Hiếm có năm nào, điểm chuẩn khối C00 của hầu hết các trường đều tăng và tăng cao như năm nay. Thí sinh đạt 29 điểm vẫn có nguy cơ trượt nguyện vọng 1 vào nhiều ngành hot. Nguyên nhân của cuộc cạnh tranh căng thẳng này là gì?
Thống kê chung, năm 2023 chỉ có 27 ngành học của các trường ĐH có điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên nhưng năm nay có tới 117 ngành/chuyên ngành đạt mức này, tăng hơn 4 lần. Trong đó, chỉ có một số ít ngành/chuyên ngành có mức điểm cao thuộc các tổ hợp xét tuyển khác như A00, D01… còn lại phần lớn là tổ hợp C00.
Cụ thể, điểm chuẩn các trường ĐH Sư phạm (SP) Hà Nội, SP Hà Nội 2, SP TPHCM, Thái Nguyên, Hồng Đức, Vinh, Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng năm nay gây ấn tượng khi nhiều ngành đồng loạt giữ kỷ lục về điểm cao bao gồm ngành SP ngữ văn, giáo dục tiểu học, SP các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội (KHXH) như lịch sử hoặc địa lý. Trong đó, cao nhất là SP ngữ văn của Trường ĐH SP Hà Nội lấy điểm chuẩn 29,3 điểm. Đây cũng là mức điểm chuẩn của ngành SP lịch sử. Như vậy, thí sinh phải đạt trung bình trên 9,75 điểm/môn mới đỗ. Hai ngành khác điểm chuẩn cũng rất cao, trên dưới 29 điểm, gồm SP địa lý 29,05 và SP lịch sử - địa lý 28,83.
Tại Học viện Ngoại giao, ngành Trung Quốc học có điểm trúng tuyển 29,2 điểm, cao thứ 2 trong số các trường tuyển khối C00. Đáng chú ý, trường này có 8 ngành/chuyên ngành tuyển tổ hợp C00 thì cả 8 ngành đều có điểm chuẩn khối C trên mức 28 điểm. Trong khi cùng ngành/chuyên ngành, điểm chuẩn các tổ hợp khác đều thấp hơn so với điểm chuẩn khối C00, có những tổ hợp thấp hơn tới 3 điểm như ngành Trung Quốc học, Nhật Bản học, Luật thương mại quốc tế, Luật quốc tế.
Tình trạng này cũng xảy ra ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn- ĐH Quốc gia Hà Nội khi có 26/28 ngành tuyển khối C00, tất cả đều trên 27 đến trên 29 điểm, trừ ngành tôn giáo học điểm chuẩn khối C00 26,73 điểm. Có 3 ngành điểm chuẩn khối C00 trên 29 điểm, gồm: Quan hệ công chúng 29,1 điểm; Hàn Quốc học 29,05; Báo chí 29,03. Trong đó, dù vào cùng một ngành nhưng điểm trúng tuyển của thí sinh xét tuyển bằng các khối khác cũng thấp hơn thí sinh xét tuyển bằng khối C00 khoảng 2-3 điểm, cao nhất là mức 3,78 điểm cho thấy sự căng thẳng trong cuộc đua của thí sinh khối C.
Ở năm đầu tiên tuyển sinh, ngành Tâm lý học - Trường ĐH Y Hà Nội cũng có điểm chuẩn gây ấn tượng với 28,83 ở tổ hợp C00 đồng thời soán ngôi vị dẫn đầu nhiều năm của ngành Y khoa, trở thành ngành có điểm chuẩn cao nhất Trường ĐH Y Hà Nội năm 2024.
Điểm chuẩn năm 2024 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng ở mức rất cao. Ở thang điểm 40, điểm chuẩn cao nhất là ngành Quan hệ công chúng, (chuyên ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp) với 37,7 điểm- trung bình hơn 9,4 điểm/môn.
Ở khối trường Luật, Trường ĐH Luật Hà Nội cũng ghi nhận vị trí đầu bảng thuộc về ngành Luật kinh tế với 28,85 điểm, cao hơn hẳn các tổ hợp khác dù cùng ngành.
Học viện Ngân hàng có ngành Luật Kinh tế là ngành duy nhất của trường có khối C và cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất, 28,13 điểm. Năm ngoái, ngành này lấy điểm chuẩn là 27.
