Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng người Mường ở tỉnh Hòa Bình nói riêng và những tỉnh, thành có người Mường nói chung. Tuy nhiên, theo thời gian, cơ hội thực hành và gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của Mo Mường dần bị thu hẹp lại và có nguy cơ mai một.
Xứng danh di sản
Nằm trong lộ trình xây dựng hộ sơ quốc gia trình UNESCO ghi danh Mo Mường vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, trong 2 ngày 5 và 6/1, tại Hòa Bình, Viện Âm nhạc (Học Viện Âm nhạc Việt Nam) phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới”.
Tại Hội thảo, các chuyên gia văn hóa nhìn nhận, Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể bao hàm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Những áng sử thi trong Mo Mường phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ. Các sinh hoạt của Mo Mường liên quan đến cả vòng đời một con người. Không những vậy, Mo Mường trong mối quan hệ so sánh với những hình thức thực hành nghi lễ tín ngưỡng tương tự trên thế giới, đặc biệt quan tâm tới những hình thức nghi lễ tín ngưỡng có yếu tố diễn xướng kể chuyện; Giá trị lịch sử, xã hội, văn học và nghệ thuật trong các câu chuyện ở phần Mo kể chuyện. Chính vì vậy, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lựa chọn Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể cần xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2023. Hiện nay có 7 tỉnh cùng cam kết tham gia vào việc xây dựng hồ sơ di sản Mo Mường, gồm: Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hà Nội, Thanh Hóa và Đắc Lắk.
Theo Nghệ nhân ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Hy Vọng (Hòa Bình), đa số công chúng hiện nay đều cho rằng Mo Mường là nghi thức tang ma. Nhưng thực tế, Mo Mường có mặt trong nhiều lễ nghi khác của người Mường như lễ mát nhà, lễ cầu sức khỏe, cầu bình an, mo mừng thọ… Hơn nữa, kho tàng Mo Mường khá đồ sộ cả về lời Mo và âm nhạc. Nếu tiến hành đầy đủ Mo phải mất 23 ngày với 115 roóng Mo và hơn 44.000 câu thơ Mo.
Không chỉ được nhìn nhận ở trong nước, Mo Mường cũng được các chuyên quốc tế đánh giá cao về những giá trị văn hóa. Theo GS.TS Wolfgang Mastnak (Đại học Âm nhạc và Sân khấu Munich, Đức), từ góc độ đa văn hóa, nghi lễ Mo Mường phù hợp với nhiều tiêu chí của UNESCO (2005) về di sản văn hóa phi vật thể như tương thích với quyền con người và sự tôn trọng văn hóa lẫn nhau, được chính chủ thể cộng đồng coi đó là một phần thiết yếu trong đời sống văn hóa của họ; là một di sản có sự đan xen gắn bó chặt chẽ giữa ý thức về bản sắc và trí nhớ của cộng đồng, bám rễ vào cộng đồng và tiếp tục được trao truyền, tái tạo. Về mặt này, Mo Mường cũng phản ánh sự đa dạng văn hóa trên toàn thế giới và minh chứng cho sự sáng tạo của con người.
Vượt qua những trở ngại
Tuy nhiên, dù di sản văn hóa của Mo Mường đã được khẳng định trong đời sống tâm linh của người Mường nói riêng và trong tổng thể hài hòa văn hóa Việt Nam nói chung, nhưng hiện nay nó đang biến đổi mạnh mẽ bởi cả tác nhân bên trong và bên ngoài, làm cho di sản đồ sộ của cộng đồng Mường có nguy cơ biến mất.
Có một thực tế là nay người Mường không có chữ viết riêng, nên các bài Mo của người Mường được lưu truyền từ thế hệ thầy Mo này qua thế hệ thầy Mo khác bằng phương pháp truyền miệng và được tồn tại, duy trì thông qua các nghi lễ trong dân gian của người Mường. Chính vì vậy trong quá trình lưu truyền thì số lượng câu Mo, bài Mo không còn được đầy đủ như ban đầu. Bên cạnh đó, số lượng các cuốn sách, ấn phẩm nghiên cứu về văn hóa của dân tộc Mường nói chung và di sản văn hóa Mo Mường nói riêng không nhiều. Vì vậy quá trình nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy di sản văn hóa cũng gặp không ít khó khăn.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sơn La Trần Xuân Việt, tại Sơn La số lượng thầy Mo trong các bản ngày càng ít dần, trong đó có nhiều thầy Mo tuổi đã trên 80 tuổi. Số lượng người muốn và có khả năng theo học Mo không nhiều, do phải ghi nhớ một khối lượng câu Mo rất lớn, đặc biệt người học phải có tố chất, am hiểu sâu sắc văn hóa Mường, có đạo đức, uy tín và đầy đủ đạo cụ, đồ cúng (từ các đời cha, ông đã từng làm nghề truyền lại)…
Để Mo Mường có thể lan tỏa và “xứng danh” di sản, TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, một trong những thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Mo Mường đó là tính truyền khẩu. Đây vừa là cơ hội để những sáng tạo văn hóa được phát huy song cũng là những thách thức cho công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của Mo Mường.
Vẫn theo TS Minh Lý, chúng ta cần nhận diện “giá trị tang ma của người Mường”. Bên cạnh đó, là làm thế nào để con cháu người Mường, cộng đồng người Mường nhận ra được những giá trị đó để bảo tồn, trao truyền và phát huy. Ngoài ra là làm thế nào để cộng đồng người Mường chia sẻ được những giá trị đó với các cộng đồng khác và với thế giới.
GS.TS Kim Hyong Keun - Viện Nghiên cứu thông tin di sản phi vật thể (Trường ĐH Jeonbuk, Hàn Quốc) cho rằng, một trong những nhiệm vụ cần làm để Mo Mường được ghi danh trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO là tăng khả năng hiển thị của di sản này. Nói cách khác, cần tăng mức độ nổi tiếng của nó với cả người dân bản địa và người nước ngoài. Để làm được như vậy, Mo Mường cần được dịch sang tiếng Anh.