Nền kinh tế trong nước đang duy trì đà phục hồi mạnh mẽ. Mặc dù vậy theo khuyến cáo từ giới chuyên gia, các cơ quan có thẩm quyền vẫn cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra.
Người tiêu dùng lao đao
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, nền kinh tế tại Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến xung đột kéo dài tại Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tại Việt Nam tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này tương đương tốc độ trước đại dịch. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng vọt từ 51,7% trong tháng 4 lên 54,7% trong tháng 5 mức cao nhất trong 12 tháng qua, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của ngành này.
Tuy nhiên, các chuyên gia của WB cũng cảnh báo, các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra. Các biện pháp hỗ trợ tạm thời nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.
Quả thực, sau 7 lần giá xăng tăng liên tiếp, hiện nay giá xăng đang đứng ở mức kỷ lục với giá 32.870 đồng/lít . Người tiêu dùng cảm thấy khốn khó. Chị Đinh Thu Huyền (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Người dân rất quan tâm đến giá xăng dầu. Khi đi chợ, cứ xăng tăng là hàng hóa rục rịch tăng theo, trong khi thu nhập dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi.
Là người trực tiếp chi tiêu sinh hoạt gia đình mỗi ngày, chị Nguyễn Thanh Tú (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, giá nhiều loại rau xanh và thực phẩm chế biến sẵn như: sữa, mì ăn liền, muối, nước mắm… đều tăng đáng kể trong thời gian qua. “Mỗi thứ tăng một chút và đều vin vào giá xăng dầu tăng nên chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất tăng” - chị Tú nói.
Ghi nhận tại chợ Gia Lâm (Hà Nội) sáng ngày 22/6, nhiều tiểu thương cho biết, giá rau củ quả tăng do ảnh hưởng của thời tiết và do chi phí vận chuyển tăng. Chẳng hạn cà chua tăng từ 18.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg, rau dền, rau muống 12.000 – 15.000 đồng/mớ tăng 5.000 đồng/mớ, cá trắm trắng nguyên con 80.000 đồng/kg tăng 5.000 đồng/kg.
Lạm phát đang tăng nhanh
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022 do nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thực hiện vừa công bố mới đây đã dự báo, lạm phát của Việt Nam năm 2022 dự kiến nằm trong khoảng 4 - 4,5%.
Các yếu tố đang tác động mạnh đến chuỗi cung ứng như thiếu hụt nguồn cung, tổng cầu tăng đột biến; thiếu hụt lao động; giá xăng dầu, giá điện dự báo tăng do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng trong thời gian tới; giá lương thực tăng theo giá thế giới do đứt gãy chuỗi cung ứng; nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng và tăng lương tối thiểu vùng...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, ngoài những yếu tố khách quan đang tác động tiêu cực lên công tác kiểm soát lạm phát thì một điều khá may mắn là nước ta đã tự chủ được mặt hàng lương thực, thực phẩm - mặt hàng chiếm tới 40% tổng lượng hàng hóa.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, hiện nay sản xuất kinh doanh dịch vụ ở Việt Nam còn phụ thuộc khá lớn vào năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu của các nước khác, đặc biệt là các ngành như điện tử, dệt may, da giày… Điều này gây bất lợi cho nền kinh tế khi giá nguyên liệu tăng lên.
Cần phải khắc phục những khó khăn ở trên bằng cách từng bước chủ động dự trữ năng lượng, tìm kiếm những nguyên vật liệu, phụ liệu ở trong nước cũng như ở các nước khác để tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia.
Bên cạnh đó ông Phú cũng cho rằng, yếu tố thứ hai cần quan tâm đến là cầu tiêu dùng. Sau một thời gian bị giãn cách, cầu tiêu dùng bị nén lại, nay được “bung ra” một cách mạnh mẽ hơn làm cho nhu cầu mua sắm, du lịch, dịch vụ phát triển nhanh chóng với số lượng lớn hơn và chu kỳ mua sắm tăng lên bù đắp những thiếu hụt trong thời gian có dịch, từ đó tạo ra sức ép lạm phát ngay từ đầu năm mà cụ thể là áp lực tăng do mua sắm, du lịch.
Yếu tố thứ ba khi nói đến lạm phát không thể không nói đến là vai trò của hệ thống phân phối quốc gia. Theo ông Phú, kinh nghiệm trong 2 năm chống dịch, một khi chợ (kể cả chợ đầu mối, siêu thị) bị tạm thời đóng cửa với số lượng lớn thì việc đảm bảo tiêu thụ hàng hóa bị gián đoạn là rất quan trọng, nhất là hàng nông sản không có người thu hoạch và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Ở các kênh bán lẻ, hàng hóa bị thiếu hụt, gây ra những hiện tượng đầu cơ, nâng giá làm cho giá hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng lẻ tăng gấp 3-4 lần, gây tâm lý bất ổn cho thị trường về giá cả và túi tiền của người tiêu dùng bị xâm hại một cách vô lý.
“Chính vì vậy, cần phải tiếp tục củng cố hệ thống phân phối nội địa vững chắc bao gồm việc thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa công khai, minh bạch, kiên quyết xử lý những hiện tượng thao túng ở khâu bán lẻ của một số thương hiệu có thế mạnh làm cho giá cả”- ông Phú nhấn mạnh.