Đáng chú ý, Trường ĐH Văn hóa TPHCM có ngành tăng tới 8,5 điểm so với năm 2023 ở tổ hợp khối C00 là ngành Bảo tàng học, lên mức 23,05 điểm. Nhiều ngành của trường có điểm chuẩn khối C00 trên mức 26, cao nhất là chuyên ngành truyền thông văn hóa 27,85 điểm.
Về điểm chuẩn khối C cao, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng Bộ GDĐT có đánh giá từ đầu, so sánh phổ điểm của năm 2024 với 2023 thì thấy, điểm có nhích lên và đây là điều đã được dự báo.
Chấp nhận thực tế mình giỏi, có người giỏi hơn
Chia sẻ với phụ huynh về băn khoăn khi thí sinh điểm cao vẫn trượt nguyện vọng 1, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng cần coi đó là chuyện bình thường trong cuộc sống. Chúng ta phải học cách chấp nhận mình giỏi nhưng xung quanh còn có nhiều người giỏi hơn. Bên cạnh đó, các em được đăng ký nhiều nguyện vọng nên nếu điểm cao, không trúng tuyển ngành này các em có thể trúng tuyển ngành khác.
Khẳng định điểm chuẩn cao nhưng không bất thường, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng nếu nhìn nhận theo cách so sánh điểm năm này với những năm khác thì có vẻ như điểm chuẩn của nhiều ngành học năm nay quá cao, nhưng nếu nhìn nhận theo tuyển sinh ĐH, tức là tuyển những người có đủ năng lực để vào và mang tính chất lựa chọn từ trên xuống dưới, nếu như có nhiều người tốp trên và đã đủ chỉ tiêu thì những người tốp dưới đương nhiên sẽ bị mất cơ hội. Đó quy tắc của việc lựa chọn.
Đối với phương thức xét tuyển sớm từ năm 2025, ông Sơn cho rằng cần phải nhìn ở nhiều khía cạnh. Khía cạnh số 1 liên quan đến tự chủ của trường ĐH, rõ ràng các trường ĐH có tự chủ nhất định trong quá trình tuyển sinh và việc đó tôi nghĩ cần tôn trọng mức độ nhất định. Về ý kiến đến từ các trường phổ thông cho rằng xét duyệt sớm, ví dụ chỉ xét điểm 5 kỳ học bạ, dẫn đến việc học sinh không tập trung sâu vào việc học để hoàn thành chương trình phổ thông là vấn đề chúng ta phải tìm cách xử lý sao cho hài hòa. Các trường đại học vẫn có cơ hội để sử dụng các phương thức xét tuyển khác nhau để đảm bảo đầu vào cho mình nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo được việc tuyển sinh ĐH không được đi ngược lại với giáo dục phổ thông.
Lời khuyên cho thí sinh năm tới đó là nên hết sức chú ý những điều chỉnh về mặt chính sách của các nhà trường và Bộ GDĐT. Trong hội nghị về tổng kết giáo dục ĐH vừa qua, Bộ GDĐT đã đưa ra một số định hướng cho kỳ tuyển sinh sang năm. Ví dụ, việc xét tuyển sớm sẽ có định hướng, có sự thay đổi nhất định. Các trường ĐH, trong đó có Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ có điều chỉnh những thách thức cũng như quy trình tuyển sinh trong năm tới. Hiện tôi chưa thể nói chắc được rằng năm tới sẽ có những phương thức nào. Nhưng nguyên tắc số một là chúng ta sẽ giữ ổn định nên việc xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT là điều chắc chắn. Đến thời điểm này, các trường ĐH vẫn lấy tỷ lệ tương đối lớn từ phương thức này.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: phân tích trên dữ liệu điểm các môn thi có thể thấy tỉ lệ thí sinh đạt điểm giỏi đều tăng so với năm 2023. Ở khối xã hội, tỉ lệ điểm giỏi môn lịch sử tăng 6,6%; môn địa lý tăng đột biến khi chiếm tới 31% (trong khi năm 2023 chỉ là 6,6%); đồng thời có 3.175 bài thi môn địa lý đạt điểm tuyệt đối. Với môn ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên chiếm tỷ lệ 64,57%, cao kỷ lục từ trước tới nay. Vì điểm thi cao nên điểm chuẩn tăng so với năm ngoái là chuyện dễ hiểu, nhất là với tổ hợp C00.
Phân tích cụ thể phổ điểm tổ hợp khối C00 do Bộ GDĐT công bố, số thí sinh đạt từ 27 điểm là 23.343 em, tăng gần 930%, tương đương hơn 10 lần so với năm 2023.
