Việc ra đời các phố sách, nâng cấp thư viện, tổ chức hội sách, tu sách cộng đồng… đã và đang tạo ra những không gian lan toả văn hóa đọc, thúc đẩy thói quen đọc sách của người dân.
Những điểm đến văn hóa
Khai trương vào năm 2017, tại con đường 19/12, sau 6 năm triển khai, Phố sách Hà Nội từ những bỡ ngỡ ban đầu giờ đây đã trở thành điểm đến văn hoá của Thủ đô. Đặc biệt, các sự kiện vào dịp Tết Nguyên đán và vào những ngày cuối tuần thu hút đông đảo người dân trải nghiệm. Đến với Phố sách Hà Nội giờ đây không chỉ có sách mà còn là không gian cà phê, góc trải nghiệm và sân khấu trung tâm, nơi diễn ra hơn 300 sự kiện giao lưu tác giả, tác phẩm và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong 6 năm qua. Theo thống kê, chỉ riêng trong những tháng đầu năm 2023 lượng độc giả đã tăng 90% so với năm ngoái. Đặc biệt, đến Phố sách Hà Nội người ta còn dễ dàng bắt gặp những buổi quyên góp sách cho trẻ em nghèo. Từ đó nhân lên tình yêu sách, và gửi tình yêu ấy đến muôn vạn nẻo đường đất nước.
Ra đời trước đó vào năm 2016, Đường sách TP Hồ Chí Minh với chiều dài 144 m và khoảng 30 gian hàng hiện nay cũng đã trở thành một điểm đến nổi bật ở khu vực trung tâm thành phố. Qua 7 năm tồn tại, đường sách đã phục vụ tới 15 triệu lượt khách, doanh thu không ngừng gia tăng. Đặc biệt, trong những năm qua Đường sách TPHCM đã trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều hoạt động liên quan tới sách như phát động các cuộc thi, giới thiệu tác phẩm mới, giao lưu với tác giả, các sự kiện giảm giá, khuyến mãi…
Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Đường sách TPHCM Lê Hoàng cho biết, khác với các tiệm sách thông thường, mô hình đường sách có một lợi thế lớn đó là nơi tập trung những nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách lớn. Độc giả đến đây không chỉ để mua sách mà còn trải nghiệm những hoạt động liên quan đến sách, giao lưu với tác giả… Vẫn theo ông Hoàng, hiện nay tại đường sách và phố sách đang tiến hành xây dựng các chương trình tương tác, đồng thời có thêm câu lạc bộ giới thiệu tại các trường học để thu hút các em học sinh. Bởi khi số lượng đường sách tăng lên, các hoạt động cần nhắm đến đối tượng cụ thể tại địa phương. Các hoạt động cần có đối tượng cụ thể, nói về câu chuyện về nơi họ đang sống chứ không chỉ nói chung chung.
Cùng với các mô hình đường sách, phố sách đang được nhân rộng tại nhiều địa phương, thời gian qua những điểm đến của những người yêu sách như thư viện, tủ sách cộng đồng, hội sách… cũng đã có những thay đổi nhằm thích ứng với nhu cầu của độc giả. Mới đây, Thư viện Hà Nội cũng đã tổ chức khánh thành dự án “Tái tạo thư viện công cộng” nhằm tạo ra một không gian văn hoá đặc sắc cho Thủ đô. Hay thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) với dự án “Thư viện số cộng đồng” nhằm tạo không gian đọc cho nhân dân thành phố, nhất là tầng lớp thanh, thiếu nhi, góp phần phát triển văn hóa đọc và phong trào học tập suốt đời. Đây là thư viện số cộng đồng đầu tiên của cả nước…
Mang sách đến với cộng đồng
Có thể nói, bên cạnh việc tạo ra các điểm đến văn hoá, các không gian như phố sách, đường sách, thư viện… đang là chất xúc tác hiệu quả trong việc nâng cao tỷ lệ đọc sách tại Việt Nam. Tuy nhiên, để lan tỏa văn hóa đọc rộng khắp trong cộng đồng, vẫn còn đó những trăn trở. Bởi phát triển văn hóa đọc là chặng đường dài. Ở Việt Nam, chặng đường này thậm chí còn nhiều khó khăn do phần đông người Việt chưa rèn thói quen đọc sách hay dành sự quan tâm tới sách. Bên cạnh đó, việc các mô hình phố sách không phải địa phương nào cũng hái được “quả ngọt”. Bởi mở một phố sách đã khó, nhưng để duy trì còn khó hơn. Chỉ cần thiếu hoạt động quảng bá, tổ chức sự kiện đơn điệu, thiếu hấp dẫn, thái độ phục vụ thiếu lịch thiệp, biến phố sách thành nơi tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt... thì chẳng mấy chốc sự lôi cuốn của phố sách, đường sách sẽ suy giảm. Đơn cử như mô hình phố sách Hai Bà Trưng ở Huế sau một thời gian thí điểm đã phải dừng hoạt động.
Về vấn đề này, bà Triệu Thục Trinh - thành viên Ban quản lý Phố sách Hà Nội bày tỏ, Phố sách Hà Nội cũng đã trải qua một thời gian dài tương đối khó khăn. “Để hồi sinh Phố sách, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động khuyến đọc, tổ chức nhiều sự kiện thu hút bạn đọc. Các sự kiện mời nhiều diễn giả về, bàn về sách, lan tỏa văn hóa đọc. Ngoài ra còn có hoạt động tặng sách cho các trường, đến vùng sâu vùng xa; hoạt động đổi sách lấy cây… Đó là những hoạt động tương tác, được tổ chức với mục đích để mọi người tiếp cận với sách rộng rãi hơn”- bà Trinh nói đồng thời cho rằng, để phát huy hiệu quả mô hình của phố sách thì mọi hoạt động đều phải được sàng lọc và có giá trị văn hóa. Đơn cử như những triển lãm nghệ thuật cũng phải được lựa chọn, có chủ đề giúp kích thích người ta tìm hiểu về văn hóa, kinh tế, xã hội Việt Nam. Khách trong và ngoài nước đến đây tìm kiếm những giá trị văn hóa sẽ được khơi gợi cảm hứng để tìm hiểu sâu hơn nữa.
“Khách đến Phố sách vừa có thể tham quan, giải trí, nghỉ ngơi và mua sắm. Phố sách giờ đây rất sôi động và nhộn nhịp. Không gian đẹp, an toàn, trẻ con có thể nô đùa, cha mẹ có thể nghỉ ngơi mà không cần lo lắng” - bà Trinh nói.
Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, số bản sách phát hành năm 2022 tăng cao, lần đầu tiên Việt Nam đạt mục tiêu 6,1 bản sách/người/năm (dù mục tiêu tới 2025). Đó là số bản sách bình quân, nhưng đây đó vẫn có con số thống kê người Việt mỗi năm đọc trung bình 0,8 cuốn/năm. Người Việt không ngại chi hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho vui chơi giải trí, tiền mua sách chỉ chiếm một phần rất nhỏ bé.