Lan tỏa những giải báo chí mang bản sắc Mặt trận

Lê Na - Tuệ Phương 21/06/2023 16:00

Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” và Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng ngày càng khẳng định uy tín trong hệ thống các giải báo chí quốc gia. Việc tổ chức hai Giải báo chí này đã và đang thể hiện trách nhiệm của Mặt trận đối với các vấn đề xã hội, từ đó góp phần củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao giải cho các tác giả đạt Giải A Giải báo chí Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc lần thứ XV. Ảnh: Quang Vinh.

Chung tay xây đắp sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc

Những năm qua, với tiếng nói chân tình, sâu sắc và trách nhiệm, báo chí đã là người bạn đồng hành của Mặt trận Tổ quốc trong nhiệm vụ củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đó là những câu chuyện mà nhà báo ALăng Ngước kể về đổi thay trong cuộc sống của những người dân vùng núi Quảng Nam trong tác phẩm “Ánh sáng vùng cao” (báo Quảng Nam) làm lay động mọi người. Vùng cao Quảng Nam có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn. Nhưng ở đó có những đảng viên bám đất, bám làng vận động bà con vượt qua hủ tục, xây dựng đời sống kinh tế, gìn giữ nét đẹp văn hóa. Biết bao “đầu việc” tưởng chừng không bao giờ làm được giữa một vùng đất khó đủ trăm bề. Song khi lòng dân đoàn kết, đồng bào vùng cao đã làm được, để rồi đồng bào tin tưởng, đi theo “ánh sáng” niềm tin vào Đảng. Đây là một trong những tác phẩm được trao Giải A Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV. Câu chuyện mà tác giả Alăng Ngước đem đến cho mọi người không chỉ tôn vinh những tấm gương sáng giữa rừng già, mà còn tạo động lực cho nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân ở những vùng đất khó học tập, vươn lên. Việc được trao Giải A Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” khiến những tấm gương, những câu chuyện trong tác phẩm được “tiếp sóng”, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa đến cộng đồng.

Đoàn kết là sứ mệnh của MTTQ Việt Nam. Trong suốt hơn 90 năm qua, tinh thần đoàn kết dưới mái nhà Mặt trận như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, bền chặt tạo nên sức mạnh của dân tộc, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Để phát huy những giá trị ấy, MTTQ Việt Nam luôn đề cao và tôn vinh sự đóng góp của các lực lượng trong xã hội, ở đó có vai trò của những người làm báo. Bởi thế, Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” đã ra đời, từ năm 2003 và trở thành một trong những giải báo chí quốc gia quan trọng, uy tín. Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” đã tạo nên những dấu ấn trong lòng nhân dân, đội ngũ những người làm báo, dấu ấn đặc biệt trong những giải báo chí của quốc gia. Tinh thần của giải đã lan tỏa trong mỗi bài viết, chuyến đi, tác nghiệp của các nhà báo ở sự lăn xả, dấn thân, tận hiến để truyền đi thông điệp của sự đoàn kết. Một trong những câu chuyện ấn tượng nhất là của nhà báo Nguyễn Hòa (Báo Quân đội Nhân dân), một trong những người vinh dự giành Giải A trong “mùa giải” lần thứ 15.

Trong chuyến đi thực tế cuối tháng 4/2021, phóng viên Nguyễn Hoà cùng đồng nghiệp Báo Quân đội Nhân dân đã được gặp nhiều người từng đi theo FULRO, “Tin lành Đề-ga”, tà đạo, nay đã hối cải, chăm chỉ làm ăn, trở thành công dân tốt, thậm chí có người trở thành cốt cán trong phong trào đoàn kết tại khu dân cư; có người còn là hạt nhân sản xuất giỏi ở địa phương. Những câu chuyện sống động ấy được nhà báo ghi lại trong tác phẩm của mình. Nhà báo Nguyễn Hòa luôn nhớ câu nói của một nhân vật đã từng được các thế lực phản động phong là “tỉnh trưởng tỉnh Gia Lai, ông Zana”: “Tôi ơn Đảng, ơn Nhà nước, ơn chính quyền nơi đây. Tôi hối hận. Vì sao mình lại đi vào con đường đó, cuối cùng thì mình được gì?”.

Những nhân vật của nhà báo Nguyễn Hoà lại “kể” một câu chuyện khác trong đời sống. Những lầm lạc sẽ dẫn con người ta vào con đường đen tối. Nhưng khi biết “quay đầu là bờ”, thì nhân dân lại đón những người một thời lầm lạc ấy trong vòng tay đoàn kết.