Ở mốc từ 29 điểm trở lên, nếu như năm 2023 có 26 thí sinh đạt mức này thì năm nay là 956 em, tăng tới 36,8 lần.
Ở mốc 29,25 điểm trở lên, mọi năm thường chỉ có trên dưới 10 em thì năm nay là 380 em. Cụ thể, 19 thí sinh đồng thời là thủ khoa khối C00 năm nay cùng đạt 29,75 điểm. Trong khi năm ngoái không có thí sinh nào đạt mức điểm này. Thủ khoa khối C năm ngoái đạt tổng điểm 29,5 còn năm nay có 102 em đạt mức điểm này.
Theo phân tích của Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội PGS.TS Nguyễn Đức Sơn đối với ngành sư phạm của nhà trường nói riêng và các trường sư phạm khác nói chung năm nay điểm chuẩn tăng cao là vì chính sách cấp học phí và cấp bù sinh hoạt phí đã thu hút số lượng sinh viên vào ngành sư phạm ngày càng đông. Theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT, số thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm tăng vọt. Chỉ tiêu có hạn trong số đăng ký đông nên chỉ có những thí sinh tốp trên mới có đủ điểm đỗ.
“Riêng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có điểm khác nữa là số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng khá cao. Năm nay trường có khoảng 300 học sinh giỏi quốc gia đăng ký vào các ngành. Điều này làm cho việc cạnh tranh thêm gay gắt hơn”- PGS.TS Nguyễn Đức Sơn chia sẻ.
Không chỉ riêng khối C00, bức tranh điểm chuẩn năm nay ở nhiều trường ĐH với các khối xét tuyển khác cũng giữ ổn định hoặc tăng nhẹ. Ở khối ngành y dược, Trường ĐH Y Hà Nội, ngành Y khoa có điểm chuẩn là 28,27 điểm, tăng 0,54 so với năm ngoái; ngành răng hàm mặt có điểm chuẩn 27,67 (tăng 0,17).
Tại Trường ĐH Dược Hà Nội, ngành dược học dẫn đầu với 25,51 điểm, tăng 0,51 điểm so với năm ngoái; theo sau là ngành Hóa dược với 25,31 điểm (tăng 0,41). Hai ngành Hóa học và Công nghệ sinh học cùng lấy trên 24 điểm, tăng lần lượt 0,7 và 0,05.
Điểm trúng tuyển của năm 2024 của Trường ĐH Ngoại thương tăng nhẹ so với năm 2023. Hầu hết các ngành của trường đều có ngưỡng điểm chuẩn từ 27 điểm trở lên, chiếm khoảng 95,5% tổng chỉ tiêu của trường. Ngành mới của trường là ngành Khoa học máy tính cũng có mức điểm trúng tuyển tương đối cao ngay từ năm tuyển sinh đầu tiên, ở mức 27,2 điểm ở tất cả các tổ hợp.
Điểm chuẩn năm nay của Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng tăng đáng kể, có 7/11 ngành điểm chuẩn từ 24 điểm trở lên.
Ngoài nguyên nhân như phân tích ở trên, điểm chuẩn tăng còn đến từ nguồn tuyển ĐH năm nay dồi dào hơn do số nguyện vọng đăng ký tăng cao. Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, năm nay có hơn 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng 73.000 em so với năm 2023.
Nhìn ở góc độ quản lý tổng quan, đại diện Bộ GDĐT cho rằng, việc điểm chuẩn tăng ở nhiều ngành còn có nguyên nhân quan trọng là các trường ĐH dành nhiều chỉ tiêu hơn cho các phương thức xét tuyển sớm (có trường dành đến 70% cho phương thức này), giảm chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Theo các chuyên gia, điểm tuyệt đối ở môn lịch sử và địa lý năm nay tăng cao so với mọi năm nhưng là môn trắc nghiệm nên cũng có thể lý giải. Song ở môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, việc gia tăng mạnh số điểm từ 9 trở lên ở môn thi này đặt ra câu hỏi về mức độ phân hóa của đề thi đã phù hợp hay chưa? Công tác chấm thi môn ngữ văn cũng là một dấu hỏi khi thống kê tại Bắc Ninh, số điểm 9,75 chiếm 1/3 cả nước. Cứ 10 thí sinh Bắc Ninh làm thi môn văn sẽ có ít nhất 1 em đạt từ 9,5 điểm trở lên. Cứ 4 thí sinh Bắc Ninh làm bài thi môn ngữ văn sẽ có hơn 1 thí sinh đạt 9 điểm trở lên. 13/19 thủ khoa khối C00 cũng đến từ Bắc Ninh.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng qua quan sát kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm gần đây, việc điểm thi cao đột biến xuất hiện ở một vài môn học nào đó chưa thể khẳng định chất lượng được tăng lên mà có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như đề thi thiếu tính phân hóa. Với riêng môn ngữ văn năm nay, có thể do thí sinh “đoán” được một số phần do ngữ liệu có hạn, cấu trúc đề thi ổn định. Đặc biệt, điểm thi cao bất ngờ ở môn tự luận đặt dấu hỏi về ba rem chấm điểm hay giáo viên ở vùng nào đó chấm lỏng tay nên dẫn đến kết quả có sự chênh lệch rõ nét giữa điểm thi năm nay với các năm khác, giữa các khu vực.
