Từ ngày 25 đến 27/11, 299 người Mặt trận ở cơ sở là đại biểu ưu tú lại trở về, hội tụ trong ngôi nhà Mặt trận tại Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017- 2022. Họ là những người ngày đêm lăn lộn với phong trào, hết lòng tận tụy với nhân dân. Đây là những nhân tố góp phần quan trọng trong việc hiện thực hoá sứ mệnh gìn giữ và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc của MTTQ Việt Nam.
Vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở
Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam nay là MTTQ Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
92 năm đã trôi qua, gần một thế kỷ vinh quang của MTTQ Việt Nam. Kể từ ngày đó đến nay, ở bất kỳ giai đoạn nào, MTTQ Việt Nam luôn thể hiện tốt vai trò, vị trí của mình, luôn trung thành với nhiệm vụ tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần và lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để hoàn thành các mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Để hiện thực hóa được những mục tiêu cao cả ấy, phải kể đến vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở. “Cán bộ cơ sở thở không ra hơi, bơi không hết việc” là một câu nói vui mà ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa và xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam thường chia sẻ trong mỗi kỳ cuộc của Mặt trận để nói về những vất vả, gian lao của cán bộ cơ sở ở khu dân cư, trong đó có người Mặt trận khi việc gì cũng đến tay, việc gì cũng có mặt.
Việc của Mặt trận ở khu dân cư tính ra có tới hàng chục đầu việc, từ việc chia buồn, hòa giải cho đến giám sát. Công việc của người làm Mặt trận khi về tới khu dân cư là trao đổi bàn bạc chứ không phải bằng phương pháp cấp trên làm việc với cấp dưới. Vì thế phải là người đủ đức tài, đến với dân, biết thuyết phục và tập hợp dân, nắm chắc lòng người để biết họ nghĩ gì, mừng gì, lo gì, muốn gì, rồi gỡ từng việc cụ thể, hợp với từng đối tượng, việc tốt thì nhân lên, việc khó cùng bàn, việc xấu phải phân tích và đấu tranh, phải gương mẫu và làm được các việc ích lợi cho đất nước để dân tin theo... Có như vậy, người dân mới vào tổ chức, mới có đại đoàn kết toàn dân để tạo ra sức mạnh chung.
Hiện nay trong các hoạt động của Mặt trận ở cơ sở, công tác hòa giải và hoạt động thanh tra nhân dân là hai hoạt động rất thiết thực. Nhiều năm qua, công tác hòa giải và hoạt động thanh tra, giám sát của Mặt trận tại địa bàn dân cư đã phát huy hiệu quả thiết thực trong đời sống cộng đồng, đặc biệt góp phần phát huy dân chủ cơ sở, từ đó góp phần xây dựng thành công nông thôn mới, đô thị văn minh.
Kinh nghiệm cho thấy, làm công tác Mặt trận ở cơ sở là làm công tác xử lý mối quan hệ giữa quần chúng với quần chúng, xử lý mối quan hệ giữa con người với con người. Cán bộ Mặt trận phải có tâm, có tầm, có đức mới xử lý tốt được mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Chính quyền và nhân dân, mối quan hệ nội bộ giữa dân với dân.
Công tác Mặt trận là công việc rất đặc biệt, cho nên để trở thành người Mặt trận không khó nhưng để được như nhân dân mong mỏi thì không hề đơn giản. Chính vì vậy, việc biểu dương 299 đại biểu tại Hội nghị Biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022 là một dịp để Đảng, Nhà nước tôn vinh những cống hiến thầm lặng, bền bỉ của lực lượng đặc biệt này, từ đó không ngừng nâng cao vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước.
Đây cũng là dịp để cán bộ Mặt trận cơ sở được giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và nhân rộng, biểu dương các điển hình thực sự tiêu biểu xuất sắc với những mô hình hay, cách làm mới sáng tạo, hiệu quả trong công tác Mặt trận.