“Chúng tôi cũng hiểu rằng, thành quả trên chỉ có thể được giữ vững khi nhận thức của người dân thực sự được nâng cao. Đây cũng là mục đích chính của loạt bài viết. Những mong kinh nghiệm, tấm gương tích cực, hết lòng vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân; hết lòng vì sự bình yên ở mỗi vùng đất ở Gia Lai, sẽ tiếp tục được nhân rộng, là sự cảnh báo đối với những kẻ còn có ý định phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân” - nhà báo Nguyễn Hòa chia sẻ.

15 mùa trao giải đã qua. Mỗi “mùa giải” báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc”, chúng ta lại chứng kiến những nét tươi mới. Điều đó vừa cho thấy sự sáng tạo, lăn xả của những nhà báo, phóng viên, vừa cho thấy thực tiễn sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân luôn diễn ra sinh động, dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Loạt 5 bài “Cần phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt” đạt Giải B Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 15 cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả. Qua tác phẩm, nhà báo Trần Hồng Quỳnh mong muốn, những người làm báo sẽ thường xuyên đi xuống cơ sở, bám sát hơi thở của cuộc sống, tìm đến nhân vật thật và câu chuyện thật. Công nghệ hiện đại có thể kết nối con người ở khắp mọi nơi, nhưng công nghệ không thể mang lại cảm nhận chân thật nhất về cuộc sống của bà con vùng sâu, vùng xa; mà mỗi người làm báo cần nắm bắt và thấu hiểu được những tình cảm, tâm tư, được trải nghiệm công việc hàng ngày của những người có uy tín, thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của họ, từ đó lan tỏa những giá trị thật đến với công chúng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao giải cho các tác giả đạt Giải A Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba. Ảnh: Quang Vinh.

Trách nhiệm với những vấn đề trong xã hội

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực được đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn và đạt những kết quả toàn diện, để lại dấu ấn đậm nét. Những kết quả này đã tạo bước đột phá, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, đồng thời có tác dụng phòng ngừa, răn đe rõ rệt, vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng, vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ, đối với Đảng và Nhà nước.

Trong bối cảnh đó, MTTQ Việt Nam đã đứng ra tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh lên án, vạch trần những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, điển hình như loạt phim tài liệu 3 tập “Giặc nội xâm” (Phát sóng trên Kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam), loạt bài vạch trần những bí ẩn trong Câu lạc bộ Tình Người (Báo Đại đoàn kết)…, các tác phẩm tham gia dự Giải Báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn chú trọng phát hiện những bất cập về thể chế pháp luật, cơ chế chính sách có thể tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực và lạm dụng chức quyền. Hay như việc đưa tin các vụ án, vụ việc lớn, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, báo chí cũng phải phản ánh về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, cửa quyền, “tham nhũng vặt”, gây không ít phiền hà, bức xúc đối với đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Qua 3 lần tổ chức, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo hiệu ứng tốt trong xã hội khi biểu dương tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của tập thể, cá nhân. Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đây là giải có tầm vóc lớn, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, thể hiện rõ giá trị vai trò của báo chí trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sự tham gia của các tác phẩm báo chí góp phần thể hiện rõ vai trò, tinh thần trách nhiệm của báo chí và tất cả lực lượng khác nhau trong toàn xã hội trong việc góp công vào “hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm” của chúng ta hiện nay.

Mỗi kỳ tổ chức, lại một lần chứng kiến chất lượng tác phẩm được nâng lên, nhận được sự quan tâm của các cơ quan báo chí cũng như toàn xã hội. Theo đó, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020-2021 đã nhận được 1.181 tác phẩm ở các loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình của hơn 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương gửi tham dự. Các tác phẩm dự thi bám sát với chủ đề và tiêu chí giải. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, theo sát tới cùng vụ việc của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, mang lại hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nói về quá trình tác nghiệp các tác phẩm thuộc thể loại khó nhất của báo chí, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Dân Việt) – tác giả từng đoạt giải A Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba với loạt bài độc quyền “Phía sau vụ thảm sát rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam” cho rằng, các loạt bài điều tra đòi hỏi phóng viên, nhà báo phải quyết liệt, có ý tưởng, kiên định và giữ mình đến tận cùng.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ thêm, một trong những khó khăn khi thực hiện tuyến bài này là liên tục phải đi vào rừng từ 3-4h sáng và ra khỏi rừng khi trời đã tối, ông bị theo dõi liên tục bởi các đối tượng đầu gấu. “ Trong quá trình thực hiện, rất nhiều đối tượng xin gặp nhiều lần, nhưng chúng tôi tuyệt đối không ăn với họ bất kì thứ gì, thậm chí là một bát mì tôm. Chúng tôi kiên quyết làm đến tận cùng và đã kiến nghị lên Quốc hội, các bộ trưởng về vụ việc này để đến bây giờ, mấy chục người vi phạm đã bị bắt. Đây là bài học sâu sắc”- nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ.