“Đây là vấn đề cần điều chỉnh, khắc phục ở các kỳ thi năm sau. Ngoài việc thay đổi ngữ liệu quen thuộc trong sách giáo khoa bằng các ngữ liệu ngoài chương trình, cần có sự thống nhất, thậm chí trong trường hợp cần thiết tổ chức chấm chéo, chấm thanh tra để đảm bảo sự công bằng cho mọi thí sinh trên cả nước” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.
Vấn đề phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT cũng đã nhiều lần được các chuyên gia cảnh báo. TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT nhìn nhận, kỳ thi này được thiết kế để đánh giá theo các yêu cầu cần đạt và chuẩn đầu ra theo Chương trình giáo dục phổ thông bậc THPT, không phải là một đề thi tìm kiếm tinh hoa và các năng lực đặc biệt phù hợp với những ngành học chuyên biệt ở bậc ĐH.
Vì vậy, đề thi tập trung nhiều vào những kiến thức cơ bản, không có tính phân hóa cao. Đạt điểm tối đa ở những tổ hợp thi này chưa chắc đã phản ánh hết mức năng lực của thí sinh.
“Từ năm 2025, năm đầu tiên học sinh thi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới với định dạng đề thi theo hướng phát triển năng lực người học. Ngay từ bây giờ, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng trong tất cả các khâu, đặc biệt là ở việc xây dựng ngân hàng câu hỏi. Đây là khâu hết sức quan trọng, nếu không có sự chuẩn bị tốt thì sẽ ảnh hưởng kết quả kỳ thi” – TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Chưa công bằng giữa các phương thức tuyển sinh
Chia sẻ với phóng viên bên lề Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng điểm chuẩn ngành Sư phạm năm nay cao là tín hiệu đáng mừng, phản ánh nhu cầu của xã hội, nhu cầu tuyển dụng giáo viên phổ thông. Năm nay, tổng chỉ tiêu thấp hơn năm trước, nhất là những trường đào tạo có uy tín, chỉ tiêu thấp hơn nên điểm chuẩn tăng lên. Trong khi đó, so với năm 2023, tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào lĩnh vực khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng 85%.
Theo Thứ trưởng, nếu xét trên bình diện cả nước, tuỳ theo chỉ tiêu, một ngành có thể ít hoặc nhiều, thậm chí có ngành chỉ tiêu không nhiều nhưng cả vùng lớn tập trung cũng có thể đẩy điểm chuẩn cao lên.
Đồng thời, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng chỉ ra có sự chưa công bằng giữa các phương thức tuyển sinh dẫn đến lượng thí sinh đăng ký xét tuyển theo điểm tốt nghiệp THPT có ít hơn, chỉ tiêu cho phương thức này cũng hạn chế hơn. Đây là nội dung Bộ GDĐT đã trao đổi trong Hội nghị giáo dục ĐH năm 2024.
Theo Bộ GDĐT, việc các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức đang gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn; phương thức xét tuyển sớm và sự công bằng, khách quan giữa các phương thức xét tuyển, giữa các cơ sở đào tạo vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục trong mùa tuyển sinh năm 2023.
Đối với phương án tuyển sinh từ năm 2025, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, toàn ngành đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới. Các trường ĐH cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông, tạo sự công bằng cho thí sinh trong cơ hội học tập.
“Chúng ta cũng lưu ý không nên quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội. Các cơ sở giáo dục ĐH có tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Bộ GDĐT có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau”, Bộ trưởng cho biết.