Chị gái của bà Nguyễn Anh Thư (tỉnh Thanh Hóa) là công nhân, muốn xin nghỉ việc không hưởng lương 3 tháng cuối mang thai. Vậy trong 3 tháng này, chị của bà có phải đóng BHYT không? Nếu đóng BHYT tự nguyện thì có được sử dụng ở quê không?...
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH, Khoản 2 Điều 3 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng không tham gia BHXH, BHYT tháng đó.
Để thẻ BHYT có giá trị liên tục, đảm bảo quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh BHYT, chị của bà tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Để tham gia BHYT hộ gia đình, chị của bà đến Đại lý thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH nơi gần nhất cung cấp thông tin thẻ BHYT cũ (mã số BHXH) đóng tiền để cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT cho người tham gia theo quy định.
Mức đóng thực hiện theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 7 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT:
Người thứ nhất đóng bằng 45% mức lương cơ sở;
Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất.
Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Việc giảm trừ mức đóng BHYT được thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.