Lan tỏa tinh thần ‘hiệp sĩ’

Thư Hoàng 04/10/2020 07:35

Sau 4 tháng phát động, Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần thứ nhất đã vừa gọi tên các tác giả có tác phẩm xuất sắc để trao giải thưởng lớn Hiệp sĩ Dế Mèn và 4 giải Khát vọng Dế Mèn. Một mùa giải đầu tiên đã khép lại, để lại dư âm với những tinh thần “hiệp sĩ” được lan tỏa.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (trái) và đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh (phải) trao giải Khát vọng Dế Mèn cho tác giả Cao Khải An (12 tuổi).

1. Trước thực trạng những sáng tác văn học nghệ thuật cho thiếu nhi thời gian qua có nhiều khoảng trống, giải thưởng Dế Mèn (do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức) được ví như “cơn mưa rào” xuất hiện đúng lúc để kêu gọi, thúc đẩy và truyền cảm hứng cho các nhà văn, họa sĩ, đạo diễn cùng đông đảo các tác giả chuyên và không chuyên ngồi xuống, “viết gì đó”, “làm gì đó” cho các em thiếu nhi.

Đây là giải thưởng phi lợi nhuận được tổ chức thường niên nhằm trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc “của thiếu nhi” hoặc “vì thiếu nhi”; đồng thời có thể xét cho những tác giả cũng có tác phẩm xuất sắc trong năm, đáng để thiếu nhi thưởng thức, tuy có thể chưa đạt đến mức xuất chúng, nhưng nếu tác giả đó có bề dày sáng tác cho thiếu nhi và có nhiều hoạt động vì thiếu nhi thì có thể xem là những “điểm cộng”.

Năm đầu tiên, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19, song giải thưởng Dế Mèn đã thu hút hơn 100 tác phẩm, chùm tác phẩm dự thi với đầy đủ các loại hình nghệ thuật. Bên cạnh đó, Ban sơ khảo giải thưởng còn tích cực “đãi cát tìm vàng”, rà soát một số lượng lớn các tác phẩm dành cho thiếu nhi được sáng tác, công bố trong thời gian từ 1/1/2019 đến 7/9/2020 để đưa lên Hội đồng giám khảo xem xét…

Kết quả 1 Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả của truyện dài “Làm bạn với bầu trời”; 4 Giải Khát vọng Dế Mèn được trao cho: Chùm tranh chủ đề phòng chống Covid-19 của Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi); “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm” (bản thảo truyện dài) của Cao Khải An (12 tuổi); “Mộng giang hồ” (bản thảo tập truyện ngắn) của Nguyễn Chí Ngoan; Chùm ca khúc chủ đề thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.

2. Từ TP Hồ Chí Minh ra nhận giải Hiệp sĩ Dế Mèn, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ, đúng 1 năm trước, tháng 9/2019, ông có mặt ở Hà Nội để ra mắt cuốn “Làm bạn với bầu trời”. Đây là cuốn sách có liên quan đến chủ đề Rằm tháng Tám dành cho các độc giả nhỏ tuổi. Để rồi, sau khi sách được xuất bản đúng vào dịp Trung thu năm ngoái, đến lượt nó lại được vinh danh tại giải Dế Mèn vào năm 2020 này, như một cơ duyên tình cờ.

“Nhận giải thưởng này tôi rất vui, song tôi còn có một niềm vui lớn hơn, đó là việc được chứng kiến sự ra đời của một giải thưởng văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Đó là một giải thưởng có giá trị xã hội rất lớn - mà trước hết, nó sẽ thắp lên những hy vọng để con em chúng ta có thêm sách hay để đọc, thêm nhiều bản nhạc hay để nghe hay những bức tranh đẹp để yêu thích”- nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói. Ngay sau đó, ông đưa ra quyết định tặng lại toàn bộ số tiền mình nhận được từ giải thưởng vào quỹ chung của giải, “để BTC cân nhắc những lần tới có thể trao giải thưởng cao hơn, hoặc mở rộng nhiều giải thưởng hơn, hay có thể trao giải cho những tài năng trẻ đặc biệt”.

Một “tinh thần hiệp sĩ” khác đó là trường hợp của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Tác phẩm “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya” của ông được bỏ phiếu rất cao để nhận giải Hiệp sĩ Dế Mèn. Tuy nhiên, ông đã gửi tâm thư xin rút khỏi giải thưởng vì mình có tên trong Hội đồng giám khảo của giải, dù quy chế của giải không có điều khoản nào quy định thành viên BGK không được nhận giải.

