Lặng lẽ Y Phương

BÙI VIỆT PHƯƠNG 13/02/2022 10:00

Thật ra, nhà thơ Y Phương còn kém bố tôi đến hai tuổi nhưng tôi không muốn gọi ông bằng chú. Chú nghe khách sáo, bác gần gũi hơn, tôi cứ thấy thế.

Nhà thơ Y Phương (1948-2022).

Một lần vào năm 2006, một cô em cùng lớp cao học rủ tôi đến nhà bác để xin làm luận văn về nhà thơ dân tộc Tày này. Rồi sau này thấy nhà thơ bình dị quá, dễ tính đến mức tôi quên cả phép lịch sự, cứ qua lại quấy quả ông càng lúc càng nhiều hơn. Cái chất thơ đơn giản mà tinh quái của ông hút hồn cậu học viên đang sặc mùi lý thuyết như tôi khi ấy. Có thể, do tôi là một người miền núi, có học và ở Hà Nội mươi năm vẫn chưa hết sự “rừng rú” nên bác Phương thấy quý.

Nhà thơ Y Phương (tên thật là Hứa Vĩnh Sước) sinh ra ở làng Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ông nhập ngũ, trong thời gian ấy theo học Trường Điện ảnh Việt Nam. Năm 1981 chuyển sang ngành Văn hóa ở Cao Bằng, ông tiếp tục học khóa II (1982-1986) Trường Viết văn Nguyễn Du, Chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật Cao Bằng, Uỷ viên BCH, Trưởng ban kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI. Nhà thơ vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật vào năm 2007.

Sơ lược về cuộc đời ông là thế. Tôi có một thói quen xấu là lười tìm hiểu về ai đó qua người khác mà chỉ đợi họ kể hoặc hỏi chính họ. Vì tôi thấy như thế là sự tôn trọng nhau hơn. Với cả, dù họ là ai, làm chức vụ gì, thành đạt thế nào thì tôi chỉ muốn/dám chơi với con người cá nhân đời thường của họ. Với bác Phương cũng không ngoại lệ. Có nhiều lần bác đọc cho tôi nghe đủ các bài, tôi bảo cháu chỉ thích bài “Lặng lẽ đêm”, nó giống bác lúc này. Thơ của một người con của làng Hiếu Lễ viết, không phải chịu áp lực của một thi sĩ tên tuổi trên vai:

“Trên đầu ta

Trăng khe khẽ sáng

Sương khe khẽ lắng

Mây khe khẽ trôi

Dưới lưng ta

Chiều khe khẽ thở

Trong ngực ta

Khe khẽ người”.

Tôi đọc thơ bác chậm, vừa đọc vừa chơi với bác, nói đủ thứ chuyện. Có nhiều hôm tôi còn ở lại ăn cơm với món thịt quay bác gái hay mua ở đầu phố, chơi với người con trai của bác. Hai anh em khá thân. Cho đến hôm nay, vẫn đang có nhiều người viết về cuộc đời cố thi sĩ Y Phương như một sự tưởng niệm. Còn với tôi, bác như thế này, chỉ cần diễn giải bằng mấy thơ là đủ:

“Mùa xuân này mẹ cho tháng giêng

anh em ra chiến hào

chiến hào mới đào

đất bừng máu đỏ

hướng súng ngược chiều gió...”

(Tiếng hát tháng Giêng)

Nhà thơ Y Phương yêu thương con người say đắm. Con người ta ai cũng yêu cha mẹ, con cái, yêu người mà mình mến thương nhưng nhà thơ của phủ Trùng thì còn hơn thế. Nói chuyện với bác, cứ thấy bác trăn trở về cái người này, người kia sống… không phải. Không phải là so với nết ăn, ở của người miền núi, không phải là với lẽ đời chứ ông đâu có ghét họ. Cùng từ ngày ấy tôi ngộ ra, với một số người, khả năng để ghét bỏ ai đó, để làm điều xấu với ai đó hình như đã bị triệt tiêu đi từ lúc họ còn nằm nghe mẹ hát ru trong nôi, ngay từ khi lóng ngóng cầm bút viết những con chữ đầu đời. Lúc đó tôi thấy bác Y Phương yêu cháu ngoại đầu lòng là bé Sa (con gái cả của chị Nhuệ Anh và anh A Sáng), cũng như sau này yêu cháu nội Đu Đủ, dường như với ông cả thế giới này đều thu bé lại trong hai mấy thước vuông của ngôi nhà. Tổ ấm là tất cả. Con cháu như những ngọn núi, ngắm mãi, hôn hít mãi, ôm ấp mãi ông vẫn chưa thoả, chưa thấy hết được cái lớn lao của một tình yêu.

