Lần đầu tiên rao bán một bức họa không phải được vẽ bằng xúc cảm của họa sĩ mà bằng những thuật toán được lập trình.
Bức tranh chân dung khắc họa một người đàn ông có tên Edmond De Belamy.
Nhà đấu giá Christie - một trong những nhà đấu giá lớn hàng đầu thế giới - đã vừa chào bán một bức tranh được vẽ bởi trí tuệ nhân tạo. Đây là lần đầu tiên Christie thực hiện điều này: chào bán một bức họa không phải được vẽ bằng xúc cảm của họa sĩ mà bằng những thuật toán được lập trình.
Vào tháng 10 này, Christie sẽ mở cuộc đấu giá tại New York (Mỹ), trong đó có một bức tranh chân dung khắc họa một người đàn ông có tên Edmond De Belamy, đây là một trong 11 bức chân dung khắc họa những thành viên trong gia đình Belamy.
Người đàn ông có tên Edmond được khắc họa trong bộ trang phục gồm áo khoác đen và áo sơ mi trắng, gương mặt của ông Edmond được khắc họa một cách mơ hồ. Bức tranh thậm chí gợi cảm giác cho người xem rằng dường như nó chưa được tác giả hoàn tất.
Loạt tranh chân dung của gia đình Belamy.
Sự thật là người đàn ông có tên Edmond không tồn tại, cả gia đình Belamy cũng vậy, đó là những con người giả tưởng. Những bức chân dung khắc họa các thành viên trong gia đình Belamy cũng không phải được họa sĩ thực hiện mà là bởi trí tuệ nhân tạo.
Khi bức tranh này được đem ra đấu giá, nhà đấu giá Christie sẽ trở thành nhà đấu giá đầu tiên rao bán một tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bởi trí tuệ nhân tạo. Sự kiện này được xem là một dấu mốc đánh dấu sự gia nhập của công nghệ hiện đại vào một lĩnh vực vốn được đặc trưng bởi sức sáng tạo của con người.
Những bức chân dung khắc họa gia đình Belamy được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu có tên Obvious, họ nhập vào trong kho dữ liệu của trí tuệ nhân tạo khoảng 15.000 bức chân dung được các họa sĩ thực hiện từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20, để từ đó hệ thống sẽ thực hiện các thuật toán và tạo ra những hình ảnh chân dung của riêng mình.
Chân dung hai thành viên trong gia đình Belamy
Hiện tại, mức giá được kỳ vọng dành cho bức chân dung của Edmond De Belamy nằm trong khoảng từ 7.000 - 10.000 euro. Số tiền bán tranh sẽ được nhóm nghiên cứu tái đầu tư vào việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.
Bức tranh chân dung không được ký bằng tên họa sĩ như thường thấy mà bằng một phương trình toán học. Nhóm nghiên cứu chia sẻ rằng trí tuệ nhân tạo sẽ không thể thay thế con người trong sáng tạo nghệ thuật nhưng với công nghệ ngày càng hiện đại, trí tuệ nhân tạo sẽ có thể trở thành công cụ mới đắc lực để tối ưu hóa năng lực sáng tạo của con người.