Làm sao để giữ chân người giỏi?

M.Loan-H.Vũ 04/11/2022 08:02

Hôm nay (4/11), Quốc hội bước vào ngày chất vấn thứ 2 và theo như dự kiến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ đăng đàn trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội những vấn đề nóng mà cử tri, nhân dân và Đại biểu Quốc hội băn khoăn bấy lâu.

Thời gian qua, tình trạng cán bộ, công chức viên chức nghỉ việc, đặc biệt là ngành giáo dục và y tế chủ yếu do những khó khăn trong môi trường làm việc, hay chính sách tiền lương chưa thỏa đáng... Ảnh: Quang Vinh.

Người làm công ăn lương vẫn nghèo

Cho rằng, đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Bình Thuận) đồng thời nêu vấn đề: Kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm, nổi lên tình trạng cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm do sợ sai, sợ bị xử lý. Một số lượng khá lớn cán bộ, công chức, viên chức thì nghỉ việc và chuyển sang khu vực tư. Bà Linh cho rằng, vấn đề lớn như vậy, Chính phủ mà cụ thể là Bộ Nội vụ cần phải phân tích đầy đủ và làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, trên cơ sở đó nhìn nhận thấu đáo các vấn đề phát sinh để từ đó rút ra những kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hữu hiệu trong chỉ đạo, điều hành, quản lý.

Còn theo đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam), tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chắc chắn nhiều đại biểu sẽ quan tâm đến các vấn đề như thừa - thiếu giáo viên, công chức bỏ việc… Chung quan điểm, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) cho biết: “Chúng ta đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trong đó có nhiều môn học mới nhưng chưa được bố trí đội ngũ giáo viên. Đồng thời, số lượng nhà giáo bị thiếu hụt do nghỉ việc, chuyển việc sau đại dịch Covid-19 đã làm tăng áp lực đối với nhiều địa phương, trong đó đặc biệt là giáo viên mầm non. Qua khảo sát tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non tại địa phương cho thấy rất khó tuyển giáo viên ở một số vị trí dạy các môn mới trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và giáo viên mầm non”. Nêu nguyên nhân, bà Ánh cho hay, do áp lực công việc ngày càng lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn của nhà giáo ngày càng cao, nhưng chính sách tiền lương lại chưa tương xứng, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, không giữ chân được người tài giỏi trong lĩnh vực giáo dục.

Lương, hay nói rộng ra, chính sách cho đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế nói riêng và công chức, viên chức nói chung là vấn đề dư luận xã hội hết sức quan tâm hiện nay. Và các đại biểu Quốc hội cũng chung mối quan tâm này. Trong các nội dung sẽ được chất vấn tại kỳ họp này, đại biểu Tạ Văn Hạ cho biết, ông đặc biệt quan tâm đến các chính sách cho đội ngũ công chức, viên chức, tình trạng công chức, viên chức bỏ việc, chính sách cho đội ngũ cấp xã, đặc biệt là những công chức kiêm nhiệm “phải làm rất nhiều việc, nhưng lại là con nuôi chứ không phải con đẻ”.

Áp lực công việc lớn trong khi tiền lương nhận về chưa tương xứng khiến nhiều công chức, viên chức ngành y “nhảy” việc.

Chính sách đãi ngộ phải khác trước

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) bày tỏ mong muốn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ phân tích rõ nguyên nhân sâu xa và thực chất dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong thời gian vừa qua. Qua đó, tìm giải pháp căn cơ để phát huy cho được nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết tình trạng cán bộ, công chức viên chức nghỉ việc do những khó khăn trong môi trường làm việc, hay chính sách tiền lương chưa thỏa đáng, để khuyến khích giữ người tài ở lại khu vực công.

Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, một vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua chính là việc tinh giản biên chế, phân bổ chỉ tiêu biên chế. Thực tế hiện nay đang có sự cào bằng, tinh giản biên chế mang tính cơ học, gây ra nhiều bất bình và cũng khiến bộ máy hoạt động chưa hiệu quả. Nhiều nơi thừa nhân lực nhưng không thể giảm biên chế, có những nơi thiếu cán bộ nhưng lại không thể bổ sung.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Quốc hội Trần Đức Thuận (Đoàn Nghệ An) cho rằng: “Nhiều cử tri cũng như các đại biểu rất quan tâm đến việc thực hiện tăng lương cơ sở, nếu tăng đúng thời điểm sẽ kiềm chế được lạm phát cũng như cải thiện được đời sống người lao động. Việc tăng lương cần tính toán phù hợp để đạt được cả 2 mục tiêu trên”.