299 đại biểu được biểu dương lần này, trong đó gồm 132 đại biểu là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và 167 đại biểu là Trưởng ban công tác Mặt trận là những điển hình tiêu biểu có thành tích nổi bật trong công tác Mặt trận giai đoạn 2017-2022 và được bình chọn chặt chẽ từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
299 đại biểu đại diện cho gần 11.000 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và hơn 90.000 Trưởng ban công tác Mặt trận trên cả nước. Họ là những đại biểu ưu tú nhất đã đóng góp cho công tác Mặt trận bằng kinh nghiệm từ cuộc đời mình.
Tận tụy "ăn cơm nhà lo việc làng, việc xã"
Các đại biểu có đầy đủ thành phần đại diện cho đồng bào các dân tộc, tôn giáo, là hội viên Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ đến từ các khu vực thành thị, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Tổ quốc; nhiều đại biểu đã được tặng thưởng danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước và khen thưởng của MTTQ Việt Nam. Phần lớn đại biểu đều có tuổi đời từ 40 đến 70 tuổi và có quá trình gắn bó với công tác Mặt trận từ 10 đến trên 20 năm.
Đến từ các địa phương, vùng, miền khác nhau trong cả nước, 299 điển hình tiêu biểu không chỉ có bề dày thành tích mà còn mang đến rất nhiều những sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay, những mô hình hoạt động tiêu biểu trong công tác Mặt trận ở cơ sở, từ 5 Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận cơ sở, mỗi điển hình lại có những thành tích đóng góp nổi bật ở những lĩnh vực khác nhau.
Đó là câu chuyện của ông Điểu K'Ít, dân tộc Mạ, theo đạo tin lành, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Cựu Chiến binh, Chi hội trưởng Hội Nông dân buôn Brun, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Với vai trò là già làng, ông Điểu K'Ít đã vận động nhân dân trong buôn nhận giao khoán, quản lý bảo vệ 660 héc ta rừng thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên, xây dựng “Tổ cộng đồng tự quản bảo vệ rừng” gồm 22 thành viên, luân phiên cắt cử thành viên cùng với lực lượng kiểm lâm tham gia tuần tra bảo vệ rừng.
Ông còn vận động bà con xây dựng mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu” được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng công nhận năm 2020. Người cán bộ Mặt trận của buôn làng còn tham gia vận động bà con cho trẻ đến trường đạt tỷ lệ 100%, vận động duy trì Tổ hòa giải trong buôn với 22 thành viên, qua đó nhiều năm liền trong buôn không xảy ra vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn phải chuyển lên cấp trên xử lý...
Hay câu chuyện của bà Vũ Thị Thu Hiên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Lãm Hà, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, là người theo đạo Công giáo luôn thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, hóa giải kịp thời những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, vận động bà con tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…
Còn rất nhiều những tấm gương vẫn thầm lặng tận hiến và hy sinh vì cộng đồng. Tuy đời sống còn không ít khó khăn nhưng họ vẫn ngày đêm lăn lộn với phong trào, hết lòng tận tụy với nhân dân, ăn cơm nhà lo việc làng, việc xã.
Những người Mặt trận như thế đã gắn bó với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, gắn bó với từng tổ dân phố, khu dân cư, với từng số phận con người và vận mệnh toàn dân tộc. Chính họ là những nhân tố góp phần quan trọng trong việc hiện thực hoá sứ mệnh gìn giữ và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc của MTTQ Việt Nam.
Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017- 2022 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 25 đến ngày 27/11, với nhiều hoạt động ý nghĩa. Hội nghị sẽ chính thức khai mạc vào ngày 27/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - 11 Lê Hồng Phong, TP Hà Nội. Tại hội nghị, 63 tỉnh, thành phố sẽ chọn 1 đại biểu xuất sắc tiêu biểu nhất trong số các đại biểu được lựa chọn biểu dương khen thưởng để đề nghị tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ trao tặng Bằng khen cho 236 đại biểu.