Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II năm 2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã khép lại.
Tham gia Ngày hội có gần 500 nghệ nhân, diễn viên thuộc 6 tỉnh, thành phố: Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đà Nẵng. Về phía Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch có các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ và 6 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố là những đơn vị trực tiếp tổ chức.
Ngày hội là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, là cầu nối giao lưu, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm của các nghệ nhân, diễn viên - là chủ thể văn hóa trong việc giữ gìn và phát huy các nghi lễ, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật truyền thống dân ca, dân vũ các dân tộc; khơi dậy ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đến với Ngày hội trình diễn cây Nêu, du khách gần xa đã được tham dự, chứng kiến và được thưởng thức những giai điệu âm thanh, giàu bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc. Với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đã diễn ra sôi nổi, thắm tình đoàn kết, đã giúp cho du khách hiểu biết, yêu quý, trân trọng và giữ gìn các di sản văn hoá quý giá của đồng bào các dân tộc. Qua Ngày hội này sẽ là sợi dây kết nối xây dựng sự đoàn kết giữa các địa phương, các đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng của các tỉnh.
Tại Ngày hội, lần đầu tiên một nội dung thuyết trình về du lịch được đưa vào nội dung thi của Ngày hội với sự tham gia của các hướng dẫn viên du lịch là đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua cuộc thi này, các hướng dẫn viên du lịch có cơ hội được giao lưu, học hỏi và nâng cao kỹ năng thuyết trình và nghiệp vụ hướng dẫn khách tham quan, đồng thời đây cũng là cơ hội để các hướng dẫn viên tìm hiểu, nâng cao kiến thức về văn hóa, lịch, sử, địa lý và phong tục tập quán các địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) cho biết, đây là dịp để bản sắc văn hóa các dân tộc được lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời cũng là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương đặc biệt là các nghệ nhân đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các của các dân tộc miền Trung trong vườn hoa đa sắc của 54 dân tộc anh em.
“Sau Ngày hội này, tin tưởng rằng các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng có thêm động lực cùng nhau đoàn kết tiếp tục phát huy tinh thần của Ngày hội về với bản làng có thêm kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình” - bà Nhung nói.