Sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc hiện nay ở nhiều trường chiếm tới trên 90% mỗi khóa trong khi những năm trước đây, phần lớn là bằng tốt nghiệp trung bình. Câu hỏi đặt ra là phải chăng sinh viên ngày nay giỏi hơn trước?
Tỷ lệ sinh viên khá, giỏi áp đảo
Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế vừa tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng ĐH hệ chính quy đợt 1 cho 417 sinh viên (SV) khóa học 2019-2023. Trong đó, có 55 SV xếp loại xuất sắc, chiếm tỷ lệ 13,2%; 208 SV đạt loại giỏi, chiếm tỷ lệ 49,9%; 150 SV xếp loại khá chiếm tỷ lệ 36% và chỉ có 4 SV xếp loại trung bình, chiếm tỷ lệ 1%. Như vậy, tổng số SV tốt nghiệp đạt loại xuất sắc và giỏi chiếm 63,1% trên tổng số SV tốt nghiệp đợt này.
Trước đó, Trường ĐH Kinh tế quốc dân công nhận và trao bằng tốt nghiệp cho 4.577 tân cử nhân trong đó, 1.192 em tốt nghiệp loại xuất sắc (chiếm 26,04%), 1.925 em loại giỏi (42,06%), 1.376 SV loại khá (30,06%).
Trong đợt tốt nghiệp tháng 1/2023, trong số 2.079 SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, có 24 SV tốt nghiệp loại trung bình, chiếm 1,15% còn lại là SV tốt nghiệp khá, giỏi và xuất sắc.
Trường ĐH Lao động - Xã hội thông tin, năm học 2022 - 2023 có 1.076 tân cử nhân đại học chính quy trong đó có 3 SV xếp hạng tốt nghiệp xuất sắc (chiếm 0,28%), 127 SV xếp hạng tốt nghiệp giỏi (chiếm 11,8%); 869 SV xếp hạng tốt nghiệp khá (chiếm 80,76%) và 77 SV xếp hạng tốt nghiệp trung bình (7,16%).
Trước tình trạng lạm phát bằng tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc hiện nay, câu hỏi đặt ra, liệu có hay không việc các trường đang dễ dãi trong đào tạo, đánh giá SV?
Cần siết chuẩn đầu ra
Lý giải về việc những khóa gần đây số lượng SV tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc tăng lên, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, do Quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh tự chủ hơn, thí sinh có quyền chọn lớn hơn nên trường tuyển được nhiều SV đúng nguyện vọng, chất lượng đầu vào cao hơn. Bên cạnh đó, việc chuyển hạng tốt nghiệp từ thang 10 sang thang 4 làm cho tỷ lệ SV tốt nghiệp hạng xuất sắc và giỏi tăng lên.
Đại diện Trường ĐH Ngân hàng TPHCM chỉ ra sự khác biệt giữa cách đào tạo và đánh giá hiện nay đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Cụ thể, thay vì đánh giá một lần vào kỳ thi cuối kỳ, nay SV có 2 lần đánh giá giữa và cuối kỳ. Ngoài ra, SV được phép học cải thiện để có thể nâng điểm của môn học.
Chia sẻ về lý do rất ít SV tốt nghiệp trung bình, ông Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo của Học viện Tài chính cho biết, khóa 2019 - 2023 có hơn 4.500 SV nhập học. Kết thúc khóa học, số SV theo học là 4.416 em. Trong đó, có 3.729 SV đủ điều kiện tốt nghiệp (chiếm 84,44%) và còn 687 em chưa đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp (chiếm 15,56%). Trong số SV đủ điều kiện tốt nghiệp, có 281 em đạt loại xuất sắc (chiếm 7.54%); 1.435 em đạt loại giỏi (chiếm 38,48%), 1.997 em đạt loại khá (chiếm 53,55%) và 16 em đạt loại trung bình (chiếm 0,43%).
Là một trong số 913 SV tốt nghiệp năm học 2022 - 2023 của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, tân cử nhân Nguyễn Mai Hương cho biết, với tấm bằng loại khá, cơ hội tìm việc làm của em cũng không quá rộng mở vì phải cạnh tranh với nhiều ứng viên khác hoặc sở hữu bằng tốt nghiệp đạt loại xuất sắc, giỏi hoặc đã có kinh nghiệm.
Bà Mai Thu Trang - phụ trách mảng nhân sự của một công ty chuyên về công nghệ thông tin ở Hà Nội cho biết, 3 năm trở lại đây, ứng viên nộp hồ sơ vào công ty phần lớn đều có bằng tốt nghiệp đạt từ khá trở lên, chưa có trường hợp nào đạt trung bình. Tuy nhiên, tới vòng phỏng vấn, nhiều ứng viên được hỏi trực tiếp lại rất lơ mơ về kiến thức chuyên môn sơ đẳng, chưa nói đến những kỹ năng khác như làm việc nhóm, thuyết trình… cũng yếu.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: Tình trạng lạm phát học sinh giỏi nhiều năm qua đã lan rộng từ bậc phổ thông lên ĐH. Trước đây SV tốt nghiệp loại trung bình là phổ biến thì nay trở thành “hiếm”, có trường chỉ chiếm hơn 1% trong tổng số SV tốt nghiệp mỗi khóa.
“Nhiều SV giỏi, xuất sắc hơn nhưng không có nghĩa là SV ngày nay giỏi hơn. Với những trường có đầu vào chọn lọc, điểm chuẩn cao vượt trội đến khi tốt nghiệp có tỷ lệ này cao có thể lý giải nhưng nếu đầu vào trung bình nhưng đầu ra lại quá nhiều xuất sắc thì phải xem lại cách thức đánh giá, tính điểm” - TS Lê Viết Khuyến nhìn nhận.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, cần phải siết chuẩn đầu ra để việc đánh giá đúng thực chất để sinh viên không bị ảo tưởng về năng lực hoặc phải khoác trên mình chiếc áo quá rộng. Từ đó dẫn đến việc nhiều em khi gia nhập thị trường lao động nhưng "không biết mình là ai" hoặc ngược lại tự tin, chán nản về năng lực của bản thân.