Làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên mới đây, về vấn đề đầu tư phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chúng ta đang nói về một môi trường kinh doanh năng động và cởi mở trong việc lôi kéo “đại bàng” (doanh nghiệp lớn) về làm tổ. Tuy nhiên, không nên chỉ chú trọng “đại bàng” mà trước hết cần có những hình dung hết sức rõ ràng về “những chiếc tổ”.
Nói cách khác, muốn đại bàng về thì phải có tổ cho nó. Mà những chiếc tổ ấy tự chúng ta phải xây dựng với một chiến lược rất rõ ràng.
Thực tế cho thấy mức độ đầu tư mà các địa phương nhận được là khá khác nhau. Tới nay có địa phương đã phải chọn lựa các dự án, nhưng cũng không ít địa phương “trải thảm đỏ”, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quảng bá để thu hút đầu tư nhưng kết quả thu được vẫn rất khiêm tốn. Vì sao vậy?
Trước hết, rất rõ ràng là địa phương nào có lợi thế nhiều mặt (đô thị lớn, kết nối giao thông, kết cấu hạ tầng khá, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, chính sách ưu đãi…) thì “đại bàng” về nhiều. Nhiều năm qua, các dự án đầu tư lớn vào Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh là vậy. Các địa phương này tự nhiên đã là “bến đỗ” của những dòng vốn khi mà nhà đầu tư biết chắc chắn rằng đồng tiền của họ sẽ nhanh chóng sinh lời và tỉ lệ lợi nhuận thu được sẽ cao.
Vì thế, với những địa phương ít lợi thế thì phải tạo ra lợi thế, có nghĩa là phải “xây tổ” để mời gọi “đại bàng” về với mình.
Nhưng cũng thật đáng tiếc là trong nhiều trường hợp các nhà lãnh đạo địa phương đã không thực sự chú tâm đến việc “xây tổ”, mà chỉ hướng tới việc quảng bá, xúc tiến đầu tư mang tính hình thức trong khi điều kiện thực tế để nhà đầu tư thấy rằng mình đến đó sẽ giảm được nhiều chi phí và nhanh chóng tổ chức được sản xuất kinh doanh, thì chưa thấy đâu.
Dần dà theo thời gian, người ta thấy rằng nếu chỉ dựa vào lợi thế tự nhiên chưa hẳn đã thành công. Mà xét cho cùng những địa phương có lợi thế ấy thì nay cũng đã có nhiều dự án đầu tư rồi. Vậy thì không thể cứ tự hào “thiên nhiên ưu đãi” để rồi ngồi đó yên tâm người ta sẽ tự khắc tìm đến. Nếu vẫn giữ lối tư duy có phần tự phụ ấy thì khác nào anh chàng Đại Lãn trong chuyện dân gian xưa nằm dưới gốc cây sung há miệng ra đợi quả chín rơi vào. Lười biếng đã đành nhưng suy cho cùng thì cũng chỉ là cách cầu may được chăng hay chớ. Điều đó “xưa” rồi, vì thiên hạ ngày càng khôn, không ai dại gì đổ tiền vào một nơi trống hơ trống hoác, phải đầu tư rất nhiều, tốn rất nhiều thời gian vừa đọng vốn lại vừa để các cơ hội cứ thế trôi qua.
Trở lại với câu chuyện Phú Yên. Tỉnh này nằm trong vùng ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ thì Phú Yên rất có điều kiện trong việc xây dựng tuyến đường sắt lên Tây Nguyên, để phối hợp với đường bộ, đường hàng không trở thành đầu mối giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây. Phú Yên còn có lợi thế với bờ biển dài gần 200 km, có nhiều vịnh, bãi, vũng, đầm phá, ghềnh còn mang vẻ đẹp hoang sơ, là tiềm năng rất lớn cho du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái cũng như phát triển nuôi trồng thủy sản xuất khẩu.
Ấy vậy nhưng Phú Yên vẫn như “người đẹp ngủ quên” khi mà chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 cũng chỉ đạt 64,14 điểm, ở vị trí khiêm tốn là xếp thứ 43 cả nước.
Câu chuyện của Phú Yên cũng là chuyện chung của nhiều địa phương, khi mà lợi thế thì có nhưng phát huy nó ra sao, làm cách gì để thu hút đầu tư thì vẫn chỉ ở mức độ nhất định. Việc hoàn thiện hạ tầng cơ sở để thu hút đầu tư đòi hỏi phải có tư duy đột phá, đón đầu, có tầm nhìn chiến lược dài hơi chứ không phải là “tư duy nhiệm kỳ”. Nói dễ hiểu thì anh phải bỏ công bỏ của ra “xây tổ” trước thì “đại bàng” mới bay về. Dễ hiểu là thế nhưng không phải ai cũng thông, cũng mạnh dạn làm vì rằng trước mắt chưa thấy lời lãi đâu mà chỉ thấy phải bỏ tiền ra.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng với các địa phương còn nghèo thì việc “xây tổ” không dễ dàng gì. Muốn có được nền tảng tốt để thu hút đầu tư thì cùng với việc xã hội hóa, tăng cường kinh tế tư nhân… cũng rất cần nhận được sự đầu tư tập trung của Nhà nước. Ưu tiên cho những nơi còn khó khăn để tiềm năng và lợi thế có điều kiện phát huy chính là chính sách mang tính chiến lược cả về kinh tế lẫn xã hội. Vì rằng, nếu không được đầu tư mạnh thì nghèo vẫn hoàn nghèo trong khi các địa phương giàu có khác ngày một giàu có hơn, cũng đồng nghĩa với việc khoảng cách giàu - nghèo tiếp tục bị kéo giãn.
Vài chục năm trước, khi còn là nền kinh tế nông nghiệp, Phú Yên là tỉnh khá giả. Nhưng chuyển mình sang giai đoạn công nghiệp hóa thì sự bắt nhịp chưa được như kỳ vọng. Hy vọng rằng với việc đầu tư mạnh mẽ và tầm nhìn chiến lược Phú Yên sẽ trở thành một cực tăng trưởng mạnh mẽ của duyên hải Nam Trung bộ trong sự kết nối với Tây Nguyên trù phú. “Đại bàng” về đây và ở lại đây chứ không chỉ là nghiêng cánh bay qua…