Thời điểm này, tại các vườn đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) tấp nập khách đến lựa mua. Theo các chủ vườn, giá đào năm nay có thể sẽ tăng nhẹ so với năm trước do ảnh hưởng của thời tiết khiến nhiều vườn đào nở sớm. Những cành đào nhỏ cầm tay có giá 100.000-150.000 đồng, cành đào cỡ vừa 200.000- 300.000 đồng. Còn những cây đào cổ, đào Thất thốn thì giá cả vô chừng.
Người trồng hoa đào Nhật Tân chuẩn bị Tết Canh Tý 2002. Ảnh: Quang Vinh.
Làng đào “được mùa”
Càng cận tết, khách lên Nhật Tân ngày càng đông nên lượng đào bán ra tại các nhà vườn cũng tăng theo ngày. Hiện những vườn đào có tiếng đều đã được khách đặt cọc mua hoặc thuê về chơi Tết.
Tại vườn đào Tuấn Việt, theo lời ông chủ, những cây đào đẹp đều đã có khách đặt, toàn là khách quen từ nhiều năm nay. Sở hữu vườn đào có đến gần 500 gốc, toàn là đào thế cổ, anh Tuấn Việt cho biết, khách hàng của vườn rất phong phú từ các văn phòng, cơ quan đến dân sành chơi cây. Vì thế, trong vườn cũng có nhiều loại đáp ứng nhu cầu của khách. Rẻ nhất từ 2- 3 triệu đồng và cao nhất lên đến 3- 4 chục triệu đồng. “Những hộ gia đình hoặc văn phòng nhỏ thường đặt cây có giá từ 2 đến 5 triệu còn những công ty, cơ quan lớn lại chọn những cây có giá tới vài chục triệu đồng” – anh Việt chia sẻ.
Anh Quang Vinh, một người trồng đào ở phường Nhật Tân cho biết, năm nay thời tiết khắc nghiệt hơn so với mọi năm, mưa nắng thất thường khiến người trồng đào chăm sóc vô cùng vất vả. Cái thứ bích đào Nhật Tân mà gặp rét và mưa phùn thì sắc hoa mới thắm. Chứ thời tiết mà không ủng hộ thì người trồng có kỹ thuật đến mấy cũng khó có thể cho ra cây đào đúng vụ, hoa đào thắm sắc được. Hiện nhiều gia đình phải bơm nước tưới mỗi ngày 2 lần để giữ độ ẩm cho vườn. Cây đào có đủ nước thì nụ sẽ căng mọng, hoa thắm hơn.
Nếu những cây đào thế cổ không cần sai hoa nụ thì đào cành lại khác, càng nhiều nụ, nhiều hoa càng được giá. Thế nhưng, những ngày cận tết, trời nắng ấm nên người trồng đào cành ở Nhật Tân, Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) đứng ngồi không yên khi nhiều diện tích hoa đào đã nở rộ. “Giữa mùa đông mà nắng nóng quá, cả trăm cây đào cành của gia đình tôi nở sớm nên phải cắt bán suốt những ngày qua và trong dịp tết ông Công ông Táo. Hiện chỉ còn lại một ít tôi phải tỉa bớt hoa, giữ lại nụ để bán dịp Tết Nguyên Đán” - ông Tuấn – chủ một vườn đào ở Phú Thượng chia sẻ.
Lên Nhật Tân chọn mua đào, chị Nguyễn Thị Minh Thu, (phố Nguyễn Thị Định, Hà Nội) cho biết, năm nay Tết sớm nên hai vợ chồng đi chọn đào từ rất sớm. “Đào năm nay rất đẹp, giá cũng chỉ nhỉnh hơn năm ngoái một chút. Cả năm có ngày tết, gia đình tôi vẫn theo truyền thống, cứ phải có bích đào Nhật Tân thì mới đủ sắc xuân” – chị Thu chia sẻ.
Người dân làng Nhật Tân chuẩn bị đào đón Tết. Ảnh: Quang Vinh.
Thứ đào quý của làng
Nhắc đến đào Nhật Tân, người sành chơi sẽ nói đến Thất thốn - cái tên nghe lạ với ngay cả nhiều người làng, nhưng lại là tri kỷ với những ai trót nặng duyên với thứ đào được mệnh danh là kỹ tính, kén người trồng, kén cả người chơi. Sở dĩ loại đào này quý và giá cao như vậy là do người trồng phải mất ít nhất 10 năm mới cho ra được một cây đào có dáng đẹp và thắm sắc. Và ai đã say đào Thất thốn đều có chung một nhận xét: Hình như mọi cái đẹp nhất, cái tinh tuý nhất của hoa đào đều thể hiện trên cây đào Thất thốn.