Cũng theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, thước đo của một nhà báo là người phóng viên, tờ báo đó đã làm được điều gì cho xã hội? Không phải viết để khua môi múa mép, khoe câu khoe chữ hay văn phong bóng bẩy để đăng Facebook. Quan trọng là tính hữu ích của bài báo, loạt bài đó trong cuộc sống. Đặc biệt khi loạt bài được trao Giải A, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư- đây chính là sự cổ vũ, động viên đối với những nhà báo. “Giá trị của giải thưởng đối với cộng đồng và những người làm báo rất quan trọng. Bởi, bên cạnh đó còn là bản lĩnh của Ban biên tập trước những tuyến bài điều tra”- nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nhấn mạnh.

Tiếp tục lan tỏa các giải báo chí của Mặt trận

Xác định tổ chức thành công Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng ban Chỉ đạo Giải nêu rõ, trong bối cảnh toàn Đảng, Nhà nước ta đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã và đang chỉ đạo triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố đã được thành lập và đi vào hoạt động tích cực. Đây là điều kiện thuận lợi rất lớn để tiếp tục phối hợp triển khai tổ chức thành công Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, thực tế đã khẳng định, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hưởng ứng tham gia tích cực, đông đảo của các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo và các tầng lớp nhân dân. “Trong thời gian qua, báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phát hiện, đeo bám để đi đến cùng một số vụ việc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”- Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhận định.

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, Ban Tổ chức Giải cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thể lệ, mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư năm 2022-2023 với các hình thức tuyên truyền khác nhau. Thông qua đó tạo sức lan tỏa, huy động sự tham gia hưởng ứng tích cực của các cơ quan báo chí, đặc biệt là tinh thần chiến đấu, sự dấn thân của các nhà báo trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhấn mạnh mục tiêu của Giải là góp phần phục vụ cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, Ban Tuyên giáo Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam cần chủ trì phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Biên tập một số cơ quan báo chí tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi nhằm cung cấp cho các nhà báo những thông tin, định hướng về công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay. Từ đó giúp cho các nhà báo khai thác, tiếp cận thông tin để tạo nên những tác phẩm chất lượng tham dự Giải.

Cùng với công tác tuyên truyền, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng, trong thời gian tới cần mở rộng thêm các hình thức biểu dương, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có đóng góp vào thành công của Giải như: tặng Bằng khen của UBTƯ MTTQ Việt Nam đối với những nhà báo, cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự Giải; đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khen thưởng và trao giải đặc biệt đối với những tác phẩm, những đề tài xuất sắc…

Có thể thấy, Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” và Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng khẳng định uy tín trong hệ thống các giải báo chí quốc gia. Qua thành công của những sự kiện ý nghĩa này, thời gian tới, các Giải báo chí của Mặt trận sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành đầy trách nhiệm của các cơ quan thông tấn báo chí, những người làm báo và các tầng lớp nhân dân trong cả nước đối với công tác Mặt trận và các hoạt động do Đảng đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động và triển khai, từ đó góp phần củng cố, lan tỏa để mỗi người Việt Nam tiếp tục vun đắp cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mỗi mùa Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lại có thêm nét tươi mới. Điều đó vừa cho thấy sự sáng tạo, lăn xả của những nhà báo, phóng viên, vừa cho thấy thực tiễn sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân luôn diễn ra sinh động, dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Cùng lúc đó, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang tạo hiệu ứng tốt trong xã hội khi biểu dương tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của tập thể, cá nhân; không chỉ trực tiếp đưa ra ánh sáng nhiều tiêu cực mà còn thúc đẩy tinh thần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cộng đồng, thể hiện rõ nét chức năng giám sát của Mặt trận.

Theo thể lệ Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023, tác phẩm tham dự Giải phải là các tác phẩm được các cơ quan thông tấn báo chí trong nước sử dụng kể từ ngày 13/11/2021 đến 31/8/2023 và thời gian tiếp nhận tác phẩm được tính từ ngày phát động đến ngày 31/8/2023. Lễ tổng kết và trao Giải: tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, thành phố Hà Nội vào đầu tháng 11 năm 2023 nhân dịp Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam – Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2023) và được Truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan tỏa những giải báo chí mang bản sắc Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO