hứng từ tranh lụa Việt Nam đầu thế kỷ XX, của các danh họa nổi tiếng như Lê Phổ, Mai Trung Thứ để minh họa “Thương nhớ mười hai” thì họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ vẽ minh họa cho “Bỉ vỏ” không chỉ từ cảm nhận cá nhân trước tác phẩm, mà còn từ những ký ức và niềm cảm mến, trân trọng với nhà văn Nguyên Hồng - một người bạn quý của cha ông.
Mới đây, thêm một cuốn sách trong tủ sách Văn chương và Mỹ thuật được ra mắt, đó là “Gió đầu mùa & Hà Nội băm sáu phố phường” của nhà văn Thạch Lam với minh họa của họa sĩ Đào Hải Phong.
Khi nhận lời vẽ minh họa cho tác phẩm của Thạch Lam, họa sĩ Đào Hải Phong xem đây là cơ duyên, là may mắn. Ông chia sẻ, khi đọc lại “Gió đầu mùa” và “Hà Nội băm sáu phố phường”, ông ám ảnh về cảnh chiều hôm, về cái buồn man mác. Văn chương Thạch Lam, có sự gần gũi, và tương đồng với quan niệm nghệ thuật của Đào Hải Phong…
Do đó, ông vẽ những bức minh họa này bằng bột màu - thứ chất liệu đã làm nên tên tuổi của Đào Hải Phong những năm 90 của thế kỷ trước. “Tôi có cảm giác nhà văn Thạch Lam gợi lại cho tôi những gì đã là giá trị của tôi, những gì mộc mạc, nhẹ nhàng nhưng mang lại nhiều điều thú vị” - họa sĩ Đào Hải Phong chia sẻ.
Xem những bức minh họa của Đào Hải Phong cho truyện và tùy bút của Thạch Lam, độc giả có thể nhận ra sự hòa điệu nhịp nhàng. Các bức vẽ trong bộ minh họa mang đến cho người xem điểm nhìn mới về những vết dấu cũ xưa nơi văn chương Thạch Lam. Minh họa của họa sĩ đồng điệu với văn chương Thạch Lam ở nét thanh lịch dịu dàng và tình yêu chân thành, tha thiết dành cho cảnh vật, con người, những giá trị đẹp đẽ và cao quý.
Vẽ minh họa cho các tác phẩm văn học nổi tiếng luôn là một thử thách với các họa sĩ đương đại, nhất là họa sĩ quen bảng màu, giá vẽ. Vì thế, không phải họa sĩ nào cũng sẵn sàng cho cuộc “liên tài” thú vị này. Nhiều người biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình, nên đã từ chối ngay khi được mời. Tuy vậy, một số họa sĩ chấp nhận cuộc thử thách thú vị này, coi đó như một cơ hội, một cơ duyên để đọc lại, đọc kỹ tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng đồng thời đến gần hơn với công chúng đương đại.
Ngay cả họa sĩ Thành Chương - một người tạo dấu ấn đặc biệt trong việc vẽ minh họa sách báo, khi nhận lời vẽ minh họa cho tuyển tập “Người kép già” của cha mình - nhà văn Kim Lân, cũng thừa nhận là đứng trước một thử thách không đơn giản. “Tôi tự nhủ mình đang thi thố với cha, làm sao đem được cái đẹp của tranh mình đến gần với cái hay của truyện ngắn Kim Lân. Có nhiều truyện ngắn khiến tôi vừa khóc vừa vẽ trong sự thương nhớ và kính trọng cha”, họa sĩ Thành Chương chia sẻ.
Có thể nói, bằng việc mời các họa sĩ vẽ minh họa cho các danh tác văn chương nổi tiếng của những nhà văn tên tuổi đã tạo ra một diện mạo mới, mang tới cho độc giả đương đại những ấn phẩm vừa hay vừa đẹp. Sự liên tài này đã cho thấy nếu chịu khó đào sâu và suy nghĩ, và sáng tạo thì vẫn tìm được “cửa sáng” cho thị trường xuất bản, đồng thời nâng tầm sách Việt.
Nếu có dịp chiêm ngưỡng trực tiếp những bức tranh minh họa của các họa sĩ nổi tiếng vẽ minh họa cho những tác phẩm như “Bỉ vỏ” (Nguyên Hồng), “Người kép già” (Kim Lân), “Gió đầu mùa & Hà Nội băm sáu phố phường” (Thạch Lam) sẽ nhận thấy đó là những tác phẩm mỹ thuật độc đáo. Nhiều trường hợp, những minh họa này có thể tác khỏi văn bản để trở thành tác phẩm độc lập. Chính bởi vậy, khi được đưa ra đấu giá, 19 bức bột màu trên giấy của họa sĩ Thành Chương trong ấn phẩm “Người kép già” đã thu về 602 triệu đồng. Hay mới đây, 17 bức tranh bột màu của họa sĩ Đào Hải Phong trong ấn phẩm “Gió đầu mùa & Hà Nội băm sáu góc nhìn” được đấu giá tới gần 650 triệu đồng. Trong đó, riêng bức tranh minh họa truyện “Gió đầu mùa” được đã được một nhà sưu tập đấu giá thành công với mức giá lên tới 85 triệu đồng.