Tôi không được nghe bác Y Phương giảng về thơ, cũng đâu dám nhận là người học được gì từ bác. Nhưng bác giúp tôi hiểu cuộc sống: Chỉ khi nào sống có văn mới viết được văn. Văn ấy là gì? Văn ấy là khi ta biết lặng im. Người ta hơn nhau ở chỗ biết khe khẽ, biết lặng im, nên “khe khẽ người” mới quý giá thế.

Rồi tôi cũng phải xa Hà Nội, xa tất cả những thói quen để về tỉnh lẻ. Bác cháu tôi vẫn gọi điện, vẫn chat với nhau lúc đầu qua mail (ngày đó tôi ngu ngơ đến mức phải nhờ hoạ sĩ Hứa Tuấn Anh- con trai bác lập mail cho). Sau này có facebook, tôi càng dễ cập nhật hình ảnh, trạng thái của bác hơn. Tôi cũng hay gặp bác ở các sự kiện do Hội Nhà văn tổ chức nhưng có một điều thật lạ: từ cái chiều năm 2008 ấy chưa có dịp nào tôi quay lại căn phòng tập thể 212 của bác nữa. Chiều ấy tôi đến chào bác sau hai tháng đọc bản thảo “Đò trăng” (rồi bác lại đổi là “Thuyền trăng” thì phải. Tôi đọc và ghi rõ ý kiến của mình với những câu trong tập bản thảo, rồi tôi có viết một bài đưa cho bác. Biết tôi về Hoà Bình bác hỏi: “Cháu về làm công việc gì?”. Tôi nói, bác lặng im. Lặng im như đá làng Hiếu Lễ, mặc gió Phủ Trùng bốn mùa thổi mãi.

Rồi những năm sau tôi thấy bác viết nhiều và thành công ở thể tản văn. Người coi đó là “chiếu nghỉ” giữa những cuộc vượt bậc thang thơ, người coi đó là một Y Phương thật khác. Với tôi thì tản văn của ông được phả vào đó một chất thơ như thế này: “Đi hết cuộc đời người cha, sang cuộc đời con đến cuộc đời cháu, chắt, chút, chít… vẫn quẩn quanh núi trúc… Chỉ cần nghe lá trúc reo, là hổ báo với lợn rùng tự mình mềm oặt…” (Chiếu trúc nhìn ta).

Khi tôi ngỏ ý muốn xin bác lời giới thiệu, bác bảo bác nghỉ rồi mà chưa thấy cháu đâu (“nghỉ” là không còn trong hội đồng đó nữa). Tôi bảo: “Cháu muốn bác giới thiệu nhưng muốn đợi lúc bác không đảm nhận cương vị nào nữa, thế hay hơn. Mọi cái nên tuỳ duyên, kể cả chuyện viết cũng vậy”. Rồi khi một cậu em hiện là giảng viên đại học đến nhận lời giới thiệu của bác hộ tôi, cậu ta bảo: “Anh ơi, bác yếu rồi anh ạ, bác tình cảm lắm”. Tôi chẳng biết nói gì, thời gian như một điếu thuốc cháy dần. Kết tinh thành một ngọn khói thơm thiên di về đâu đó, mỏng manh cánh hạc, như sương núi tìm đến miền hư ảo xa xôi. Một cõi vô đề như cách đây gần ba mươi năm trước bác Y Phương đã từng viết như thế:

“Chết là gì?

Chẳng là gì hết

Nhưng

Không ai biết

Ta mê chết như thế nào

Sống là gì?

Sống sẽ ra sao

Sống thừa thãi chẳng thà rơm cỏ

Và xin nhớ những gì ta có

Phần nhiều là của người ta”…

(Vô đề)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lặng lẽ Y Phương