Việc giới thiệu giá trị văn hoá, lịch sử của dân tộc luôn là đề tài khó với các loại hình sân khấu, đặc biệt là nghệ thuật múa. Nhưng bằng sự dấn thân, trải nghiệm, hết mình cống hiến vì nghệ thuật, thời gian qua nhiều biên đạo múa đã dàn dựng thành công một số tác phẩm, được đón nhận tích cực.
Chất liệu từ cuộc sống
Việt Nam có 54 dân tộc và mỗi dân tộc đều có những điệu múa dân gian của riêng mình. Các điệu múa dân gian xuất phát từ sinh hoạt, lao động, sản xuất, các mối quan hệ xã hội của mỗi cộng đồng dân cư, thể hiện sự sáng tạo và thẩm mỹ của cộng đồng dân cư ấy. Ngoài việc mang đặc trưng văn hóa tộc người, múa dân gian còn mang đặc trưng của văn hóa vùng miền. Và không phủ nhận trong xã hội hiện đại, di sản múa dân gian có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành múa chuyên nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, dù khá đa dạng nhưng để gắn kết các giá trị văn hoá, lịch dân tộc đưa các điệu múa trở thành những tác phẩm đỉnh cao, được trình diễn trên các sân khấu lớn vẫn luôn là những “đề bài” khó cho các biên đạo múa. Bởi với mỗi tác phẩm, ngoài những đòi hỏi về chuyên môn, còn là sự dấn thân của các biên đạo múa trong việc tìm kiếm và kết hợp các chất liệu từ cuộc sống để đưa lên các sân khấu chuyên nghiệp. Không những vậy để dàn dựng một tác phẩm múa khá tốn kém, ngoài việc đầu tư cho công tác biên đạo còn cần sự tổng hợp của các bộ môn khác như âm nhạc, mỹ thuật, nhất là khi dựng vở đề tài lịch sử đòi hỏi sử dụng kỹ thuật hiện đại về âm thanh, ánh sáng và hình ảnh.
Theo NSND Ứng Duy Thịnh - nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, đề tài lịch sử xét từ góc độ nghệ thuật biên đạo là một đề tài khó. Thực tiễn cho thấy, chúng ta đã có những thế hệ tác giả biên đạo sáng tác và thành công ở mảng đề tài này. Ðây là nền tảng cho những sáng tạo mới, chúng ta cũng kỳ vọng trong những bước đi tiếp theo của ngành múa Việt Nam.
Được biết đến với nhiều sáng tác về đề tài phong tục tập quán, sắc màu văn hóa các vùng miền và giành được nhiều giải thưởng cao tại liên hoan, cuộc thi chuyên nghiệp, biên đạo múa Hải Trường cho biết, khi dàn dựng các tác phẩm, anh thường dành thời gian tìm kiếm nguồn tư liệu, thông tin về các sự kiện, nhân vật lịch sử. Đồng thời, biên đạo múa phải dành khá nhiều thời gian tìm hiểu về bối cảnh của thời kỳ lịch sử. Biên đạo múa Hải Trường chia sẻ, mỗi tác phẩm được dựng lên còn là sự công phu trong chọn diễn viên phù hợp với nhân vật, sâu chuỗi bố cục câu chuyện, tình tiết, ngôn ngữ, chất liệu, âm nhạc… tạo nên tổng hòa các yếu tố, nhằm giúp khán giả cảm nhận được không khí của thời kỳ đó qua ngôn ngữ múa. “Khai thác đề tài dân gian, dân tộc cho tác phẩm múa, tôi đều tới tận nơi tìm hiểu nét độc đáo, đặc trưng của vùng đất ấy. Thông qua tư liệu, hình ảnh và cảm nhận trực tiếp, không gian văn hóa, đời sống bà con được nghệ thuật hóa đưa lên sân khấu, dù vậy tôi vẫn chú ý sao cho không xa lạ với đồng bào, để họ thấy chính mình trong đó” - biên đạo Hải Trường bày tỏ.
Lan tỏa các giá trị đặc biệt
Những năm gần đây, múa chuyên nghiệp có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực. Mặc dù vẫn còn những khó khăn, nhưng ngày càng có nhiều tác phẩm múa kinh điển mang thương hiệu Việt được trình diễn trên các sân khấu lớn. Bên cạnh đó, việc tổ chức các cuộc thi, liên hoan tài năng cũng đã tìm ra một số nhân tố mới cho loại hình nghệ thuật cho múa.
Mới đây, bằng việc kết hợp với loại hình nghệ thuật nhạc kịch, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM (HBSO) đã cho ra mắt vở “Dế Mèn phiêu lưu ký” với những trải nghiệm đặc sắc về nghệ thuật múa. Vở diễn là sự kết hợp của nghệ thuật Đông - Tây kim cổ. Đặc biệt, một trong những điểm nhấn của tác phẩm là kết hợp giữa ba lê, múa đương đại với múa rối truyền thống Việt…
Biên đạo múa Tuyết Minh cũng là tác giả kịch bản của vở diễn cho biết, êkip sáng tạo “Dế Mèn phiêu lưu ký” đều là những người gắn bó với văn hóa truyền thống, bởi vậy các nghệ sĩ đều chủ động mang tâm hồn Việt là điểm bắt đầu, ẩn dụ về tâm thức làng, gắn kết thiên nhiên… các mảng không gian được chuyển khéo léo, các chi tiết chấm phá để gợi tả tính ước lệ cao nhất, trong đó hàm chứa giá trị sống, vẽ lên chiều sâu văn hóa, phảng phất hình ảnh của người nghệ sỹ với nỗi lòng, với sự trải nghiệm, chiêm nghiệm thành thực nhất.
“Thông qua vở diễn, tôi muốn gợi lại những cảm thức nếp xưa, qua những thủ pháp nghệ thuật được đẩy vào lúc đậm lúc nhạt, qua thanh âm, ca từ, đối thoại, qua hình ảnh trực quan bằng ngôn ngữ múa… để mỗi khán giả khi xem vở diễn có thể tạm thời bỏ qua những hối hả giữa bộn bề của nhịp sống đương đại, trở về với những giấc mơ đã chìm sâu trong thế giới nội tâm, đánh thức ký ức, đánh thức phần tâm hồn trong sáng thức dậy trong mỗi con người” - biên đạo múa Tuyết Minh cho biết.
Có thể nói, bằng nỗ lực, sự nhiệt huyết, các biên đạo múa đang thổi những làn gió mới cho nghệ thuật múa, đặc biệt là những tác phẩm phát triển trên nền tảng văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, để biến những ý tưởng thành hiện thực, nghệ thuật múai sẽ phải tốn rất nhiều công sức, kinh phí và sự sáng tạo. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, ngành múa cũng hướng tới xã hội hóa để thu hút các nhà tài trợ nhiệt thành, tâm huyết và am hiểu đặc trưng, đặc thù của nghệ thuật múa nhất là đối với các tác phẩm múa lịch sử, văn hoá dân tộc để hỗ trợ xây dựng chương trình và quảng bá chương trình về đề tài này.