Bên cạnh đó, cả cuốn “Làm bạn với bầu trời” của Nguyễn Nhật Ánh và “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya” đều là những tác phẩm do các thành viên Ban sơ khảo tìm kiếm, đề xuất vì là những tác phẩm đã xuất bản, chứ không phải do tác giả gửi tới.

“Đây là một giải thưởng mà tôi đợi chờ từ rất lâu cho mình, bởi đó là giải thưởng về viết cho thiếu nhi. Nhưng tôi phải rút, vì tinh thần luôn muốn đề cao sự minh bạch trong giải thưởng, cũng như tạo uy tín của giải Dế Mèn trong tương lai” - nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, đồng thời nói thêm rằng, việc ông rút khỏi giải là một thái độ để tôn trọng giải đó cao hơn nữa.

“Chuyện của anh em nhà Mem và Kya được đón nhận đối với tôi đã là một niềm hạnh phúc. Tôi cũng thấy hạnh phúc và vô tư khi rút khỏi giải thưởng. Và càng hạnh phúc hơn khi tôi - chúng ta đang nỗ lực từng ngày vì một nền văn học cho trẻ em, vì quyền lợi trẻ em tại Việt Nam”.

Nói như lời nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trưởng Hội đồng Giám khảo giải thưởng Dế Mèn - 2020, những ứng xử của Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Quang Thiều khiến họ xứng đáng được tôn vinh tới hai lần quanh chữ “Hiệp sĩ”. Nhất là khi, những suy nghĩ và hành động rất đẹp ấy đều tràn đầy tình yêu thương con trẻ, hướng các em đến với sự trong sáng và nhân văn.

3. Bên cạnh những tên tuổi đã định hình nhưng đều có tác phẩm tâm huyết dành cho thiếu nhi, giải thưởng Dế Mèn năm nay cũng đã phát hiện được những tên tuổi mới.

Trong đó có tác giả mới đang học lớp 6 đã gửi bản thảo tập truyện dài đầu tay “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm” với những câu chuyện đậm đặc chất Nam Bộ đến tham dự. Đó là tác giả Cao Khải An, em viết tập sách này trong những ngày ở nhà tránh dịch Covid-19. Điều bất ngờ, Cao Khải An là con trai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Một tác giả khác cũng là cái tên còn mới, đó là Nguyễn Chí Ngoan - một thầy giáo dạy tiểu học ở Kiên Giang. Chí Ngoan cũng viết tập “Mộng giang hồ” trong những ngày ở nhà thực hiện giãn cách xã hội sau đó gửi tới tham gia giải thưởng Dế Mèn. Cả Cao Khai An và Nguyễn Chí Ngoan đề bất ngờ khi hay tin mình nhận giải Khát vọng Dế Mèn.

Không thể không nhắc tới họa sĩ nhí Nguyễn Đới Chung Anh. Vượt lên trên những bức tranh mang tính tuyên truyền, cổ động về chủ đề phòng chống Covid-19; cũng rất khác so với những bức tranh “ngây thơ có phần ngây ngô” của thiếu nhi; những bức tranh về Covid-19 của Nguyễn Đới Chung Anh là một góc nhìn vừa hồn nhiên vừa dữ dội về sự hỗn loạn cũng như sự kiên cường của thế giới trong đại dịch Covid-19.

Tuy mới 10 tuổi nhưng truyện tranh của Chung Anh có sự chững chạc và phức tạp về bố cục, tạo hình, cách lồng ghép câu chuyện và cả khả năng liên tưởng.

Về lý do vẽ bộ tranh này, Nguyễn Đới Chung Anh cho biết đó là những ngày đầu tiên sau khi nghỉ Tết, em đã không được đến trường vì dịch bệnh. Ở nhà, khi nghe các tin tức trên ti vi, Chung Anh rất lo lắng và đã vẽ ra giấy những gì mình nghĩ. Đó là câu chuyện ở những đất nước đầu tiên có Covid-19. Các bạn nhỏ ở nước đó cũng bị ảnh hưởng. Lúc đầu Chung Anh vẽ 1 rồi 2, rồi 3 bức... Đến bây giờ Chung Anh đã có 14 bức tranh nói về đại dịch này…

Mùa giải đầu tiên đã khép lại, tôn vinh và phát hiện nhiều tài năng trẻ ở các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, giải trí, hội họa…

Nhiều người kỳ vọng, ở những mùa sau, giải thưởng Dế Mèn sẽ tiếp tục phát hiện thêm những “thần đồng” mới, đồng thời có tính lan tỏa, truyền cảm hứng tinh thần hiệp sĩ để đời sống văn hóa nghệ thuật cho thiếu nhi luôn sôi động, hấp dẫn và chứ đựng những giá trị nhân văn sâu sắc…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan tỏa tinh thần ‘hiệp sĩ’