Hiện số người bệnh tâm thần có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, việc điều trị cho các đối tượng này chưa thật sự hiệu quả do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng. Ngoài ra, cơ chế chính sách trợ giúp xã hội chưa đầy đủ và còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với đời sống xã hội hiện nay.
Chăm sóc người bệnh tâm thần là nghề của lòng nhân ái.
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Trước những khó khăn và bất cập trên trên, thời gian qua Trung tâm Bảo trợ Xã hội thành phố Cần Thơ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về Chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đồng thời nâng cao hiệu quả thực thi chính sách pháp luật đối với người tâm thần, đảm bảo cho họ được thụ hưởng các dịch vụ xã hội, các chế độ chính sách của Nhà nước kịp thời và đầy đủ.
Hiện số người bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí được tư vấn, trị liệu tâm lý và được nuôi dưỡng tại Trung tâm là 533 người, trong đó có 446 bệnh nhân tâm thần đặc biệt nặng, tâm thần khuyết tật, tâm thần đã thuyên giảm, số người tâm thần nữ là 119 người và 87 người sống lang thang được đưa về Trung tâm.
Người bệnh tâm thần thường mắc chứng tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần nghiêm trọng, các dạng rối loạn thường gây hậu quả về sức khoẻ tâm thần (như: động kinh, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu và ma túy...). Tuy nhiên, với quy trình chăm sóc và phục hồi chức năng được luân phiên, kỹ năng và phương pháp chăm sóc khoa học, đội ngũ y bác sĩ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, vì vậy bệnh nhân điểu trị tại Trung tâm có những chuyển biến tích cực rõ rệt, nhiều bệnh nhân đã được trở về gia đình, tái hòa nhập với cộng đồng, xã hội.
Hiện Trung tâm có chức năng thực hiện việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng; phục hồi chức năng, lao động sản xuất; dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp, tái hòa nhập cộng đồng và tổ chức các hoạt động khác cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố được nuôi dưỡng tại Trung tâm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên tổ chức nhiều chương trình đáp ứng nhu cầu về giải trí và thông tin cho các đối tượng; hàng tuần tổ chức hoạt động sinh hoạt văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với sức khỏe cho từng nhóm đối tượng. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức để dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và nhân cách. Trung tâm cũng đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi cơ sở bảo trợ xã hội trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống.
Nghề của lòng nhân ái
Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, cần thực hiện đồng bộ các hoạt động như: triển khai xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị tại cơ sở bảo trợ chăm sóc và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần; phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người bệnh tâm thần dựa vào cộng đồng; phát triển các cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về trợ giúp, phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần.
Xác định bảo trợ xã hội là nghề của lòng nhân ái, mang đến hạnh phúc cho mọi người, đặc biệt những người yếu thế trong xã hội. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc và khám chữa bệnh, CBNV Trung tâm luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người bệnh, để chia sẻ, động viên, để tư vấn, trợ giúp họ vượt lên hoàn cảnh khó khăn, giải quyết vấn đề gặp phải. Hàng năm Trung tâm cũng thường xuyên truyền thông, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên, những người làm công tác xã hội ở cơ sở. Hoạt động truyền thông, giới thiệu nghề công tác xã hội, dịch vụ công tác xã hội của Trung tâm được thực hiện qua các phương tiện thông tin đại chúng, pano, tờ rơi và truyền thông lồng ghép qua các buổi tập huấn nâng cao năng lực từ thành phố đến địa phương.
Ông Ngô Trí Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, ngoài việc khám chữa bệnh và thực hiện các liệu pháp đặc biệt, Trung tâm luôn tạo môi trường giao tiếp thân thiện và ấm áp cho người bệnh. Đội ngũ cán bộ nhân viên Trung tâm luôn tạo sự thân thiện, tin tưởng để giúp người bệnh sớm hoà đồng.
Để công tác chăm lo, bảo vệ và tạo điều kiện cho những đối tượng xã hội, người lang thang, tâm thần kinh, cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng được tốt hơn, Trung tâm rất mong nhận được sự sẻ chia, hỗ trợ của các cấp các ngành và những tấm lòng nhân ái, nhằm tạo một môi trường sống và điều trị bệnh hiệu quả, giúp họ thấy thêm yêu cuộc sống, thêm tự tin hòa nhập với cộng đồng, xã hội.