Cho đến giờ người có thâm niên nhất ở làng đào cũng chưa giải mã được nguồn gốc của Thất thốn. Có người bảo vì mỗi thốn dài chỉ bằng đốt ngón tay mà có thể trổ tới 7 bông hoa nên gọi là Thất thốn. Có người lại bảo vì cái lá của nó dài đến bảy thốn. Cũng có cách giải thích khác cho rằng, “thất” là mất, “thốn” là thiếu thốn, nên “thất thốn” là mất đi thiếu thốn để có no đủ… Nhưng chưa có cách giải thích nào thuyết phục trọn vẹn cả.
Khác với những giống đào bích, đào phai, Thất thốn nở hoa muộn, khoảng sau rằm tháng Giêng, khi xuân đã cạn ngày. Thế nên, chăm thế nào, tính thế nào để ngày 30 Tết, Thất thốn điểm xuyết được một bông và dăm ba cái nụ người làng phải đánh đổi không biết bao công sức. Cây đào thường ra hoa khó một thì Thất thốn khó hơn đến vài chục lần. Vậy nên người ta bảo, nếu có cây đào Thất thốn nào trúng dịp trước Tết thì giá của mỗi bông hoa của nó cũng có thể được tính bằng tiền triệu.
Chả thế mà cả làng đào Nhật Tân người chinh phục được thứ đào quý này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và nhắc đến Thất thốn là người ta sẽ nhớ ngay đến Lê Hàm – một người nặng duyên với thứ đào quý này. Năm nay, vườn nhà anh Lê Hàm có khoảng gần 100 cây Thất thốn và anh tự tin là rất nhiều trong số đó có thể khoe sắc đúng đêm giao thừa.
Chia sẻ về vườn đào của mình, anh Lê Hàm cho biết, để trồng được một cây đào Thất thốn chi phí và công sức bỏ ra vô cùng lớn. Người trồng sẽ phải bắt đầu trồng từ hạt và mất ít nhất 10 năm để luyện dáng cây. Chính bởi sự kỳ công đó, số đào Thất thốn ở vườn nhà anh chỉ để cho thuê, tuyệt đối không bán. Những khách ở xa muốn thuê cũng phải đặt cọc thêm tiền để đảm bảo sẽ trả cây đúng hạn. Giá thuê cây nhỏ là 10 - 20 triệu đồng, cây to tán đẹp hơn có thể lên tới cả trăm triệu đồng. Thế nhưng, khách hàng vẫn sẵn sàng bỏ một khoản tiền không nhỏ để được sở hữu một cây đào Thất thốn chơi Tết.
Theo chia sẻ của một số chủ vườn đào Nhật Tân, dự báo năm nay sẽ là một năm “xuôi chèo mát mái”. Anh Tuấn Việt - chủ vườn đào Tuấn Việt, cho biết năm nay Tết dương lịch và âm lịch gần nhau nên thời gian, chi phí chăm sóc đào cũng giảm đáng kể. Ngoài những vườn đào cành nở trước thì đa phần người trồng đào thế cổ ở Nhật Tân “được mùa, được giá”.
Thường thì mỗi vườn đào ở làng Nhật Tân có khoảng 300 - 400 gốc đào, chủ yếu bán hoặc cho thuê tại vườn. Cùng với những cây đã nở hoa, dịp này người dân đang tiến hành cắt tỉa các cành khô, tưới nước và theo dõi tình hình thời tiết để có kế hoạch chăm sóc phù hợp. Theo người trồng đào, đến thời điểm này thời tiết diễn ra khá thuận lợi, tuy rằng có hơi nóng đào dễ nở hoa sớm. Nhiều năm trở lại đây, mặc dù một số địa phương cũng đẩy mạnh việc trồng đào phục vụ Tết Nguyên đán nhưng làng đào Nhật Tân vẫn giữ được truyền thống và vị thế riêng. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở Hà Nội, đào Nhật Tân còn được nhiều khách hàng sành chơi ở các tỉnh chọn mua.