Kinh tế

Làm 'nhà lạnh' nuôi vịt cho hiệu quả kinh tế cao

Thanh Phương 12/12/2023 09:26

Thay vì nuôi vịt thả ao theo truyền thống, ông Đồng Quang Cường (thôn Cẩm Lũy, xã Cẩm La, TX Quảng Yên, Quảng Ninh) đã đầu tư làm "nhà lạnh" để nuôi vịt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ mô hình "nhà lạnh" cho vịt

W_z4958420452349_5d04eb2eace9534f13ce134072d8a447.jpg
Mô hình trại vịt lạnh giúp kiểm soát tối đa dịch bệnh và nguồn nước, thức ăn hàng ngày và môi trường sống của vịt.

Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan trại vịt lạnh của mình, ông Đồng Quang Cường vừa bồi hồi nhớ lại: “Gần 20 năm trước, nơi đây chỉ là cánh đồng hoang vu, tôi về đây lập nghiệp và bắt đầu “hành trình” trở thành một lão nông chăn vịt đích thực. Từ vài con vịt đẻ theo mô hình hộ gia đình, đến nay quy mô đã thành 10.000 con vịt thịt và 5000-6000 con vịt đẻ. Đối với vịt thịt, mỗi năm trang trại của tôi có thể xoay vòng 7-8 lứa”.

Để gặt hái thành quả ngọt ngào như ngày hôm nay, ông Cường đã phải trải qua không biết bao khó khăn, thậm chí nhiều phen “lao đao” bởi đàn vịt nhiễm dịch bệnh. Thế nhưng, mỗi khó khăn lại là cơ hội để ông học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và tìm tòi ra nhiều cơ hội phát triển mới.

“Với việc nuôi thả vịt trên ao, tỷ lệ đàn vịt nhiễm bệnh thường rất lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng thịt. Chi phí vừa cao mà thu nhập lại chả được bao nhiêu”, ông Cường chia sẻ. Qua nhiều lần mày mò học hỏi và tìm hiểu, ông Cường quyết tâm phải bắt tay vào cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng trại chăn nuôi.

W_ac.png
Hệ thống máng ăn và nước uống tự động giúp giảm thiểu tối đa sức lao động.

Nghĩ là làm, ông Cường đầu tư vào cải tạo nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị và đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại từ năm 2015. Năm 2022 vừa qua, ông Cường đã đầu tư gần 5 tỷ đồng để nâng cấp 2 hệ thống chuồng khép kín, theo đó mặt sàn chuồng sẽ được thiết kế cao cách nền bê tông khoảng 50 cm, chuồng được trang bị hệ thống quạt làm mát, lợp tôn cách nhiệt, hệ thống máng ăn và nước uống tự động….

Nhờ hệ thống trại vịt "nhà lạnh", môi trường nuôi vịt sẽ được đảm bảo, kiểm soát tối đa dịch bệnh và nguồn nước, thức ăn hàng ngày của vịt. “Môi trường sạch là yếu tố quan trọng để vịt phát triển tốt, tuy nhiên môi trường tự nhiên bên ngoài lại rất khắc nghiệt, lúc nắng lúc mưa. Hiện nay với việc nuôi trong "nhà lạnh", chất lượng vịt được đảm bảo, chỉ từ 50-52 ngày có thể xuất chuồng”, ông Cường chia sẻ.

Vào tham quan khu vực nuôi vịt, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi nơi đây vô cùng sạch sẽ, thông thoáng, đặc biệt không xuất hiện mùi hôi của đàn vịt. Bên cạnh việc đầu tư "nhà lạnh", ông Cường còn đầu tư thêm 4 máy ấp trứng tự động với công suất gần 20.000 quả mỗi ngày. Hiện nay, trứng vịt thương phẩm của ông Cường đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

W_z4958423537520_87e984ecefeacfed89741249eb53e266.jpg
Hệ thống máy ấp trứng tự động.

Cùng với đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý đã giúp ông Cường chủ động trong việc theo dõi các chỉ số phát triển của vịt, lượng thức ăn, nước uống và đưa ra các kế hoạch trong việc tiêm vacxin phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng cho vịt… Theo chia sẻ, kể từ khi sử dụng công nghệ để quản lý, trang trại của ông Cường chỉ cần vài công nhân để làm, công việc trở nên nhàn hạ hơn rất nhiều.

Đến nông nghiệp tuần hoàn

W_z4958457495689_6fc26b7df56eece1325d03a47ae69617.jpg
Mô hình nuôi giun của ông Đồng Quang Cường.

Để tận dụng tối đa chất thải chăn nuôi cho mô hình vườn – ao – chuồng, ông Cường đã tìm tòi, phát triển thêm mô hình nuôi giun, nuôi cá nước ngọt và trồng trọt.

“Tôi có thể tận dụng phân vịt và một số loại phế phẩm thực vật như thân chuối, bèo… để nuôi giun để từ đó tạo nên phân hữu cơ. Phân bón hữu cơ lại dùng bón cho cây trong vườn cho năng suất, chất lượng tốt. Quy trình nuôi giun không phức tạp, không đòi hỏi đầu tư nhiều mà còn có thể bảo vệ môi trường, giúp xử lý một số loại rác thải”, ông Cường chia sẻ. Sau quá trình nuôi thử nghiệm, hiện nay giun đã phát triển rất tốt, mỗi m2 với chiều cao 50 cm cho thu về 2 kg giun và khoảng 50 kg phân sau 1 tháng.

W_z4958420450022_556c7f3c0e82d4ff644885ce5eeb9117.jpg
Giun có thể được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Với mô hình nuôi giun, ông Cường kỳ vọng sẽ lan tỏa được đến nhiều hộ dân bởi hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp giải quyết được vấn đề rác thải, vừa tạo nên nguồn phân hữu cơ tốt để phát triển nông nghiệp địa phương. Trong thời gian tới, ông Cường sẽ mở rộng quy mô của mô hình nuôi giun, đồng thời đưa ra nhiều kế hoạch phát triển dài hạn để cùng địa phương và nhân dân tạo thêm nhiều bước tiến vượt trội trong nông nghiệp.

Theo ông Lê Quyền Anh, Chủ tịch Hội nông dân xã Cẩm La: “Mô hình của ông Đồng Quang Cường không chỉ giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi, nâng cao thu nhập mà còn thu hút thêm người dân cùng tham gia. Đặc biệt, ông Cường còn trực tiếp giúp đỡ 50 lao động địa phương, hỗ trợ kỹ thuật, phương tiện, nguồn vốn cho 15 hộ dân để từ đó góp phần thực hiện mục tiêu về đích nông thôn mới do địa phương phát động”.

Cùng với đó, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội nông dân nghề nghiệp Hội nông dân xã Cẩm La, ông Đồng Quang Cường đã luôn mạnh dạn tìm tòi, học hỏi, tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tạo thành tấm gương sáng để các hội viên, người dân học hỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm 'nhà lạnh' nuôi vịt cho hiệu quả kinh tế cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO