Tuyến đường N2 đi từ Quốc lộ 32 về đê sông Hồng chạy dọc mương Đan Hoài ở huyện Đan Phượng với mặt cắt ngang 15m, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ôtô cấp 3. Nhờ không gian rộng rãi và trong lành, tuyến đường này thu hút rất nhiều người dân địa phương tập thể dục trên vỉa hè. Tuy nhiên, hệ thống lan can bờ kênh mương Đan Hoài có một số đoạn bị xuống cấp và sạt lở từ nhiều năm qua nhưng chưa được sửa chữa, gây mất an toàn giao thông. Hệ thống kênh mương Đan Hoài chạy qua 5 xã thuộc huyện Đan Phượng (TP Hà Nội) với tổng chiều dài 5,8 km. Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết Online, đoạn kênh Đan Hoài qua địa bàn xã Hạ Mỗ đã bị xuống cấp, hư hỏng. Có khoảng 20 vị trí hư hỏng, trong đó 10 đoạn lan can bị đứt gãy, đổ xuống lòng mương. Một số đoạn lan can bị hư hỏng, đơn vị chức năng chỉ tạm thời che chắn bằng các tấm lợp tôn, hoặc gia cố bằng những thanh sắt. Hình ảnh bờ lan can bị sụt lún, nứt gãy phải gia cố thêm hàng rào sắt phía bên ngoài. Ông Nguyễn Văn Quang (70 tuổi, ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng) cho biết, hàng ngày có rất đông người dân đến đây tập thể dục, nhưng khi trời vừa nhá nhem tối, do lan can hỏng không ai dám đi qua đây vì sợ ngã xuống kênh. “Ở đây, các hệ thống chiếu sáng trên đường gần như không được bật thường xuyên. Ngoài ra, lan can đã hư hỏng nặng, nhiều điểm còn có những thanh sắt nhô lên khỏi mặt vỉa hè gây mất an toàn cho người dân”, ông Quang nói. Theo ông Quang, hệ thống kênh mương Đan Hoài chạy qua đoạn Hạ Mộ đã bị xuống cấp khoảng 7 năm trở lại đây. Ngoài hệ thống lan can bị sạt lở, nhiều cọc tiêu cũng bị đứt xích, bật gốc. Một số cây cầu bị xuống cấp, không có lan can, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Tương tự, bà Uông Thị Hà (51 tuổi, ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng) cho biết, đường mương này có vài đoạn bị sạt lở từ lâu, tiềm ẩn nguy hiểm cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ khi đi qua đây. “Nhà tôi có hai đứa con nhỏ, đứa học lớn 3 và đứa học lớp 5. Tôi thường xuyên phải nhắc nhở không được ra khu vực bờ kè kênh Đan Hoài để chơi", bà Hà cho hay. Một số đoạn bờ kênh còn đang bị người dân lấn chiếm để dựng chòi và các thiết bị phục vụ cho việc xây dựng. Đại diện Công ty Thủy lợi sông Đáy cho biết, công ty vẫn cho nhân viên đi kiểm tra hệ thống kênh mương thường xuyên. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lan can bờ kênh và mái kênh sạt lở là do công trình kênh chính Đan Hoài đã đưa vào sử dụng từ lâu, tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến nhiều xe trọng tải lớn đi lại gây rung lắc làm ảnh hưởng đến công trình. "Phần lan can bờ kênh, vỉa hè thuộc trách nhiệm quản lý của UBND huyện Đan Phượng. Công ty chủ yếu chịu trách nhiệm quản lý, sửa chữa phần mái kênh", đại diện lãnh đạo Công ty Thủy lợi sông Đáy nói. Cũng theo vị đại diện này, do địa bàn quản lý rộng trong khi kinh phí eo hẹp nên công ty phải ưu tiên những nhiệm vụ cấp bách hơn. Đối với những khu vực hư hại xa khu dân cư, không ảnh hưởng lớn đến giao thông và phục vụ sản xuất nông nghiệp, công ty sẽ tìm cách khắc phục tạm thời. Các lan can đã gãy, đổ được gia cố bằng các tấm tôn kèm theo tờ cảnh báo nguy hiểm khu vực có nguy cơ sạt lở. Nhiều cọc tiêu bằng sắt được nhồi thêm bê tông cũng đang bị hư hỏng.