Nhà hát Chèo Việt Nam vừa công diễn vở “Thị Mầu xuyên không”. Vở diễn nằm trong chương trình “Giáo dục di sản nghệ thuật Chèo tại Nhà hát Chèo Việt Nam”.
Với mong muốn đưa các giá trị văn hóa truyền thống tới thế hệ trẻ, Nhà hát Chèo Việt Nam phối hợp Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản phi vật thể Việt Nam chính thức khởi động chương trình này, dành cho học sinh lứa tuổi từ 7 - 15.
Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Quyền Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản phi vật (VICH) Nguyễn Thị Lệ Quyên về hoạt động ý nghĩa này.
PV: Thưa bà, từng đồng hành với nhiều dự án đưa giá trị văn hóa truyền thống đến với giới trẻ. Vậy điểm mới của chương trình lần này là gì?
Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên: Trước tiên tôi xin chia sẻ một chút niềm vui trong buổi tối hôm ấy, khi nhìn thấy sự tương tác, những gương mặt hào hứng, những tiếng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt dành cho nghệ sĩ của các em nhỏ. Đó là sự động viên rất lớn cho những người làm chương trình chúng tôi.
Chương trình Giáo dục di sản là một dự án được khởi nguồn từ sự hợp tác giữa ekip của đạo diễn Ninh Quang Trường và VICH với mục tiêu tạo ra các chương trình văn hóa giáo dục giải trí dành cho đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên. Thời điểm bắt đầu triển khai hợp tác và đầu tư nghiên cứu sản phẩm bắt đầu từ năm 2022. Đây cũng là dấu mốc ghi nhận sự kết hợp giữa 2 lĩnh vực văn hóa và giáo dục trên một hành trình xây dựng các sản phẩm sáng tạo trong công nghiệp văn hoá mang bản sắc Việt Nam, dành cho người Việt Nam.
Tại chương trình lần này, ekip xây dựng dựa trên mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa và giáo dục. Ở đó, chúng tôi sử dụng các phương pháp giáo dục, đào tạo để khai thác tài nguyên văn hóa nói chung (bao gồm và không giới hạn các lĩnh vực nghệ thuật, lối sống, lịch sử...) như một nguyên liệu chính để sáng tạo ra các sản phẩm giáo dục di sản dành riêng cho nhóm công chúng/khán giả mục tiêu.
Rất mừng là ý tưởng đã nhận được sự ủng hộ của Ban lãnh đạo Nhà hát Chèo. Chỉ sau 3 tháng làm việc liên tục, ekip sản xuất nội dung chương trình Giáo dục di sản đã xây dựng được sản phẩm đầu tiên cho lĩnh vực nghệ thuật truyền thống Việt Nam - “Giáo dục di sản nghệ thuật Chèo tại Nhà hát Chèo Việt Nam”.
Những người trẻ sẽ tiếp thu những điều gì khi đến với chương trình, thưa bà?
- Vì là chương trình dành cho người trẻ nên không gian, nội dung chương trình cũng rất trẻ trung. Ở đó, “Giáo dục di sản nghệ thuật Chèo tại Nhà hát Chèo Việt Nam” là một hành trình trải nghiệm với nghệ thuật biểu diễn chèo cho các em nhỏ từ 7 - 15 tuổi.
Hành trình này được thiết kế nội dung chính gồm 3 Trạm hoạt động. Trong đó, Trạm 1: Xem vở diễn “Thị Mầu xuyên không” trong thời lượng 60 phút. Vở diễn là cách kể chuyện cô đọng, xúc tích một phần của vở diễn kinh điển “Quan âm Thị Kính”, với lối kể chuyện mở - đóng thành từng chặng biến cố cuộc đời của nhân vật nàng Thị Kính, kết hợp phần lý giải/diễn giải của người dẫn chuyện, giúp khán giản nắm bắt được ý nghĩa chính yếu của tác phẩm gốc. Trạm 2: “Tích tịch tình tang”, trải nghiệm về âm nhạc trong nghệ thuật Chèo. Và Trạm 3: “Mật mã di sản”, khám phá tìm hiểu về các mô hình nhân vật kinh điển trong nghệ thuật diễn Chèo cổ. Trạm trải nghiệm này được thiết kế dựa trên các phương pháp cảm thụ mỹ thuật, giúp trẻ em nhận diện được cách sử dụng thủ pháp ước lệ, tượng trưng trong tạo hình nhân vật sân khấu.
Việc đưa các giá trị truyền thống đến với người trẻ là một hành trình đầy gian nan, vậy khi thực hiện dự án ekip đã gặp những khó khăn gì, thưa bà?
- Thực tế hiện nay “giáo dục di sản” là một khái niệm đã được ngành Văn hóa và ngành Giáo dục đưa ra từ nhiều năm nay, là nỗi trăn trở của rất nhiều đơn vị quản lý, thực hành về văn hóa nghệ thuật cũng như các đơn vị giáo dục, đặc biệt là các trường học. Tuy nhiên, việc làm rõ thế nào là “giáo dục di sản”, giáo dục di sản là phải làm gì, làm như thế nào... vẫn là những câu hỏi lớn.
Sau khi xác định được triết lý xây dựng các sản phẩm giáo dục di sản của mình là dùng phương pháp giáo dục để “chế tác” các tài nguyên văn hóa thành hành trình “tiếp xúc - khám phá - ghi nhận” cho khán giả của mình với các nhóm di sản, chúng tôi gặp phải một thách thức là: tiếp xúc từ đâu, tiếp xúc từ điểm nào của di sản. Di sản văn hóa nói chung là một tổng hòa của rất nhiều các giá trị từ lịch sử tới đương đại, vậy phải lấy điểm chạm đầu tiên với những khán giả nhí - những người biết nhiều về thị trường âm nhạc, nghệ thuật của thế giới qua YouTube chứ chưa biết nhiều về văn hóa truyền thống.
Cùng với đó, nhóm công chúng mà chương trình hướng tới là trẻ em, thanh thiếu niên - những người thụ hưởng nhưng lại không phải là người ra quyết định lựa chọn cái mà các em hứng thú. Quyền quyết định cho sản phẩm, nội dung, hoạt động nào chạm đến khán giả mục tiêu của chúng tôi lại thuộc về phía phụ huynh, nhà trường, các đơn vị quản lý việc học tập của các con. Do đó, hành trình làm sản phẩm là một hành trình tạo dựng giá trị thực sự thu hút cho đối tượng thụ hưởng.
Trân trọng cảm ơn bà!