Cho biết, sẽ nhấn nút để chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề công chức viên chức bỏ việc, nghỉ việc, đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) mong muốn Bộ trưởng Nội vụ sẽ có câu trả lời thỏa đáng cho câu chuyện này cũng như trách nhiệm của ngành nội vụ, của Chính phủ trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao.

“Nhân lực là trụ cột, vì thế câu chuyện công chức nghỉ việc không thể nói một cách đơn thuần chỉ là sự chuyển dịch, mà cần phân tích rõ cơ cấu, tính chất của câu chuyện đó, vì sao họ phải rời đi… và vấn đề gì cần phải khắc phục, đó là trách nhiệm của ngành nội vụ. Chứ không chỉ đơn giản là thống kê số lượng chuyển đi là bao nhiêu, tuyển vào bao nhiêu để thay thế” - ông Nghĩa nêu rõ.

Các đại biểu Quốc hội hy vọng, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng như các bộ trưởng sẽ đi trực diện vào vấn đề, rõ ràng, đầy đủ các nội dung mà đại biểu và cử tri quan tâm. Bên cạnh đó, theo các đại biểu, đây cũng là cơ hội tốt để bộ trưởng giãi bày về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh):

Dịch chuyển lao động - vừa mừng, vừa lo

Đầu tư cho con người chính là đầu tư cho phát triển. Thời gian qua, gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc, bỏ việc, dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, đây là điều bình thường theo quy luật kinh tế thị trường và quy luật giá trị, nhưng lại là điều bất thường khi nó xảy ra trong một thời gian ngắn, khiến chúng ta vừa mừng vừa lo. Mừng vì khu vực tư đang tăng trưởng tốt sẽ góp phần thúc đẩy phát triển đất nước nhanh hơn. Nhưng cũng đáng lo vì đây là hồi chuông cảnh báo về chủ trương, chính sách đầu tư cho con người ở khu vực công không còn đủ sức hấp dẫn để giữ chân họ. Nếu không kịp thời quan tâm, cải thiện thì sự chuyển dịch này sẽ ngày càng nhiều hơn. Khi đó, khu vực công sẽ không còn là khu vực giữ vai trò chủ đạo, định hướng, dẫn dắt, quản trị và phát triển xã hội và khi ấy, khu vực công cũng sẽ không còn đủ sức để đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho khu vực tư trong quá trình phát triển.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An):

Nâng cao chế độ đãi ngộ với công chức, viên chức

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần bảo đảm chất lượng hoạch định và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phần lớn các quốc gia phát triển đều có một đội ngũ công chức kỹ trị, thạo việc trong hệ thống công vụ.

Thời gian vừa qua, ngành nội vụ cũng đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đã thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm tính khách quan, minh bạch; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với các hình thức khác nhau để nâng cao kiến thức, kỹ năng của các đối tượng này.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì ngành nội vụ cần phải tiếp tục nghiên cứu, có các giải pháp mang tính đột phá. Trước hết là cần phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm với các tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, để đảm bảo tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đúng người, đúng việc. Chẳng hạn, để giải quyết được vấn nạn tắc đường ở đô thị thì cần có những người giỏi về việc tổ chức hệ thống giao thông đô thị; công việc quy hoạch phát triển đô thị phải do những người giỏi nhất, được đào tạo kỹ lưỡng về công tác quy hoạch đô thị thực hiện…

Giải pháp thứ hai là cần nâng cao chế độ đãi ngộ với cán bộ, công chức, viên chức. Không thể có một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa có chất lượng, vừa có tâm cống hiến mà không đi kèm chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Nếu cán bộ, công chức, viên chức vận hành hệ thống công vụ tốt, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, lương của khu vực tư nhân tăng lên thì chế độ đãi ngộ của cán bộ công chức, viên chức cũng tăng lên, hoặc ngược lại. Tiếp theo, việc đào tạo, bồi dưỡng cần phải thực chất hơn, tập trung vào những nội dung cần thiết đối với cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện công vụ, theo kiểu đào tạo tại chỗ, qua công việc; chẳng hạn như kỹ năng phân tích, hoạch định và thực thi chính sách, thái độ phục vụ người dân… Và cuối cùng nhưng rất quan trọng, đó là cần phải có giải pháp để nâng cao nhận thức của xã hội về “nghề” công chức, để mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều cảm thấy tự hào khi được cống hiến cho hoạt động công vụ, phục vụ người dân.

M.Loan-V.Thắng(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm sao để giữ chân người giỏi?