Tinh thần học tập suốt đời không phải là khẩu hiệu mà đã được cụ thể hóa qua nhiều cá nhân, nhiều mô hình. Những tấm gương về học tập suốt đời đã trở thành động lực truyền cảm hứng để mỗi người không ngừng phấn đấu, học tập rèn luyện mỗi ngày.
Những tấm gương truyền cảm hứng
Kể từ lần đầu tiên tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời vào năm 2011, đến nay hoạt động này đã trở thành sự kiện thường niên trên toàn quốc, nhắc nhở mỗi người về việc học tập suốt đời không bao giờ là đủ và hết sức cần thiết. Vừa qua, tại Diễn đàn học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập do Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức, bà Phạm Thị Huyền (SN 1954, trú tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã chia sẻ về hành trình gần 30 năm mở lớp học tình thương của mình. Lớp học của bà Huyền không phân biệt độ tuổi, trình độ, là những trẻ em lang thang cơ nhỡ, người có hoàn cảnh khó khăn… đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Với sự tận tụy và tình yêu nghề bền bỉ, bà Huyền đã giúp nhiều người từ không biết chữ hoặc phải bỏ dở việc học để mưu sinh được tiếp cận với ánh sáng tri thức, vươn lên thay đổi cuộc sống. Như trường hợp của một em ở Hà Giang xuống Hà Nội làm nghề rửa bát. Em được bà Huyền mời đến lớp học tập, sau đó tự tin đi học nghề và trở về quê mở cửa hàng riêng và ổn định cuộc sống.
Anh Phạm Quang Giang (SN 1985) - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Ninh Bình, đang là học viên lớp 10 tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Chia sẻ về lý do quay lại học tập sau gần 20 năm gián đoạn, anh Giang cho biết, anh đi học lại vì muốn nâng cao trình độ văn hóa của bản thân; đáp ứng sự phát triển và yêu cầu ngày càng cao của công việc. Với vai trò người đứng đầu của một tổ chức, anh muốn là người tiên phong trong mọi hoạt động, từ đó vận động nhiều bạn trẻ khiếm thị khác tiếp bước và học lên cao hơn. Mặt khác, anh Giang cũng muốn gửi thông điệp đến các con của mình, rằng hãy luôn cố gắng để học thật tốt mỗi ngày.
GS.TS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội từng chia sẻ, đối với nghề y đòi hỏi phải học liên tục, học cả đời, kể cả về hưu mà hành nghề vẫn phải học. Sinh viên y học 6 năm chưa đủ, ít nhất học thêm 3 năm Bác sĩ nội trú, học sau đại học và 9 năm cũng chưa đủ. Muốn làm thầy thuốc thì phải học suốt đời.
Tương tự, nhiều ngành nghề khác cũng đòi hỏi mỗi người không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực để tránh lỗi thời, lạc hậu. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 diễn ra với quy mô, tốc độ chưa từng có, điều này càng trở nên cấp thiết. Kinh tế tri thức, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số phát triển nhanh chóng khiến nhiều nội dung giảng dạy hôm nay có thể trở nên lỗi thời chỉ sau vài năm. Thậm chí, nhiều khái niệm phổ biến hiện nay, 10 năm trước vẫn chưa xuất hiện. Dự báo, khoảng 65% công việc hiện nay sẽ bị công nghệ thay thế trong thời gian tới.
Cần thiết xây dựng Luật Học tập suốt đời
Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra: “Học tập suốt đời là chìa khóa quan trọng để nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, là con đường duy nhất, hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để đảm bảo sự phát triển thịnh vượng, bền vững”.
Để xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời thành công, mỗi công dân cần ý thức được trách nhiệm của bản thân mình đối với việc tự học tập suốt đời; mỗi cán bộ, đảng viên luôn ý thức rõ học tập suốt đời là nhiệm vụ cách mạng với thái độ nghiêm túc và ý thức tự giác cao. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục theo định hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi công dân và thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, có các giải pháp cụ thể nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, ý nghĩa của học tập suốt đời và sự đóng góp của học tập suốt đời đối với nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia.
Luật Học tập suốt đời đang được Bộ GDĐT nghiên cứu, đề xuất với mục tiêu để cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành có trách nhiệm, tạo cơ hội, điều kiện về thể chế, thiết chế và những điều kiện khác để ai cũng được học tập, để việc học không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm của công dân. Luật Học tập suốt đời sẽ có chế tài cho việc được đi học và phải đi học như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng.
Dự kiến, khung nội dung Luật Học tập suốt đời sẽ gồm: Những quy định chung; Quản lí nhà nước về học tập suốt đời; Các tổ chức, cá nhân cung ứng cơ hội học tập suốt đời; Chương trình, nội dung, tài liệu, hình thức học tập suốt đời; đánh giá và công nhận kết quả học tập suốt đời; Giảng viên/hướng dẫn viên, cán bộ quản lí học tập suốt đời và người học; Huy động nguồn lực cho và tạo môi trường thuận lợi cho học tập suốt đời và điều khoản thi hành. Tuy nhiên, đây là luật mới, nhiều nội dung mới, đối tượng tác động rộng lớn, phương thức đa dạng, chương trình phong phú, thực hiện mong muốn của nhiều bên và phải tránh được sự chồng chéo của các luật đã ban hành nên cực kỳ phức tạp, cần được nghiên cứu thấu đáo, hợp lý.
Theo kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự kiến năm 2027, Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu, xây dựng Luật Học tập suốt đời.