Người dân làng nghề hương Đông Khê, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá) cứ ngày ngày, tháng tháng làm hương và đã truyền nối công việc này cho các đời con cháu được hơn 300 năm. Theo sự thay đổi của thời cuộc, nghề làm hương tại đây dần mai một, từ chỗ có gần 100 hộ làm hương vào thời điểm năm 2015 thì đến nay, chỉ còn 1 hộ làm thường xuyên và 2 hộ làm thời vụ vào thời điểm cận Tết Nhâm Dần 2022.
Theo tìm hiểu từ những bậc cao niên tại làng nghề Đông Khê được biết, nghề làm hương tại đây đã có tuổi đời hơn 300 năm. Thời kỳ cao điểm, có khoảng 2/3 hộ dân trong làng làm công việc này.
Những năm đỉnh điểm, làng nghề xuất ra thị trường hàng trăm vạn que hương, cung cấp cho nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ngày 21/1/2015, làng nghề hương Đông Khê được ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ký quyết định số 203/QĐ-UBND công nhận: “Làng nghề hương truyền thống”.
Được biết, hương Đông Khê đặc biệt bởi hương thơm trầm, nhẹ dịu, cháy hết nén và tàn hương vòng xoắn lộc. Hai loại hương nổi tiếng của làng nghề và được sản xuất nhiều nhất là hương sào và hương trăm.
Theo thời gian và sự phát triển của xã hội, nghề làm hương tại làng Đông Khê dần chuyển đổi từ làm hương thủ công theo phương pháp se hoặc nhúng bột lên tăm sang sản xuất bằng máy đạp chân rồi sản xuất bằng máy điện.
Cùng với sự thay đổi này là tỷ lệ số hộ làm hương trong làng cũng giảm dần theo từng giai đoạn. Từ chỗ có gần 100 hộ (khoảng năm 2015), đến năm 2018, số hộ giảm còn 32, năm 2020 thì còn 16 hộ, đến nay (cuối năm 2021) thì chỉ còn 1 hộ sản xuất thường xuyên và 2 hộ làm thời vụ.
Gia đình ông Đoàn Văn Mậu (63 tuổi) đã có 3 đời làm hương truyền thống. Đây là hộ gia đình duy nhất còn sản xuất hương thường xuyên trong năm và cũng là hộ duy nhất còn làm hương bằng tay tại làng nghề Đông Khê.
Theo chia sẻ của ông Mậu, việc làm hương bằng máy sẽ giảm bớt khó khăn đồng thời tăng năng suất. Tuy nhiên, làm hương bằng tay vẫn có những nét đặc trưng riêng, khiến khách hàng nhớ rằng chỉ tại Đông Khê mới có những mùi hương đặc biệt đó.
Tại nhà ông Mậu, hai vợ chồng ông cùng với 2 người làm vẫn đang miệt mài dùng bàn tay điêu luyện để tạo nên những que hương có mùi thơm êm dịu. Trong năm 2021, 4 người đã làm ra 700.000 que hương để xuất bán ra thị trường, 2 nhân công được ông Mậu trả lương khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
“Giờ ở làng, mọi người không làm hương đông như ngày xưa nữa nên tôi càng cảm thấy mình phải có trách nhiệm giữ gìn và góp sức để ngăn sự lụi tàn của làng nghề. Nhà tôi có 2 người con trai, cũng rất muốn truyền nghề này nhưng chúng nó có vẻ không hứng thú lắm vì nó thấy bố mẹ cứ đầu tắt mặt tối bên những bó hương, rồi thu nhập cũng chẳng đáng là bao”, ông Mậu chia sẻ.
Được biết, nguyên nhân chính dẫn đến sự lụi tàn của làng hương Đông Khê là do giá nguyên vật liệu làm hương truyền thống ngày càng đắt đỏ, lại vấp phải sự cạnh tranh với các cơ sở sản xuất hương công nghiệp, nên sản phẩm hương Đông Khê làm ra tiêu thụ chậm, nhiều người dân không còn mặn mà với nghề. Bên cạnh đó, do thu nhập từ việc làm hương thấp, nên nhiều hộ dân đã bỏ nghề, đi làm công ty để tìm mức thu nhập cao và ổn định hơn.
Ông Lưu Trọng Tài - Trưởng thôn Đông Khê cho biết: Do việc làm hương thủ công không mang hiệu quả kinh tế cao và chỉ bận rộn vào những ngày lễ tết, nên trong năm 2020, trong làng chỉ còn 16 hộ giữ nghề làm hương.
Trao đổi với ông Lê Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Quỳ được biết: Việc duy trì, giữ gìn được làng nghề hương Đông Khê trong giai đoạn này là rất khó. “UBND xã đã có đề án quy hoạch làng nghề, thành lập hợp tác xã làm hương nhằm tiến tới sản xuất tập trung, phát triển thương hiệu, duy trì và phát triển nghề. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn mà ý tưởng này chưa thể triển khai. Cùng với đó, số lượng các hộ gia đình còn làm hương chỉ còn đếm trên đầu ngón tay nên việc vực dậy được làng nghề là quá khó”, ông Hải thông tin.