Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và dinh dưỡng cho bữa ăn bán trú, cần tăng cường giám sát tất cả các khâu với sự tham gia của các bên liên quan từ nhà trường, cơ quan chức năng đến phụ huynh.
Một bữa ăn, muôn vàn nỗi lo
Sau bữa ăn bán trú hôm 13/10, một số học sinh Trường tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) bị đau bụng, sốt, đi khám được chẩn đoán nhiễm khuẩn đường ruột. Vì sau đó là thứ 7 và Chủ nhật, học sinh không ăn bán trú ở trường nên chưa xác định được học sinh đau bụng có liên quan đến thực phẩm tại bữa ăn bán trú trưa 13/10 hay không. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, quận Ba Đình yêu cầu khử khuẩn hơn 60 trường học trên địa bàn đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn việc sử dụng thực phẩm không an toàn; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Mới đây phụ huynh Trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) phản ánh suất ăn bán trú của con em mình có giá 32.000 đồng nhưng lèo tèo thức ăn. Đại diện công ty cung cấp suất ăn sau đó đã giải trình việc một số khay ít thức ăn trong ngày 11 - 12/10 như phản ánh của phụ huynh là do người chia suất ăn chia chưa đồng đều. Đơn vị này thừa nhận thiếu 3,5 kg thực phẩm so với định lượng thực phẩm được công bố cho 500 suất ăn.
Phụ huynh Trường mầm non Phước Long B (TP Thủ Đức, TPHCM) phản ánh mức giá thực phẩm nhà trường công khai “quá đắt so với cùng mặt hàng này tại siêu thị”. Đơn cử, trong bảng kê thực phẩm bữa trưa của trường ngày 2/10, dưa hấu không hạt giá 58.900 đồng/kg, thịt nạc dăm giá 219.800 đồng/kg, mì trứng Safoco giá 115.800 đồng/kg. Khi so sánh giá này với một số siêu thị lớn trên cùng địa bàn cho thấy sự chênh lệch đáng kể. Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức yêu cầu nhà trường rà soát giá nhập thực phẩm, so sánh với một số trường khác trên địa bàn và nhận thấy mức giá thực phẩm của đơn vị cung cấp chưa phù hợp, đề nghị nhà trường đổi nhà cung cấp.
Cũng tại TP Thủ Đức, Trường tiểu học Phú Hữu tạm dừng ăn bán trú từ ngày 27/10 vì phụ huynh phát hiện thịt gà lên màu đen, ôi thiu trong tủ đông. Mặc dù lúc đó nhà bếp cho biết phần thịt gà này là đồ bỏ, không phải thực phẩm nấu cho trẻ nhưng phụ huynh không chấp nhận, “đã hư hỏng sao không bỏ đi lại để chung với thực phẩm khác cũng không đảm bảo ATVSTP”.
Nhà trường không vô can, phụ huynh không làm ngơ
Một đặc điểm chung trong những vụ việc liên quan đến vi phạm về chất lượng, an toàn của bữa ăn bán trú là đều do phụ huynh phản ánh trong khi rất hiếm vụ việc do cán bộ nhà trường giám sát bữa ăn chỉ ra. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng cho phép phụ huynh tham gia giám sát bữa ăn bán trú hằng ngày hay đột xuất mà thường phải báo trước mới được kiểm tra.
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh, bữa ăn học đường là bữa ăn chính, cung cấp 40% giá trị dinh dưỡng trong ngày, giúp trẻ khỏe mạnh để học tập cả ngày. Buông lỏng chất lượng bữa ăn học đường sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Nhà trường, phụ huynh cần phát huy quyền và trách nhiệm trong việc giám sát chất lượng bữa ăn. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và giáo dục.
Cụ thể, ban giám hiệu nhà trường cần nêu cao trách nhiệm, kiểm soát kỹ các vấn đề ATVSTP cũng như chất lượng các bữa ăn của học sinh. Bên cạnh đó cần có tiêu chí chặt chẽ đối với các đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh do điều kiện hiện nay của hầu hết các trường không thể tự tổ chức bếp ăn.
Phụ huynh cũng không thể phó mặc cho nhà trường trong việc giám sát bữa ăn mà phải chung tay, sát sao mỗi ngày với bếp ăn để đảm bảo quyền lợi của con em mình. Việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh trước hết là tạo thuận lợi cho các gia đình không có điều kiện đưa đón con buổi trưa, là nguyện vọng của phụ huynh, không phải của nhà trường.
Chị Thu Hà có con đang học tiểu học ở Hà Nội cho rằng, một trường thường tổ chức bữa ăn bán trú cho vài trăm học sinh một ngày. Nếu mỗi phụ huynh luân phiên nhau đến bếp ăn để cùng nhà trường giám sát bữa ăn sẽ hạn chế được tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, suất ăn không đủ định lượng theo đăng ký. Chỉ trông chờ vào ban đại diện cha mẹ học sinh vài chục người thì sẽ rất khó để trông chừng hằng ngày.