30 năm triển khai thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt”, thành phố Hà Nội đã có gần 380.000 gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng. Có thể nói, phong trào ngày càng phát triển về chất và lượng, lan tỏa sâu rộng trong tất cả các ngành, các cấp, tạo khí thế thi đua vô cùng sôi nổi...
Nhân kỷ niệm 74 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2022) và 30 năm triển khai thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt”, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Bằng - Trưởng Ban Thi đua khen thưởng thành phố Hà Nội về sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào.
PV: Thưa ông, 30 năm qua, phong trào “Người tốt, việc tốt” trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng phát triển cả về chất và lượng, ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật nhất của phong trào?
Ông Nguyễn Công Bằng: Năm 1992, Thành ủy - HĐND - UBND và Ủy ban MTTQ thành phố chính thức phát động phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”. Cũng từ đó đến nay thành phố đã có nhiều Chỉ thị, Kế hoạch quan trọng để chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào và coi “Người tốt, việc tốt” là phong trào trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đổi mới...
Có thể nói, phong trào đã tạo được sự lan tỏa, thu hút ngày càng đông đảo các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. 30 năm qua, đã có gần 29.000 gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu được thành phố biểu dương, khen thưởng; trên 350.000 gương “Người tốt, việc tốt” được các ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc thành phố khen thưởng, trong đó hầu hết là người lao động trực tiếp. Từ năm 2010 đến nay, thành phố cũng đã biểu dương, tôn vinh hàng trăm gương “Công dân Thủ đô ưu tú”. Những tấm gương “Người tốt, việc tốt” và rất nhiều gương sáng ở khắp các cơ sở, đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân là biểu hiện sinh động tình yêu Hà Nội.
Những thành quả đạt được trong 30 năm qua có thể nói là rất đáng phấn khởi. Phong trào “Người tốt, việc tốt” ngày càng phát triển về chất và lượng, lan tỏa sâu rộng trong tất cả các ngành, các cấp, mọi lúc, mọi nơi, tạo khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần nhân ái, nghĩa cử cao đẹp, góp phần gìn giữ và vun đắp văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn hiến, văn minh, hiện đại.
Có thể nói, sức lan tỏa của các phong trào thi đua yêu nước nói chung và phong trào “Người tốt, việc tốt” của thành phố nói riêng đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thưa ông?
- Phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong những năm qua đã phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị; tạo môi trường thuận lợi, động lực to lớn để các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân Thủ đô góp phần xây dựng, phát triển một Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Trong đó, có nhiều kết quả nổi bật và mang tính đột phá. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với du khách, là thị trường sôi động đối với các nhà đầu tư và các doanh nghiệp…
Đặc biệt, TP Hà Nội luôn xác định rõ chủ đề, lựa chọn khâu đột phá theo từng năm công tác: “Năm trật tự và văn minh đô thị”, “Năm kỷ cương hành chính”, “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”... Cùng với đó là phát động các phong trào thi đua theo nhiệm kỳ như: “An toàn thực phẩm”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập và phát triển”…; đổi mới công tác phát hiện, nhân lên các điển hình tiên tiến thông qua phát động, triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt hàng năm…
Nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ ở cơ sở, các giao lưu cùng các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt được mở rộng triển khai đến các cụm thi đua. Định kỳ hàng tuần, thành phố giới thiệu các gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan báo chí phối hợp tuyên truyền… Qua đó, ngày càng lan tỏa mạnh mẽ những nghĩa cử cao đẹp, nhân văn đến cộng đồng, nhân dân Thủ đô. Nhân lên những tấm gương người tốt, việc tốt.
Có thể khẳng định phong trào “Người tốt, việc tốt” đã trở thành “nếp văn hóa” hàng ngày của người dân Thủ đô. “Hằng năm, thành phố đều tổ chức trọng thể hội nghị biểu dương, tôn vinh “Người tốt, việc tốt” và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10). Công tác tổ chức phong trào thi đua này đã được nhiều tỉnh, thành phố, địa phương, đơn vị nghiên cứu, học tập, áp dụng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, bên cạnh những tấm gương “Người tốt, việc tốt” được tuyên dương, khen thưởng trong suốt 30 năm qua, chắc chắn vẫn còn rất nhiều hành động đẹp, những tấm gương sáng với nghĩa cử cao đẹp, những tấm lòng nhân ái, mang đậm nét văn hóa của người Hà Thành... mà chúng ta còn chưa kịp tôn vinh, khen thưởng.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, theo ông, cần tiếp tục có những giải pháp gì để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua trong thời gian tới?
- Tôi cho rằng, thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, trọng tâm, hiệu quả, hướng về cơ sở; gắn phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” với việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương, thành phố phát động.
Đặc biệt, cần đổi mới phương pháp, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh nêu gương “Người tốt, việc tốt”; làm thế nào để những tấm gương người tốt việc tốt ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một “nếp văn hóa”, nét đẹp riêng của người Tràng An.
Cùng với công tác quan tâm, phát hiện, bồi dưỡng thì việc nhân rộng và học tập các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt cần phải đẩy mạnh hơn nữa; nâng cao hiệu quả hoạt động công tác phát hiện, đề xuất khen thưởng điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt từ thành phố tới cơ sở, kịp thời có hình thức thích hợp biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong các phong trào thi đua yêu nước và phong trào “Người tốt, việc tốt” nhằm lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và trong nhân dân.
Tôi tin rằng, với sự thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, sự đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ luôn nêu cao ý chí, năng động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thách thức, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội 5 năm (2020-2025) và những năm tiếp theo, xứng đáng với truyền thống Thủ đô văn hiến, anh hùng, Thành phố vì hoà bình.
Trân trọng cảm ơn ông!