Lãng mạn cùng Venice

Bích Quyên  (Nguồn tham khảo: Amusingplanet) 20/08/2017 07:10

Venice nước Ý được mệnh danh là “thành phố của các kênh đào”, là thành phố lãng mạn bậc nhất thế giới. Dân số toàn thành phố chưa đến 300 ngàn người, nhưng ngày nào cũng có không dưới 100 ngàn khách du lịch ghé lại. Bởi Venice vô cùng quyến rũ với những kiến trúc cổ, những dòng sông hiền hòa ngay tạo thành những con đường nước ngay trong lòng thành phố. Và Venice còn tuyệt vời bởi những quán bar, những nhà hàng ăn uống và những thư viện nhỏ chất đầy sách trong những con phố cổ cũng nhỏ nhắn.

1. Theo như truyền thuyết thì Venice được xây dựng từ năm 421 bởi những người La Mã. Ban đầu, nó là nơi tập trung của những dòng người tị nạn bởi những cuộc chiến tranh trong vòng 5 thế kỉ. Đất lành chim đậu, người ta xây dựng lên thành phố của mình từ một vùng đầm lầy hoang vu, từ vùng đất cửa sông nhiều bất trắc. Theo thời gian, với sự hy sinh không thể đo đếm của con người, thành phố hiện lên ngày một đẹp đẽ, tráng lệ. Giai đoạn từ thế kỉ thứ 9 đến thế kỉ 12 là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của Venice, trở thành một trung tâm phồn thịnh về thương mại của Tây Âu và phần còn lại của thế giới.


Venice nổi tiếng toàn thế giới với hệ thống kênh đào. Tổng cộng có tới 150 con kênh, trên đó có khoảng 400 cây cầu bắc qua. Đó có thể là những con kênh có một cách tự nhiên, nhưng theo thời gian người ta đã mở rộng nó, đào thêm những con kênh nhánh nối chúng lại với nhau tạo thành những “con đường thủy” chằng chịt. Bởi vậy, cho dù suốt thế kỉ 19 và 20, cho dù công nghiệp ô tô châu Âu cực hưng thịnh thì thành phố này hầu như không có bất kỳ một chiếc ô tô nào trên đường. Cư dân và khách du lịch đi lại chủ yếu bằng thuyền trên những dòng kênh. Cũng có những con đường trên mặt đất, nhưng dành cho người đi bộ là chính, thi thoảng mới co một chiếc xe máy Vespa nhẹ nhàng lướt qua.


Carnival trên dòng kênh.

Những con thuyền truyền thống của thành Venice có tên gọi là “Gondola”. Chúng được làm thủ công, trang trí khá cầu kỳ. Tới nay những Gondola vẫn hoạt động nhưng chủ yếu là để phục vụ du khách nước ngoài. Còn người Venice chỉ dùng chúng trong đám cưới, đám ma và lễ hội thường niên mà thôi. Còn thì, những con tàu, thuyền mới tốc độ cao đã thay thế vị trí, ken dày trên những dòng kênh.

2. Venice còn được coi là mảnh đất của những cung điện, đền đài, nhà thờ- đó là những kiến trúc cổ điển châu Âu mà tầm lan tỏa của nó mang tính thế giới. Những tòa kiến trúc nguy nga đó kiêu hãnh khoe mình bên những dòng kênh, trong những vườn cây quanh năm xanh tốt. Thành phố có tới 120 nhà thờ kiểu Phục hưng, hơn 60 tu viện, hơn 100 tháp chuông và 40 cung điện. Quảng trường Piazza San Marco và Tiểu quảng trưởng Piazzeta ở trung tâm thành phố, nơi có thánh đường San Marco được xây dựng bằng đá cẩm thạch theo phong cách La Mã cổ đại tới nay vẫn là những tác phẩm kiến trúc lừng lẫy.

Hóa thân trong lễ hội hóa trang.

Người Venice còn tự hào mình là công dân của “thành phố âm nhạc thế giới” khi mà nhiều thế kỉ các phong cách âm nhạc châu Âu đều được coi là bắt nguồn hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Venice- được gọi là “trường phái Venezia”. Đây cũng là quê hương của những danh họa, những nhà thơ lãng mạn mà ảnh hưởng của họ là rất lớn và bền vững. Cũng do khung cảnh quá lãng mạn, Venice đã là một phim trường khổng lồ cho những nhà làm phim Âu-Mỹ trong hơn một trăm năm qua.

Nhưng, quan trọng hơn, người khắp nơi trên hành tinh này đều cho rằng Venice xứng đáng được cho là thành phố của tình yêu. Chính sự lãng mạn của thiên nhiên, của kiến túc, của những dòng kênh và những cây cầu đã tạo nên khung cảnh cho những mỗi tình lãng mạn. Rất nhiều đôi tình nhân đã chọn Venice làm nơi cầu hôn với lời ước nguyện thủy chung son sắt.

Một nhà sách ở Venice.

Người ta thích thú đến Venice trong dịp lễ hội hóa trang. Không đâu mà lễ hội hóa trang lại lãng mạn như ở đây. Người tham gia lễ hội tạo cho mình vẻ bề ngoài khác hoàn toàn để dễ dàng hòa tan vào đám đông trên những con thuyền, những con đường. Đồ hóa trang bày bán khắp nơi với muôn vàn màu sắc, trang phục thì lộng lẫy, mặt nạ thì độc đáo đã xóa đi khoảng cách giữa tất cả mọi người.

Cũng thật ngạc nhiên là ở chính nơi nhộn nhịp này thì “văn hóa đọc” tưởng chừng như đã lui bước trước “văn hóa công nghệ thời @” thì vẫn được mọi người tôn trọng. Đó là những chiếc thuyền chở đầy sách, như những thư viện lưu động trên nước. Còn trong nhiều ngõ phố nhỏ bé già nua, là những cửa nhà sách ngồn ngộn. Ở đó người ta hoàn toàn có thể tìm được cho mình bất cứ cuốn sách nào, với rất nhiều ngôn ngữ khác nhau. Và, khi bước vào những cửa hàng sách như vậy, thời gian như vô nghĩa, con người chìm đắm vào một thế giới của minh triết và sự lặng thầm thiêng liêng.

Venice cũng chính là thành phố thời trang hàng đầu thế giới. Ở đây, những thiết kế mới nhất mang tính tiên phong đã đem lại thương hiệu cho thành phố. Nhưng thật kỳ lạ, trong những cửa hàng thời trang hào nhoáng kia người ta vẫn luôn tìm thấy những trang phục cổ tiêu biểu cho phong cách thế kỉ 18, 19.

Trong hiệu thời trang Alessandra de Rossi, cùng với những chiếc khăn choàng hiệu Gucci, túi xách Prada và đồ trang sức Ferragamo, đồ thủy tinh retro Murano... thì những người hoài cổ vẫn có thể thỏa sức ngắm một tấm ren cổ từ thời Burano, hay là một chiếc găng tay của giới quý tộc thế kỉ 18 tưởng chừng như không bao giờ còn xuất hiện trên trái đất...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãng mạn cùng Venice