Một lần nữa Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất: Thêm 0,75 điểm phần trăm và hiện dao động trong biên độ 3 - 3,25%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 của FED trong năm nay, nhằm kéo giảm chỉ số lạm phát đang ở mức cao nhất 4 thập niên tại Mỹ. “Tôi ước gì có cách để làm việc này mà không đau đớn. Nhưng không có” - Chủ tịch FED, ông Jerrome Powell, nói với báo giới cuối tuần qua.
Quyết định của FED lập tức gây ra chuỗi tác động tài chính toàn cầu. Ông Jerome Powell thừa nhận điều mà nhiều nhà kinh tế đã dự báo trong những tháng qua là "mục tiêu hạ cánh mềm" ngày càng khó xảy ra với kinh tế Mỹ. "Hạ cánh mềm" là tìm cách giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đủ để kiềm chế lạm phát nhưng không quá nhiều để tránh gây suy thoái. Các quan chức FED còn cho rằng sẽ có thêm nhiều đợt tăng quy mô lớn, nâng lãi suất lên khoảng 4,4% vào cuối năm nay. Con số này dự kiến tăng lên mức 4,6% trong năm 2023, đó sẽ là mức cao nhất kể từ năm 2007.
Tiến sĩ Roberto Perli - chuyên gia kinh tế Ngân hàng Đầu tư Piper Sandler (Mỹ), cho rằng dự báo của FED như một sự thừa nhận ngầm về nguy cơ xảy ra suy thoái.
Sau động thái tăng lãi suất tiền gửi của FED, hàng loạt ngân hàng trung ương các nước cũng lập tức điều chỉnh. Ngân hàng trung ương Na Uy đã tăng lãi suất lên 2,25% từ mức 1,75%. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, lần tăng thứ hai trong 15 năm qua. Ả Rập Xê-út và Bahrain đã nâng lãi suất 0,75 điểm % trong khi Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Anh đồng loạt thông báo sẽ “đưa ra mức tăng phù hợp” trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, Philippines và Indonesia cũng nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Theo Reuters, Tổng thống Indonessia, ông Widodo, tuyên bố chính quyền phải hành động gấp vì tỷ lệ lạm phát ở nước này đã tăng lên 4,69%, mức cao nhất trong 7 năm và cao hơn mức mục tiêu của ngân hàng trung ương trong tháng thứ 3 liên tiếp do giá thực phẩm tăng.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, cảnh báo: Sẽ có nhiều người lang thang trên phố nếu chính phủ các nước không hành động để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất khỏi lạm phát.
Giới tài chính nhận định, thế giới đã ở vào cao điểm cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi để quyết tâm “đánh bại lạm phát” dù cái giá phải trả có thể là kinh tế tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Theo tờ The New York Times, ngày càng có nhiều nhà kinh tế và nhà đầu tư lo ngại về sức khỏe kinh tế toàn cầu. Số liệu thống kê cho thấy khoảng 90 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất từ đầu năm đến nay, nhưng lạm phát vẫn tiếp diễn.
Bloomberg dẫn lời các nhà phân tích Quỹ đầu tư BlackRock (Mỹ), cho rằng việc tăng lãi suất tiền gửi với nỗ lực kéo giảm lạm phát đồng nghĩa với việc kinh tế suy thoái và nhiều người mất việc làm. Ông Ethan Harris - chuyên gia của Bank of America (Mỹ) dự báo kinh tế Mỹ cũng như Anh và khu vực đồng euro sẽ rơi vào suy thoái trong quý 4 năm nay nếu như giá năng lượng tăng.
Ngược với xu hướng của hầu hết ngân hàng trên thế giới, thì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đến nay vẫn kiên trì giữ nguyên lãi suất tiền gửi, cho dù lạm phát của nước này trong tháng 8 là 2,8%, mức cao nhất kể từ năm 2014. Sở dĩ như vậy, theo quan điểm của BOJ, việc giá hàng hóa tăng chỉ là tạm thời, nếu “mải mê” chống lạm phát sẽ dẫn tới suy thoái.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, lạm phát của khối này đã lên đến 9,7% trong tháng 8, là mức cao kỷ lục mới và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi tháng 9 kết thúc. Bà Agnès Belaisch - chiến lược gia tại Viện Đầu tư Barings, cho rằng EU có tăng lãi suất lớn thì cũng không thể giải cứu đồng euro, do cuộc suy thoái đã ở ngay phía trước. Cùng lúc, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) dự báo giá đồng euro sẽ giảm xuống còn 0,97 USD và duy trì quanh ngưỡng này trong 6 tháng tới, có nghĩa là giảm tới 8%.
Bà Belaisch còn cho rằng, lạm phát ở các nền kinh tế Bắc Mỹ và châu Âu sẽ còn kéo dài sang những tháng đầu năm 2023. “Chúng ta không thể hy vọng kéo giảm lạm phát bằng cách tăng lãi suất tiền gửi sẽ tránh được suy thoái, vì rằng mức tiêu thụ sẽ giảm xuống. Và khi đó, những vấn đề xã hội sẽ phát sinh. Thực tế cho thấy, lạm phát có thể “dập” được nhanh, nhưng suy thoái lại là bài toán khó giải hơn nhiều. Vì thế, bây giờ chính là lúc cần tỉnh táo để đưa ra những quyết định tài chính cứng rắn và không ngoan” - vị chuyên gia khuyến cáo.
Ngân hàng trung ương Anh (BOE) xác nhận nước này đang bước vào suy thoái. BOE đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,5% lên mức 2,25% để đối phó với lạm phát nghiêm trọng nhất 40 năm qua. Với quyết định này, lãi suất chuẩn của BOE lên mức cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tờ Guardian dẫn thông tin từ cuộc họp của BOE cho biết ngân hàng này đã hạ dự báo tăng trưởng của Anh, dự đoán GDP của nước này sẽ giảm 0,1% trong quý 3 năm nay do tiêu dùng và các hoạt động sản xuất, xây dựng đều suy giảm. Ngoài ra, để đối phó với lạm phát, BOE thông báo sẽ bắt đầu bán 80 tỷ bảng (khoảng 90 tỷ USD) trái phiếu chính phủ Anh.